Những thách thức đối với CEO Việt

TS. Phạm Trí Hùng, Công ty Luật Indochine Counsel| 28/12/2009 04:19

Nghệ thuật quản trị được xem là có nguồn gốc từ nghệ thuật quân sự- người quản lý điều hành cao nhất và cũng thường là người đại diện về mặt pháp luật cho DN được ví như vị thống lĩnh trong thời chiến.

Những thách thức đối với CEO Việt

Nghệ thuật quản trị được xem là có nguồn gốc từ nghệ thuật quân sự. Đặc biệt, trong bối cảnh suy thoái - khi các doanh nghiệp (DN) phải cạnh tranh để tồn tại thì tổng giám đốc/giám đốc (CEO) - người quản lý điều hành cao nhất và cũng thường là người đại diện về mặt pháp luật cho DN được ví như vị thống lĩnh trong thời chiến.

Sự “giằng xé” của CEO

Cấp trên của CEO là Hội đồng quản trị (ở công ty cổ phần) hoặc Hội đồng thành viên (ở công ty TNHH). Cấp dưới của CEO là các giám đốc chức năng/trưởng phòng và toàn bộ nhân sự của DN. CEO thực hiện vai trò thống lĩnh (tổng điều hành) nhằm đáp ứng yêu cầu của ba nhóm lợi ích: cổ đông (mà đại diện là HĐQT) , khách hàng của công ty và các bên hữu quan (gồm: nhân viên, cộng đồng, nhà cung ứng, đối tác, ngân hàng…).

Trên thực tế, yêu cầu của ba nhóm này thường khác nhau, thậm chí có lúc mâu thuẫn nhau. Một câu hỏi đặt ra là khi sắp xếp thứ tự ưu tiên, CEO cần thỏa mãn lợi ích của ai trước? Xác định được điều cốt lõi này, CEO sẽ dễ dàng hơn khi thực hiện vai trò tổng điều hành của mình trong mọi hoàn cảnh.

Có ý kiến cho rằng, CEO phải tập trung thỏa mãn lợi ích của khách hàng trước, bởi họ chính là tài sản vô giá của DN. Người tiêu dùng ngày càng thông minh, có nhiều thông tin hơn và mong muốn nhiều lợi ích hơn từ sản phẩm/dịch vụ. Họ mong muốn sản phẩm hạ giá bán, nhưng phải có bao bì, mẫu mã đẹp và hiện đại hơn.

Để thỏa mãn khách hàng và ứng phó với sức ép của đối thủ cạnh tranh, DN thường phải chi phí nhiều hơn, dẫn đến lợi nhuận có nguy cơ giảm nếu không có biện pháp gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Mà giảm lợi nhuận thì đồng nghĩa với việc cổ đông không hài lòng. Vậy, CEO phải làm thế nào để có thể dung hòa mong đợi có vẻ như đối lập này của hai nhóm lợi ích là khách hàng và HĐQT?

Lại có ý kiến cho rằng, CEO trước tiên phải tập trung thỏa mãn lợi ích của người lao động trong DN trước, bởi nhân lực chính là tài sản vô hình quan trọng nhất của mỗi của công ty. Tuy nhiên, để thỏa mãn lợi ích của HĐQT, CEO có thể phải cắt giảm nhân sự để giảm chi phí. Hoặc như trường hợp Công ty cổ phần Vedan, CEO đã ưu tiên thực hiện việc thỏa mãn nhu cầu của cổ đông.

Với động cơ đó, CEO đã ra sức giảm thiểu chi phí cho công ty bằng cách cắt giảm những khoản đầu tư cần thiết cho hệ thống xử lý nước thải và xả trực tiếp ra sông Thị Vải, gây ô nhiễm môi trường. Sự giằng xé giữa trách nhiệm liên quan đến lợi nhuận và trách nhiệm đối với xã hội là một mâu thuẫn lớn mà CEO phải giải quyết.

Nên ”ưu tiên” ai trước?

Có thể thấy, việc xác định thứ tự để ưu tiên để thỏa mãn các nhóm lợi ích là vô cùng quan trọng. Có một câu chuyện vui: Muốn cưới công chúa làm vợ, một tráng sĩ Nga phải hoàn thành ba nhiệm vụ sau: chém đầu con rồng hung ác, thỏa mãn một mụ đàn bà gớm ghiếc và uống hết một bình rượu lớn. Tráng sĩ Nga đã nhầm lẫn thứ tự thực hiện nhiệm vụ khi bắt đầu bằng việc uống hết bình rượu lớn. Bỏ đi đâu đó một lúc, khi quay về, tráng sĩ lè nhè bảo: ”Tôi đã thỏa mãn được con rồng hung ác rồi, còn mụ đàn bà gớm ghiếc đang ở đâu để tôi đến chém đầu ?”.

Theo tôi, trong quá trình nỗ lực dung hòa các nhóm lợi ích trên, CEO cần ưu tiên cho việc thỏa mãn yêu cầu của cổ đông/HĐQT. Điều này thật dễ hiểu, vì trước tiên nó đồng nghĩa với việc đảm bảo cho chiếc ghế của CEO. Theo quy định của pháp luật và theo mô hình quản trị công ty hiện đại, CEO là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của DN, chịu trách nhiệm trước HĐQT và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.

CEO phải điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của DN theo đúng quy định của pháp luật, điều lệ công ty, hợp đồng lao động ký với công ty và quyết định của HĐQT. Nếu điều hành trái với quy định này mà gây thiệt hại cho DN, CEO vừa phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, vừa phải bồi thường thiệt hại cho DN.

Pháp luật và các nguyên tắc quản trị công ty không nhắc đến sứ mệnh thỏa mãn khách hàng, thỏa mãn các bên hữu quan của CEO, mà dường như sứ mệnh này ẩn chứa trong việc thỏa mãn cổ đông/HĐQT. Trước tiên, CEO phải thỏa mãn cổ đông/HĐQT vì nếu không - dù CEO có thực hiện tốt nhiệm vụ thỏa mãn khách hàng, thỏa mãn các bên hữu quan đến đâu, vẫn có thể bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ và có thể bị sa thải.

Về phía CEO, nếu trong nhiệm vụ cổ đông/HĐQT giao cho không có mục tiêu thỏa mãn khách hàng, thỏa mãn các bên hữu quan - đặc biệt là người lao động, CEO có thể đưa ra ý kiến để bổ sung thêm các mục tiêu này vào bản mô tả chi tiết công việc của CEO, vào hợp đồng lao động ký với DN.

Nói cách khác, việc thỏa mãn các nhóm lợi ích kia phải được ghi nhận thông qua việc thỏa mãn lợi ích của cổ đông/HĐQT, tương tự như một dị bản của truyện cổ tích Ông lão đánh cá và con cá vàng - khi được cá vàng cho ba điều ước, ông lão đánh cá bảo: “Tôi chỉ cần một điều ước duy nhất là ước sao cho mọi điều ước của tôi đều thành sự thật”. CEO có vai trò tác động để cổ đông/HĐQT nhận thức được ý nghĩa của việc thỏa mãn khách hàng, các bên hữu quan và ghi nhận sứ mệnh này như một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của CEO.

Khi tập trung trước hết vào thỏa mãn cổ đông/HĐQT, câu hỏi mà CEO cần phải trả lời là: Cố gắng thỏa mãn nhu cầu của cổ đông/HĐQT hay có thể quản trị sự mong đợi của cổ đông/HĐQT? Các CEO bản lĩnh thường có khả năng thuyết phục cổ đông/HĐQT rất cao. Nắm bắt được mong đợi sau cùng của cổ đông là hiệu quả đầu tư, các CEO giỏi thường chủ động chuẩn bị những kế hoạch và chiến lược trình HĐQT, rồi thuyết phục HĐQT cũng như các cổ đông về tính nhất quán trong chiến lược để DN không phải quay vòng theo những mong đợi thay đổi liên tục của cổ đông.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến công tác quan hệ với nhà đầu tư. Đây là một công cụ được nhiều CEO sử dụng rất hiệu quả để tác động đến cộng đồng các nhà đầu tư, chọn một tổ hợp các nhà đầu tư tối ưu để DN có thể chi phí vốn thấp nhất đồng thời gia tăng giá trị lâu dài. Những CEO như thế đã vượt qua vai trò truyền thống là thỏa mãn nhu cầu của cổ đông, tiến tới thực hiện quản trị mong đợi của cổ đông.

CEO có nên kiêm nhiệm chủ tịch HĐQT?

Từ phía cổ đông, điểm mấu chốt nhất là có được một HĐQT đủ “tầm” để chỉ đạo và kiểm soát DN, CEO cũng như hoạch định chiến lược, ra “đề bài” cho CEO thực hiện. Dường như CEO có thể dễ dàng thỏa mãn cổ đông hơn, dễ dàng thực hiện nhiệm vụ điều hành của mình hơn nếu kiêm luôn cả vị trí chủ tịch HĐQT? Vậy, với các DN Việt Nam, liệu chủ tịch HĐQT có nên kiêm CEO?

Ở góc độ kiểm soát và luật pháp, có thể nhận thấy việc tách biệt vai trò chủ tịch HĐQT và CEO làm cho nhiệm vụ quản trị DN của HĐQT trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, thực tế thành công của các DN Mỹ cho thấy mô hình kiêm nhiệm lại có những ưu điểm nhất định về tính hiệu quả trong tổ chức.

Ở Việt Nam, tôi cho rằng việc kiêm nhiệm hay tách biệt giữa CEO và chủ tịch HĐQT còn tùy thuộc vào một số yếu tố sau:

- Độ trưởng thành của HĐQT. Với các DN khi mới cổ phần (đặc biệt là các công ty gia đình/tư nhân) thì công tác điều hành của HĐQT nhìn chung còn khá mới mẻ. Do vậy, trong bối cảnh chuyển đổi, việc tách biệt vai trò của CEO và chủ tịch HĐQT có thể chưa được chuẩn bị chu đáo.

- Tính sẵn có của nguồn nhân lực cấp cao. Thực tế cho thấy, nhiều chủ DN rất muốn lui về vị trí chủ tịch HĐQT, nhưng không tìm được CEO thay thế.

- Tính chuyên nghiệp và nhận thức của chủ DN về vai trò và quyền hạn của từng vị trí.

- Quy mô công ty. Ở DN có quy mô nhỏ, số lượng thành viên của HĐQT ít thì việc tách biệt CEO và chủ tịch HĐQT có thể kém hiệu quả.
- Thành phần cổ đông. Phải làm rõ thành phần cổ đông (cổ đông đại chúng hay cổ đông chiến lược, cổ đông phần lớn là cá nhân hay tổ chức…). Sự mong đợi và tin tưởng của cổ đông đối với ban điều hành hay cá nhân CEO luôn là yếu tố quan trọng để quyết định xem CEO có nên kiêm nhiệm chủ tịch HĐQT hay không..

Xét cho cùng, việc chọn lựa mô hình nào phải tùy thuộc vào hiện trạng và bối cảnh cụ thể của từng DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những thách thức đối với CEO Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO