Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, trong tháng 4 năm 2023, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt khoảng 95.853 tỷ đồng, tăng 12,2% so tháng trước (trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 8,7%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 5,0%, dịch vụ du lịch lữ hành tăng 10,1%, dịch vụ khác tăng 21,9%) và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 359.581 tỷ đồng, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm 2022.
Về tình hình thực hiện vốn đầu tư công, TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm là 43.443,336 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 14.996,981 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 28.446,355 tỷ đồng.
Tính đến 21/4/2023, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của TP.HCM đã giải ngân là 2.020 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 4,9% tổng số vốn giao, trong đó: vốn ngân sách thành phố giải ngân là 1.792 tỷ đồng, đạt 6,8% tổng số vốn giao; ngân sách Trung ương giải ngân là 227 tỷ đồng, đạt 1,5% tổng số vốn giao.
Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm ước đạt 170.020,817 tỷ đồng, 36,20% dự toán năm và bằng 96,77% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa: 126.930,656 tỷ đồng, đạt 39,23% dự toán, bằng 97,76% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 43.090 tỷ đồng, đạt 29,55% dự toán, bằng 93,98% so cùng kỳ.
Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu chỉ đạo tại phiên họp |
Trong 4 tháng đầu năm, các ngành công nghiệp, thương mại có sự khởi sắc, đặc biệt là du lịch, vận tải hành khách tăng cao. Công tác chăm sóc sức khỏe và y tế, giáo dục, an sinh xã hội được chú trọng triển khai. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn thành phố được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng; Hoạt động đối ngoại được tổ chức hiệu quả với các hoạt động gặp gỡ, tiếp đón quốc tế; Công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được thực hiện nghiêm.
Kết luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM trong tháng 4 có nhiều điểm sáng, có xu hướng phục hồi và phát triển, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tiếp tục theo dõi và nỗ lực để giải quyết.
Theo ông Mãi, các chuyển biến tích cực trong lĩnh vực tín dụng, bất động sản đã cho thấy sự tập trung chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ và thành phố đã tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Về những công việc sắp tới, ông Mãi cho biết, thành phố sẽ ban hành kế hoạch của Ủy ban trong thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoàn thiện kế hoạch triển khai Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Bên cạnh đó, ông Mãi yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tập trung thực hiện chủ đề năm 2023 - “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”, gắn với triển khai thực hiện Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Tập trung giải quyết các dự án, các vấn đề tồn đọng. Trong quá trình giải quyết phải tiếp nhận, đánh giá, xử lý dứt điểm các ý kiến từ doanh nghiệp, hiệp hội và báo chí.
Đối với đầu tư công, mục tiêu của thành phố đến hết tháng 6 tỷ lệ giải ngân đạt 35%. Về công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu đến 30/6/2023 đạt được 70% diện tích. Đối với các dự án lớn, đã được khởi công thì tập trung quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo về tinh hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm |
Ông Mãi nhấn mạnh, trong tháng 5, phải tái khởi động dự án chống ngập do triều và hoàn tất dự án vào cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, đảm bảo tiến độ thực hiện cách quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Đồng thời trong tháng 4/2023, hoàn chỉnh, trình hồ sơ cho Bộ Xây dựng thẩm định Đồ án Quy hoạch chung Quy hoạch chung TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040.
Tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch, kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, nhất là những ngày nghỉ Lễ tới đây, không hoang mang, không chủ quan. Đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe và an sinh, phúc lợi xã hội.
Ông Mãi nói: “Khi sản xuất kinh doanh chưa phục hồi, cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai các giải pháp của thành phố trong vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.
Bên cạnh đó, ông Mãi cũng yêu cầu các sở, ban, ngành phối hợp hoàn thiện các cơ chế liên quan đến thú hút vốn đầu tư nước ngoài; các cải cách quy trình, thủ tục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác PCCC, thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp. Cạnh đó, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm.