Không có quy định bắt buộc doanh nghiệp cập nhật thông tin trước ngày 31/3
Theo thông tin từ Sở KH-ĐT TP.HCM, từ khoảng đầu tháng 3 đến nay, lượng hồ sơ đề nghị thay đổi thông tin của người đại diện theo pháp luật trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tăng đột biến. Mỗi ngày, Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp nhận giải quyết khoảng 2.000-3.000 hồ sơ, trong khi thời gian trước đây, mỗi ngày tiếp nhận trung bình 1.500-1.700 hồ sơ.
Cũng theo Sở KH-ĐT TP.HCM, cơ quan này chưa nhận được thông tin nào từ cơ quan có thẩm quyền về việc bắt buộc doanh nghiệp phải cập nhật thông tin như trên trước ngày 31/3. Từ đó, Sở khuyến cáo doanh nghiệp không nghe theo các thông tin trên mạng, email, tin nhắn không chính thống, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo.
Liên quan việc này, Tổng cục Thuế mới đây đã thông tin về việc cơ quan này bị mạo danh để lừa đảo doanh nghiệp. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp phản ánh có nhận được email xưng là đơn vị của Tổng cục Thuế, thông báo doanh nghiệp phải cập nhật căn cước công dân cho người đại diện theo pháp luật trước 31/3, kèm theo chào mời sử dụng dịch vụ làm hồ sơ.
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế khẳng định không có chủ trương, cũng như không gửi email hay thông báo nào cho người nộp thuế về việc trên. Theo Tổng cục Thuế, quy định bắt buộc thay đổi thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp. Theo đó, khi có thay đổi về số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật, doanh nghiệp phải đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
Đường xuất ngoại của các mặt hàng thủy sản gặp phải thách thức vào 2 tháng đầu năm 2023
Thủy sản là điểm sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu nông sản nước ta năm vừa qua, góp phần quan trọng xác lập mức kim ngạch xuất khẩu kỷ lục năm 2022 với hơn 53,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, đường xuất ngoại của các mặt hàng thủy sản gặp phải thách thức vào 2 tháng đầu năm 2023. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 1/2023 chỉ đạt 456 triệu USD, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lo ngại là sự sụt giảm mạnh của các mặt hàng chủ lực như cá tra, tôm...
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, mặc dù xuất khẩu thủy sản tháng 2-2023 tăng 33,4% so với tháng trước, đạt 610 triệu USD nhưng tính chung 2 tháng đầu năm mới đạt mức 1,06 tỷ USD, giảm 29,1% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó cho thấy, xuất khẩu thủy sản vẫn đang đối mặt nhiều thách thức.
Doanh nghiệp thủy sản chịu sức ép lớn của các đối thủ cạnh tranh, mất nhiều đơn hàng, lao động mất việc làm, chi phí tăng. Chênh lệch tỷ giá khiến hàng xuất khẩu từ Việt Nam có giá cao hơn đối thủ tại các thị trường nhập khẩu lớn như châu Âu, Mỹ. Lạm phát cũng ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu. Trung Quốc tuy mở cửa thị trường nhưng đồng thời cũng siết chặt các tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam; EU, Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu hấp dẫn của thủy sản Việt. Song, thị hiếu tiêu dùng ở các quốc gia này đòi hỏi chất lượng cao, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, thiên về sản phẩm chế biến, bảo quản lâu, trong khi nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn dạng thô hoặc sơ chế. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý ở Mỹ thường sử dụng các công cụ bảo hộ như điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với một số nông sản Việt.
Gần 500 triệu USD bị "bốc hơi" vì xuất khẩu lao dốc
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 3, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 13,3 tỷ USD, tăng 6,9% (tương ứng tăng 865 triệu USD) so nửa cuối tháng 2.
Cụ thể, một số nhóm hàng có sự tăng trưởng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may, thủy tinh & các sản phẩm từ thủy tinh, phương tiện vận tải và phụ tùng khác... Tuy vậy, so với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 3 giảm hơn 15%.
Tính đến hết 15/3, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 63 tỷ USD, giảm 10,8% tương ứng giảm 7,64 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Ở chiều ngược lại, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 60 tỷ USD, giảm 15,2% (tương ứng giảm 10,75 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Điều này khiến cán cân thương mại hàng hóa trong nửa đầu tháng 3 thâm hụt 492 triệu USD.
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 775 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2022. Trong đó, cán cân duy trì ở mức xuất siêu. Từ đầu năm đến hết ngày 15/3, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn thặng dư gần 3 tỷ USD.
Việt Nam là thị trường chiến lược của các tập đoàn doanh nghiệp Mỹ
Chiều 22/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Đây là phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất đến Việt Nam từ trước tới nay.
“Các doanh nghiệp Mỹ coi Việt Nam là thị trường chiến lược với cam kết đầu tư dài hạn. Đồng thời ủng hộ mạnh mẽ các mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao…”, ông Ted Osius Chủ tịch USABC Ted Osius cho biết.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cũng cho hay đây là phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất đến Việt Nam từ trước tới nay. Qua đó khẳng định cam kết của chính phủ và khu vực tư nhân Mỹ trong việc ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, thúc đẩy các hoạt động hợp tác vì sự thịnh vượng của hai quốc gia.
Phát biểu tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng đoàn đại biểu hơn 50 doanh nghiệp lớn của Mỹ sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Ông cũng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của quan hệ song phương Việt - Mỹ thời gian qua.
Thủ tướng hoan nghênh các đề xuất hợp tác của các tập đoàn để đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới, phù hợp với định hướng phát triển năng lượng của Việt Nam. Quy hoạch điện VIII sẽ được xây dựng và phát triển theo hướng tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia; giảm dần sự phụ thuộc nhiệt điện than.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) |
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp USABC tiếp tục đóng vai trò cầu nối giữa chính phủ và doanh nghiệp Mỹ với Chính phủ Việt Nam, giữa cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai nước…; các thành viên USABC tiếp tục mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam; Thủ tướng cho biết Việt Nam sẵn sàng nhập khẩu mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng từ Mỹ nhằm cải thiện cán cân thương mại Việt Nam - Mỹ; đề nghị các doanh nghiệp Mỹ nghiên cứu phát triển hợp tác với Việt Nam theo hướng này và thúc đẩy phía Mỹ có chính sách phù hợp, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan tới thương mại và đầu tư giữa hai bên một cách thỏa đáng.
Được biết, kim ngạch song phương Việt - Mỹ năm 2022 đạt mức kỷ lục hơn 123 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Mỹ đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai và là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam.
Mỹ xếp thứ 11/142 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 1.223 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 11,4 tỷ USD.