Trong nước

Tổng hợp tin doanh nhân tuần 3-9/12

Nguyễn An 09/12/2023 08:00

Doanh nhân Nguyễn Duy Linh được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Chứng khoán VPBank; CEO Massan Danny Le: Đã qua giai đoạn nhà đầu tư chấp nhận chịu lỗ để giành thị phần; Tổng giám đốc enfarm Agritech Nguyễn Đỗ Dũng giúp nông dân có chuyên gia đồng hành 24/7... là những tin nổi bật về doanh nhân trong tuần qua.

Doanh nhân Nguyễn Duy Linh được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Chứng khoán VPBank

nguyen-duy-linh.jpg

Ngày 4/12, HĐQT VPBankS thông qua miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Ngô Phương Chí và bầu ông Nguyễn Duy Linh giữ chức Chủ tịch HĐQT. Ông Linh vừa được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc VPBankS vào cuối tháng 4/2023, thay cho ông Nguyễn Hà Quỳnh. Như vậy, ông Linh sẽ đồng thời đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT VPBankS. Được biết, ông Nguyễn Duy Linh có bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh Doanh (MBA) tại Solvay Brussels School và có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường tài chính Việt Nam, từng công tác tại nhiều vị trí cấp cao ở các công ty chứng khoán hàng đầu như: Giám đốc Khối Môi giới Khách hàng Cá nhân - CTCP Chứng khoán SSI (2013-2020), Giám đốc Chiến lược - Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam và Phó Tổng Giám đốc - CTCP Chứng khoán VNDIRECT.

Ngoài ra, theo nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 4/12, sau khi HĐQT VPBankS thông qua việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản,đã quyết định miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với ông Ngô Phương Chí (có đơn từ nhiệm trước đó) và bầu bổ sung ông Nguyễn Lương Tân (sinh năm 1981) giữ chức Thành viên HĐQT. Như vậy, cơ cấu lãnh đạo của VPBankS đã có sự thay đổi đáng kể.

CEO Massan Danny Le: Đã qua giai đoạn nhà đầu tư chấp nhận chịu lỗ để giành thị phần

danny-le-1649838973-310-width1200height675-1701478381715174446555-0-115-675-1195-crop-17014783874781.jpg

Tại một sự kiện công nghệ do Masan Group tổ chức trong tuần này, ông Danny Le - Tổng giám đốc cho rằng, kỷ nguyên tiền rẻ và chịu lỗ để giành thị phần đã kết thúc. Được hỗ trợ bởi Bain Capital và Alibaba, Tổng giám đốc Masan cho biết họ sẵn sàng chịu một số khoản lỗ trong ngắn hạn, nhưng tại thời điểm "chi phí vốn cao" như ngày nay, các nhà đầu tư chỉ có "sự kiên nhẫn ở mức trung bình". Theo ông Danny Le, quyết định này nằm ở việc ông nhận thấy giai đoạn nhà đầu tư chấp nhận tình trạng thua lỗ tại một công ty trị giá hàng tỷ đô la đã qua. Do đó, những ngày tháng mà nhà đầu tư sẽ kiên nhẫn khi xem xét liệu công ty có thể tạo ra một mảng kinh doanh có lợi nhuận hay không đã chấm dứt.

Được biết, Tập đoàn Masan vừa có báo cáo quý 3, theo đó, cuộc chiến của Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến Công ty Khai thác MHT, hiện công ty phải đối mặt với chi phí năng lượng và nguyên liệu thô cao hơn cũng như giá bán vonfram thấp hơn. Quý này, công ty đang tìm cách bán bớt lượng đồng tồn kho, cắt giảm nợ và giảm chi phí cho việc nổ mìn và mua sắm. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết, các doanh nghiệp thực phẩm và bán lẻ đã bị tổn thương do chi phí cao hơn và "sự phục hồi chậm trong tâm lý người tiêu dùng". Vì thế, nhận xét của ông Danny Le trong bối cảnh thế giới thời gian qua đã phản ánh một xu hướng trong lĩnh vực công nghệ, khi các nhà đầu tư mất dần khả năng chịu đựng với các công ty thua lỗ. Grab hay Shopee đều buộc phải đặt mục tiêu có lợi nhuận. Chi phí sử dụng vốn ngày càng tăng lên khi các Chính phủ tăng lãi suất trên toàn thế giới. Cùng với đó là tâm lý tiêu dùng ở Việt Nam đang khá yếu trong bối cảnh kinh tế giảm tốc, nhiều công ty sa thải nhân công và hoạt động sản xuất cũng sụt mạnh khi đơn hàng không còn dồi dào.

Tổng giám đốc enfarm Agritech Nguyễn Đỗ Dũng giúp nông dân có chuyên gia đồng hành 24/7

818af1ee-eea2-405e-8ddb-983648b222e3.jpg

Từ một chuyên gia quốc tế về quy hoạch và thiết kế đô thị, Nguyễn Đỗ Dũng rẽ lối khởi nghiệp với enfarm Agritech nhằm phát triển công nghệ bón phân thông minh, hỗ trợ nông dân canh tác hiệu quả, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Theo anh Dũng chia sẻ, nguyên nhân anh chọn hướng khởi nghiệp công nghệ phân bón để giúp người nông dân là vì trong quá trình làm công tác quy hoạch cho các địa phương, anh Dũng nhận thấy, hầu hết nông dân trồng cây dựa trên kinh nghiệm và không có bất kỳ một dữ liệu nào hỗ trợ. Người nông dân rất đơn độc trên con đường làm nông nghiệp, vừa phải đối mặt với rủi ro về mùa màng, khí hậu không thuận lợi… vừa phải đối mặt với rủi ro về thị trường, được mùa mất giá... Hiểu được những khó khăn của người nông dân, anh Dũng cùng với anh Hồ Long Phi – một chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước và biến đổi khí hậu - đồng sáng lập enfarm Agritech. Họ quyết tâm xây dựng một công ty ứng dụng Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm phát triển công nghệ bón phân thông minh với mong muốn tăng thu nhập cho nông dân, bảo vệ môi trường và tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.

Anh Dũng cho biết, enfarm Agritech lựa chọn phát triển công nghệ bón phân thông minh, trước tiên, vì phân bón là yếu tố rất quan trọng trong trồng trọt. Các chuyên gia nông nghiệp ước tính, phân bón đóng góp 40% trong việc gia tăng sản lượng cây trồng ở Việt Nam. Trong khi đó, phân bón lại là khoản chi phí đầu vào rất lớn đối với bà con nông dân. Bên cạnh đó, Enfarm còn được tích hợp thêm nhiều công dụng khác, như dự báo thời tiết; cung cấp thông tin về độ ẩm, độ pH, mức tưới tiêu và sức khỏe của cây trồng; quản lý nông trại… Không những thế, Enfarm còn có thể xác định sâu bệnh bằng AI. Cụ thể, chỉ cần chụp hình lá cây, thân cây..., ứng dụng sẽ cho biết cây đang gặp sâu bệnh gì, hướng giải quyết ra sao. Trong tương lai, nhà nông có thể dùng công cụ này để đăng ký các chứng nhận về nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ… Trong năm 2024, enfarm Agritech sẽ tiếp tục đặt mục tiêu mở rộng và hoàn thành việc áp dụng công nghệ cho từ 1 đến 2 loại cây khác (như sầu riêng, thanh long), tập trung ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên và nỗ lực mở rộng đến Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2025.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình Nguyễn Hữu Đường tuyên bố sẽ làm đường cao tốc tốt nhất mà giá thành chỉ bằng 2/3 thế giới

avatar1701749715540-1701749715947627330534.jpg

Trong thời gian qua, Tập đoàn Hoà Bình đã hoàn thành xong 2 tuyến đường mẫu đường cao tốc đồng bằng và vùng núi, đường cao tốc trên nền đất yếu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hai đoạn đường này đã thử tải tĩnh và tải động để sẵn sàng đưa vào sử dụng và thi công đường cao tốc Bắc – Nam. Trước thành công của 2 dự án đường cao tốc trên, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình Nguyễn Hữu Đường đã tuyên bố: "Đường cao tốc này tốt nhất thế giới và giá thành thì thấp nhất thế giới, các đoạn đường này có giá thành chỉ bằng 2/3 đường cao tốc của thế giới. Hiện nay giá làm đường cao tốc của Việt Nam là đắt nhất thế giới và tuổi thọ thì lại là thấp nhất thế giới”. Trước đó, ông Nguyễn Hữu Đường (hay còn gọi là Đường "bia"), Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cho biết doanh nghiệp này mong muốn tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 25.500 tỷ.

Hiện Tập đoàn Hòa Bình đã cử đoàn cán bộ cùng chuyên gia Trung Quốc – thuộc Tổng Công ty đường cao tốc Quảng Tây kết hợp với chuyên gia làm đường của Đức, Mỹ tư vấn khảo sát tuyến đường. Lý giải cho động lực "lấn sân" sang làm đường cao tốc, ông Đường chia sẻ: "Tuy không phải là doanh nghiệp chuyên làm đường, nhưng Hoà Bình có kinh nghiệm làm xây dựng và luôn luôn nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo để tìm ra giải pháp thi công hiệu quả nhất". Cơ duyên đến với việc làm đường cao tốc cũng chính vì mong muốn tạo ra những con đường thực sự chất lượng với giá rẻ và độ bền cao, đóng góp sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.

Hành trình gầy dựng sự nghiệp của Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA

photo-0-1507780606591.jpg

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe được xem là một nữ cường nhân của giới kinh doanh TP.HCM. Người phụ nữ gánh vác việc nuôi nhiều con mọn từ lúc trẻ, đã kiên cường vươn lên gây dựng được giang sơn riêng và nuôi dạy con cái trở thành những người thành đạt – doanh nhân giỏi của đất nước. Mặc dù đã ở tuổi 77, nhưng PGS.TS Nguyễn Thị Hòe vẫn đang giữ chức Chủ tịch của Tập đoàn Sơn KOVA. Chia sẻ về hành trình gầy dựng sự nghiệp trong sự kiện tổ chức KOVA Prize lần thứ 21 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe cho biết: “Kết hôn sớm, tới năm 20 tuổi khi vào Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi phải đèo bòng theo 3 con lên giảng đường. Lúc đó, đứa nhỏ nhất 9 tháng và lớn nhất là 3 tuổi. Hiện tại, 3 người con của tôi đều là những doanh nhân giỏi giang và đang điều hành 3 công ty tại KOVA".

Hiện tại, KOVA đang sở hữu 12 công ty, hoạt động ở 7 thị trường ngoài Việt Nam là Đức, Campuchia, Malaysia, Singapore, Nga, Indonesia, Mỹ. Bên cạnh đó, KOVA vừa xây dựng xong một nhà máy sản xuất sơn nano lớn tại Tây Ninh và sắp làm lễ khánh thành. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hòe còn gầy dựng được một quỹ trao thưởng – học bổng uy tín tên KOVA Prize. Toàn bộ nguồn kinh phí vận hành Giải thưởng được trích từ nguồn quỹ phúc lợi của các công ty sơn KOVA. Ngoài giá trị giải thưởng/ học bổng bằng tiền, Giải thưởng còn hỗ trợ các chi phí đi lại, khách sạn cùng nhiều hoạt động khác cho người đạt giải, đặc biệt là sinh viên. Bà Hòe cho biết, thông qua quỹ KOVA Prize, bà mong muốn sẽ ngày càng có thêm nhiều sinh viên khởi nghiệp hay các nhà khoa học Việt Nam gửi dự án tới tham gia KOVA Prize, để KOVA có thể hỗ trợ, giúp đỡ, vinh danh những người xứng đáng được vinh danh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tổng hợp tin doanh nhân tuần 3-9/12
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO