Đây là hội nghị thứ 4 về phát triển vùng, thể hiện tinh thần nghiêm túc, ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với cả nước.
Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, vai trò của Vùng càng thể hiện rõ nét, khi đứng đầu cả nước về quy mô GRDP và thu ngân sách nhà nước, là thị trường lớn với dân số hơn 21 triệu người.
Vùng Đông Nam bộ còn là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước, hằng năm đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Bên cạnh đó, vùng Đông Nam bộ đang phát triển tích cực ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực kinh tế như công nghiệp công nghệ cao, đô thị, du lịch, viễn thông, tài chính, ngân hàng; nghiên cứu, ứng dụng và triển khai, đào tạo nhân lực, với tứ giác động lực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, với sự đóng góp ngày càng nhiều của Long An, Tiền Giang, Bình Phước và Tây Ninh…
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tốc độ phát triển của các địa phương trong vùng đã có dấu hiệu chậm lại. Nguyên nhân chủ yếu là do sự quá tải của hệ thống hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng, ngoài ra một số thế chế vẫn chưa được thiết kế phù hợp với yêu cầu phát triển của Vùng.
Do đó, sau ba hội nghị toàn quốc phổ biến Nghị quyết 11 vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, Nghị quyết 13 Vùng đồng bằng sông Cửu Long và Nghị quyết 23 Vùng Tây Nguyên, đây là hội nghị thứ 4 được Bộ Chính trị tổ chức nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động.