Doanh nhân

Tổng hợp tin doanh nhân tuần 7-13/10

Thanh An 12/10/2024 13:00

Chủ tịch VACC đề xuất tăng phân cấp, phân quyền trong một số khâu khi điều chỉnh quy hoạch; Phó Chủ tịch HĐQT CF Holdings ký kết hợp tác chiến lược với VECOM, VNPost và Làng trẻ em SOS Việt Nam; Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất kết nối ngân hàng trong và ngoài nước để thu hút kiều hối... là những hoạt động nổi bật của doanh nhân trong tuần qua.

Chủ tịch VACC đề xuất tăng phân cấp, phân quyền trong một số khâu khi điều chỉnh quy hoạch

hiep-2553-1728467632.jpg

Tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật ngày 9/10, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết giải phóng mặt bằng và thủ tục hành chính là vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp. Theo đó, để giải phóng mặt bằng cho dự án xây dựng, doanh nghiệp cần tổ chức đối thoại với người dân, nhưng khâu này khá tốn thời gian, trong đó, thủ tục hành chính với các dự án đầu tư có sử dụng đất thường kéo dài, có những dự án mất 14 năm cho khâu giải phóng mặt bằng.

Tương tự, về thủ tục hành chính, Chủ tịch VACC cho biết có những dự án cần đến 38-40 con dấu, từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá cho tới khi hoàn thành. Chưa kể, đa phần dự án bất động sản khi phải điều chỉnh quy hoạch phải xin đủ ý kiến các sở, ngành, mất nhiều thời gian, khiến dự án kéo dài. Do đó, Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp đề xuất cơ quan quản lý tăng phân cấp, phân quyền trong một số khâu khi điều chỉnh quy hoạch. Như vậy, cơ quan hành chính tăng chủ động giải quyết công việc, tiết kiệm thời gian.

Phó Chủ tịch HĐQT CF Holdings ký kết hợp tác chiến lược với VECOM, VNPost và Làng trẻ em SOS Việt Nam

photo1728551846628-172855184908690704824-17285521429631118565972.jpg

Ngày 8/10, ông Phạm Sơn Tùng - Phó Chủ tịch HĐQT CF Holdings đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp/tổ chức bao gồm Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), Bưu điện Trung tâm Sài Gòn – Chi nhánh Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) và Làng trẻ em SOS Việt Nam. Theo ông Tùng, việc ký kết với các đối tác ngày hôm nay nhằm từng bước nhỏ hiện thực hóa chiến lược của CF Holdingss hướng đến một tập đoàn kinh tế đa quốc gia khởi nguồn từ Việt Nam, phát triển bền vững với hệ sinh thái kinh doanh đa dạng, từ thương mại điện tử đến quản lý bất động sản, thương mại... Đồng thời, sự kiện còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển của tập đoàn hướng tới việc tạo ra những giá trị bền vững và lợi ích thiết thực cho cộng đồng, doanh nghiệp và xã hội.

Bên cạnh đó, ông Tùng còn cho biết thêm sự hợp tác này sẽ mang lại nhiều cơ hội và tạo ra sức mạnh cộng hưởng để giải quyết những thách thức lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử, logistics và các hoạt động cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. VECOM sẽ là cầu nối giúp mở rộng mạng lưới thương mại điện tử, VNPost đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống logistics, và việc hợp tác với Làng trẻ em SOS Việt Nam là hoạt động thể hiện cam kết của tập đoàn trong mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến cộng đồng. Bên cạnh hợp tác cùng VECOM, thông qua việc ký kết với VNPost, CF Holdings có được một đối tác tin cậy trong các hoạt động bưu chính, bao gồm chuyển phát chất lượng cao, phục vụ thương mại điện tử, logistics… Hai bên cam kết dành cho nhau những hỗ trợ, ưu tiên về mọi mặt trong quá trình hợp tác nhằm đạt được mục tiêu hợp tác cũng như hướng tới lợi ích lâu dài với chất lượng tốt và hiệu quả.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất kết nối ngân hàng trong và ngoài nước để thu hút kiều hối

johnathan2-17160995442631761606803.png

Ngày 11/10, tham dự Hội nghị triển khai Đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030”, Chủ tịch IPPG Johnathan Hạnh Nguyễn đã có về việc thúc đẩy kết nối giữa ngân hàng trong và ngoài nước để thu hút kiều hối. Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chương trình kiều hối đã được Thủ tướng ký ban hành từ rất lâu. Lượng ngoại tệ đến từ xuất nhập khẩu đã đóng góp lớn vào phát triển kinh tế đất nước. Ngoài ra, nguồn kiều hối từ kiều bào gửi về cũng rất mạnh, đó là nguồn lực rất lớn được gửi về từ người Việt Nam ở nước ngoài và tăng dần qua hàng năm.

Từ thực tế trên, Chủ tịch IPPG đề xuất, TP.HCM phải tập trung vào nguồn lực kiều hối đã thu về hàng trăm tỷ USD trong những năm qua. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng tại Việt Nam cần có sự kết nối với các ngân hàng thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người Việt Nam ở nước ngoài có thể gửi ngoại hối về nước. Có thêm những chính sách phát triển nguồn lực kiều hối hiện nay nhiều hơn nữa. Được biết, các công ty kiều hối chiếm tỷ trọng khoảng 77.4% lượng kiều hối được chuyển về TP.HCM. Vì thế, nếu tính cả các kênh chuyển nhận kiều hối khác thì trong năm 2024, mục tiêu tăng trưởng kiều hối về TP.HCM trên 10% là có thể đạt được. Đó cũng là một trong những giải pháp đầu tiên cần duy trì để thực hiện tốt Đề án.

Bà Mai Kiều Liên được vinh danh trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất châu Á năm 2024

ceo-17284611297891429904943.jpg

Ngày 9/10, bà Mai Kiều Liên - Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Vinamilk được Tạp chí Fortune (Mỹ) vinh danh trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất châu Á năm 2024. Là những thế hệ doanh nhân đầu tiên, đã trải qua gần nửa thế kỷ với nhiều thăng trầm của nền kinh tế Việt Nam, bà Mai Kiều Liên đã có những dấu ấn và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và ngành sữa Việt Nam nói riêng, thông qua đó, góp phần vào sự phát triển cho nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam.

Đồng hành cùng Vinamilk từ ngày đầu thành lập, trong đó có 32 năm dẫn dắt doanh nghiệp với cương vị Tổng giám đốc, với tinh thần đổi mới, quyết liệt và tư duy lãnh đạo vượt trội, bà Mai Kiều Liên đã đưa Vinamilk tiến đến vị thế đáng nể trên bản đồ ngành sữa thế giới. Vinamilk hiện nằm trong Top 40 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới (về doanh thu) và là thương hiệu sữa lớn thứ 6 toàn cầu về giá trị và đã có sản phẩm xuất khẩu đến 61 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Fortune, Bảng xếp hạng 100 phụ nữ quyền lực nhất châu Á ghi nhận những người phụ nữ đang thiết lập lại khái niệm lãnh đạo bằng cách chuyển đổi công ty, thay đổi diện mạo ngành và thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng kinh doanh, đồng thời truyền cảm hứng cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo. Đây là năm đầu tiên Fortune thực hiện đánh giá và công bố danh sách này cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ghi nhận nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất và ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trên thế giới.

Bà Đặng Thị Kim Oanh đề xuất cần minh bạch, rõ ràng trong định giá đất

screenshot-2024-10-10-152741-1728550097064-17285500971741110700079.png

Ngày 10/10, tại tọa đàm "Nhận diện thị trường bất động sản cuối năm 2024 và đầu năm 2025", bà Đặng Thị Kim Oanh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh (Kim Oanh Group) đã đề xuất Nhà nước cần định giá đất một cách rõ ràng, minh bạch và thống nhất. Chẳng hạn như dự án của Tập đoàn Kim Oanh tại thành phố mới Bình Dương, theo bà Kim Oanh, hiện nay đang có một số khó khăn và vướng mắc trong vấn đề định giá đất nếu được tháo gỡ sớm sẽ giúp thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, từ đó mang lại nhiều lợi ích hơn cho xã hội.

Về quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội nằm trong các dự án thương mại, bà Kim Oanh nhận định đối với những dự án trước đây, việc giao hẳn cho doanh nghiệp là hợp lý. Nếu quỹ đất của Nhà nước được đưa ra đấu thầu để chọn nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ phải tự bỏ vốn đầu tư xây dựng, sau đó bán lại theo giá Nhà nước quy định và hưởng lợi nhuận 10%. Như vậy, Nhà nước sẽ không phải chịu rủi ro và nếu doanh nghiệp làm không đúng, họ sẽ phải chịu trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tổng hợp tin doanh nhân tuần 7-13/10
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO