Doanh nghiệp logistics ùn ứ đơn hàng
Các doanh nghiệp giao vận hoạt động hết công suất khi ghi nhận nhu cầu tăng cao, nhưng nhiều đơn hàng vẫn "nằm yên một chỗ" do ảnh hưởng Covid-19. Vì dịch bệnh bùng phát khiến nhiều tỉnh, thành và khu vực bị phong tỏa nên khâu vận hành chưa đảm bảo thông suốt, khiến hàng hóa tồn đọng nhiều. Thời gian tới, trong bối cảnh các tỉnh, thành tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội và siết chặt thêm nhiều quy định, các doanh nghiệp khẳng định đã đưa ra nhiều phương án để đảm bảo kinh doanh không bị gián đoạn. Chẳng hạn như sắp xếp lại tuyến giao, nhằm tăng năng suất cho các shipper bị đứt gãy tuyến, ứng dụng giải pháp công nghệ đối với shipper và tài xế xe tải để giãn cách tại kho và bưu cục, phát triển tính năng giúp shipper giao nhận hàng hóa từ xe tải trên dọc các điểm dừng trên hệ thống mà không cần quay trở về kho...
Giá heo hơi giảm thấp nhất trong vòng hai năm qua
Tin từ Bộ Công Thương cho biết, từ đầu tháng 8/2021 đến nay, giá heo hơi trong nước tiếp tục xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung phục hồi. Điều đáng nói là dù giá heo sống giảm mạnh, nhưng giá thịt heo tại các cửa hàng thịt, siêu thị mini, chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển. Các lệnh hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh Covid-19 khiến đầu ra của các trại nuôi heo gặp khó. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến nhiều hộ phải bán sớm cắt lỗ. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tới việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, đẩy giá cám lên cao, ảnh hưởng tới quá trình chăn nuôi, làm chậm lại nỗ lực khôi phục đàn heo.
Xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng bứt phá bất chấp Covid-19
Theo Bộ Công Thương, hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2021 đã tăng trưởng khá ấn tượng. Trong đó, đáng lưu ý nhất là các nhóm hàng như sắt thép các loại; sản phẩm mây, tre, cói và thảm; sản phẩm từ chất dẻo; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; sản phẩm từ cao su; gỗ và sản phẩm gỗ... Đánh giá về thị trường tiềm năng này, các chuyên gia kinh tế đều nhận định 7 tháng đầu năm nay, thị trường Mỹ có mức thặng dư thương mại lớn nhất với gần 45 tỷ USD, tăng 14 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 45%. Các chuyên gia thương mại cũng dự báo từ nay đến cuối năm, cùng với Trung Quốc và châu Âu (EU), Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.
Hưng Yên sắp có khu công nghiệp 105 triệu USD
Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp số 5, tỉnh Hưng Yên. Dự án có quy mô 192,64ha được thực hiện tại xã Xuân Trúc, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi và xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên với tổng vốn đầu tư 2.385 tỷ đồng (tương đương khoảng 105 triệu USD). Công ty CP Đầu tư Kkhu công nghiệp Yên Mỹ làm chủ đầu tư. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được cấp văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
4 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tạo thuận lợi tối đa cho tiêu thụ lúa gạo
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VINAFOOD 1) - doanh nghiệp dẫn đầu về thu mua, xuất khẩu gạo để chỉ đạo công tác thu mua, tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu, đặc biệt là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, VINAFOOD 1 sẽ cùng với UBND các tỉnh, thành gồm An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Cần Thơ họp bàn tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo. Từ đầu tháng 7/2021 đến nay, hoạt động thu mua lúa gạo của VINAFOOD 1 gặp khó khăn do các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long thực hiện giãn cách xã hội; hoạt động thu hoạch, vận chuyển, lưu thông, sản xuất chế biến của các nhà máy hầu hết đều rất khó khăn.