TP.HCM: 51% doanh nghiệp giảm doanh thu
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), quý II/2023 vừa qua, số lượng doanh nghiệp có doanh thu giảm chiếm 51%, số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm chiếm 62%, trong khi đó sản phẩm, hàng hóa tồn kho tăng lên 41%.
Khó khăn của thị trường từ đầu năm vẫn chưa giải quyết hết
Chiều 14/7/2023, HUBA đã tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và chương trình công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA, tình hình kinh tế - xã hội từ sau quý I/2023 đến nay có những tín hiệu tích cực, tăng trưởng khá, quốc phòng, an ninh, an toàn trật tự xã hội trên địa bàn thành phố được giữ vững.
Cụ thể, dự báo GRDP TP.HCM quý II đạt 5,87%, tính chung 6 tháng đầu năm 3,55%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,5% so với cùng kỳ; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,09% so với tháng trước, tiếp tục xu hướng giảm; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 6,2%; mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều hạn chế như kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 13,4% so với tháng trước nhưng giảm 19,5 so với cùng kỳ; thị trường bất động sản, thị trường tài chính có những dấu hiệu tích cực bước đầu nhưng chưa hoàn toàn phục hồi, còn nhiều khó khăn vướng mắc.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới đạt 1.8630 tăng 7,9%, nhưng quy mô về vốn giảm 21,2%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài qua 6 tháng giảm 13,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 1,1%). Kết quả giải ngân vốn đầu tư công, mặc dù có mức tăng so với tháng trước, nhưng chưa đảm bảo tiến độ giải ngân theo quy định.
Nguyên nhân của những hạn chế trên, do kinh tế thành phố có độ mở lớn, trụ cột phát triển chính dựa trên hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ và xuất nhập khẩu nên chịu tác động, ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố bên ngoài. Những tồn tại, yếu kém nội tại kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém. Một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, bên cạnh đó còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy.
Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù chính quyền thành phố tích cực tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, các buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, nhưng các khó khăn chung của thị trường từ đầu năm vẫn chưa giải quyết hết, việc thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, việc chậm thực hiện các dự án bất động sản vẫn đang diễn ra. Các khó khăn kéo dài tác động tiêu cực đến niềm tin thị trường của cộng đồng doanh nghiệp, cần thời gian để đón nhận tác động tích cực từ chính sách hỗ trợ của Trung ương và hiệu quả trong thực thi công vụ của hệ thống chính quyền thành phố.
Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa
Doanh nghiệp có doanh thu giảm chiếm 51%
Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, HUBA đã kiến nghị thành phố trên cơ sở khảo sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Các khảo sát cho thấy, tình hình kinh tế xã hội của TP.HCM quý II/2023 diễn ra trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi vì đạt mức thấp. Một số ngành tăng trưởng tốt như lương thực thực phẩm, nhưng một số ngành khác vẫn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp có doanh thu giảm chiếm 51%, số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm chiếm 62%, trong khi đó sản phẩm, hàng hóa tồn kho tăng lên 41%.
Điều này cho thấy tình hình là hầu hết doanh nghiệp đang kinh doanh không thuận và khả năng phát triển trong các quý tiếp theo là khá khó khăn. Thậm chí có tới 30% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh quý tiếp theo sẽ còn tiếp tục giảm. Do đó, khả năng số lượng doanh nghiệp tiếp tục rút lui khỏi thị trường sẽ còn gia tăng, làm ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa, dịch vụ và thu ngân sách.
Bên cạnh đó, HUBA đã tham gia 8 hội đồng gồm các chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố. Đồng thời, HUBA đã thành lập hội đồng doanh nghiệp dẫn đầu gồm 13 thành viên là đại diện các doanh nghiệp dẫn đầu trong từng ngành nghề và các chuyên gia kinh tế với nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách góp phần thúc đẩy TP.HCM phát triển; nghiên cứu các giải pháp nâng cao hoạt động, năng lực cạnh tranh, nâng cao vị thế của các doanh nghiệp dẫn đầu.
Cần nhanh chóng triển khai chương trình kích cầu theo Nghị quyết 98
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm tới, ông Hòa cho biết, HUBA sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương có các chính sách cụ thể tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
Việc ban hành các chính sách, văn bản tránh tạo thêm các thủ tục, hoặc có nội dung không rõ ràng gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp vốn đang gặp nhiều khó khăn; kiến nghị thành phố tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được tham gia các dự án đầu tư công, các chương trình trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, quảng bá giới thiệu hàng hóa xuất khẩu, mở thị trường; kiến nghị thành phố nhanh chóng triển khai chương trình kích cầu theo Nghị quyết 98, sớm ban hành danh mục các lĩnh vực, ngành nghề được hưởng các chính sách hỗ trợ kích cầu.
Đồng thời, HUBA cũng kiến nghị thành phố sớm có cơ chế để doanh nghiệp đầu tư dự án tại các tỉnh theo các chương trình liên kết vùng, được tham gia chương trình kích cầu theo Nghị quyết 98. Định kỳ tiếp xúc gặp gỡ doanh nghiệp để thông tin tình hình, các chương trình, kế hoạch của thành phố đồng thời tiếp nhận các phản ánh khó khăn của doanh nghiệp. Thành lập các tổ công tác theo từng chuyên ngành, lĩnh vực để giải quyết nhanh chóng cụ thể các vướng mắc của doanh nghiệp.