Chủ trì hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên; Phó bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi; Phó bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ.
Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng 17,49% so cùng kỳ
Chia sẻ tại hội nghị, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM tường trình 6 tháng đầu năm 2022, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,1% so cùng kỳ, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 7,1% so cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP qua cửa khẩu cả nước ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% so cùng kỳ. Còn tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 34,2 tỷ USD, tăng 13,7% so cùng kỳ.
Tổng doanh thu du lịch ước đạt 49.681 tỷ đồng, tăng 29,9% so cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến TP.HCM ước đạt 11,08 triệu lượt, tăng 43,1% so cùng kỳ, còn khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt 477.982 lượt.
Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 238.648,063 tỷ đồng, đạt 61,74% dự toán năm và tăng 17,49% so cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 68.700 tỷ đồng, đạt 58,97% dự toán, tăng 9,62% so cùng kỳ.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM báo cáo tại hội nghị |
Những khó khăn khách quan và chủ quan
Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng về kinh tế, do diễn biến khó lường của các xung đột địa chính trị trên thế giới, nhất là xung đột giữa Nga - Ukraina làm tăng nguy cơ lạm phát, nguyên nhiên liệu tăng mạnh, khiến giá cả một số ngành hàng thiết yếu bị ảnh hưởng.
Mặt khác, TP.HCM giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. Năm 2022, TP được giao hơn 44.000 tỷ đồng vốn đầu tư công nhưng hiện TP mới giải ngân được hơn 5.900 tỷ đồng (chỉ đạt 17%).
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chưa nhiều do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021 khiến việc tái khởi động thi công các dự án ở những tháng đầu năm 2022 có độ trễ nhất định, đã vậy chi phí đầu vào không ổn định và có xu hướng tăng…
Ngoài ra, việc triển khai lập quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 còn chậm, chưa đạt tiến độ theo yêu cầu.
Luật Quy hoạch có nhiều quy định mới về nội dung và phương pháp lập, tuy nhiên đến nay chưa có các văn bản hướng dẫn thực hiện. Một số văn bản hướng dẫn chi tiết luật, pháp lệnh sửa đổi một số điều có liên quan đến quy hoạch còn chậm, chồng chéo các quy định của Luật xây dựng, quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.
Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quy hoạch quốc gia chưa được hoàn thiện, pháp lý lập quy hoạch các cấp (tầng bậc) chưa kịp thời khiến công tác lập, trình thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch thành phố còn chậm, ảnh hưởng tiến độ của các bước tiếp theo.
6 tháng cuối năm 2022: TP.HCM đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường Vành đai 3
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo trong 6 tháng cuối năm 2022, TP.HCM tiếp tục thực hiện các biện pháp phục hồi kinh tế, khắc phục nhanh các hạn chế.
Cụ thể, TP tiếp tục bảo đảm thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong đó, TP khẩn trương hoàn thành đề án thí điểm tổ chức lại Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng trở thành Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc UBND cấp huyện, đề án “Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước của chính quyền các huyện trong quá trình chuyển từ huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM”... và trình Ban Thường vụ Thành ủy.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo tại hội nghị |
TP sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch đô thị, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các khu vực quan trọng như thành phố Thủ Đức, hướng tuyến Vành đai 3, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Nam TP, nghiên cứu phương án lập quy hoạch Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, chính quyền TP sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục gọi vốn cho dự án; Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch chi tiết công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Lãnh đạo TP.HCM cũng giao UBND TP.Thủ Đức và huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ. Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết các dự án thành phần trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, ông Mãi cũng chỉ đạo ngành thuế theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đẩy mạnh các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu; tăng cường quản lý việc chi ngân sách, hạn chế những khoản chi phát sinh mới ngoài dự toán và khẩn trương hoàn thiện đề án Xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM trình Thường trực Chính phủ.
Dự án Vành đai 3 đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp vừa qua. Giai đoạn một, tuyến được đề xuất đầu tư dài hơn 76 km, 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế 80km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỷ đồng, sử dụng ngân sách Trung ương và địa phương. Trong đó, tổng kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng làm dự án khoảng 41.600 tỉ đồng, TP.HCM có kinh phí lớn nhất với hơn 25.600 tỷ đồng. TP.HCM và các địa phương đặt mục tiêu khởi công Vành đai 3 vào cuối năm 2023, cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025, hoàn thiện toàn bộ, vận hành vào 2026. |