Khi được chẩn đoán tiểu đường, cần làm gì?
Trước hết cần phải bình tĩnh xem xét lại nguyên nhân mắc bệnh để thay đổi từ đó. Nếu do thừa cân béo phì thì tập trung giảm trọng lượng cơ thể (nhưng không phải bằng việc nhịn ăn hay uống thuốc giảm cân) mà là thay đổi chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục thường xuyên. Nếu do việc rối loạn chuyển hóa bên trong cơ thể (vì nhiều lý do bao gồm cả stress) thì cần sắp xếp lại công việc và dành thời gian chăm sóc bản thân nhiều hơn. Bạn có thể tham gia các buổi hội thảo, khóa đào tạo để có thêm kiến thức và kỹ năng tự chăm sóc bản thân hoặc có thể tìm các huấn luyện viên sức khỏe (healthcoach) riêng để có thêm người đồng hành. Đối với những người trung niên (từ 50 tuổi trở lên ) thì nguy cơ càng cao do cơ thể đã “được dùng” quá lâu, cho nên việc chăm sóc, yêu thương bản thân dưới nhiều hình thức càng là vấn đề cần được ưu tiên .
Đối với người mắc bệnh tiểu đường thì chế độ ăn “thực vật toàn phần” làm cốt lõi. Bạn chỉ cần tăng cường lượng rau, củ, quả, trái cây trong tất cả các bữa ăn theo tỷ lệ 8/1/1 (80% rau củ quả trái cây, 10% nhóm tinh bột và 10% cho nhóm đạm béo) là đã có thể làm chủ được sức khỏe của mình. Đây là tỷ lệ nói chung còn đối với những người có bệnh lý khác nhau sẽ có những điều chỉnh khác cho phù hợp hơn để giúp tuyến tụy có khả năng tiết insulin (là hoạt chất giúp giải phóng lượng đường trong máu) nhiều hơn .
Người tiểu đường vẫn có thể ăn trái cây để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất nhưng cần lưu ý thứ tự ăn đóng vai trò rất quan trọng. Chúng ta hay có thói quen ăn trái cây sau bữa ăn như là món tráng miệng nhưng chỉ cần thay đổi thứ tự và dùng trước bữa ăn từ 15 phút trở lên là chúng ta có thêm rất nhiều lợi ích về sức khỏe vì khi đó cơ thể chúng ta được hấp thu trọn vẹn các thành phần dinh dưỡng trong trái cây. Bạn có thể chọn các loại trái cây có lượng đường thấp như ổi, cam, đu đủ... Việc tăng cường các loại rau xanh ở dạng tươi sống cũng là một sự hỗ trợ tuyệt vời cho sức khỏe của bạn. Hãy đảm bảo rau còn nhiều dinh dưỡng nhất bằng việc hạn chế chiên xào nấu nướng mà chỉ nên hấp nhanh nếu không thể ăn tươi sống.
Riêng về việc ăn đạm động vật, khuyến nghị nên giảm tối đa ăn đạm động vật đặc biệt là thịt bò, thịt heo. Chúng ta nên ăn nhiều cá (đặc biệt là các loại cá nhỏ như cá cơm, cá bống... có thể ăn cả xương có rất nhiều canxi và cá nhỏ cũng không ăn nhiều tạp chất như các loại cá to khác), có thể dùng các loại hạt để bổ sung đạm cho cơ thể như hạt hạnh nhân, hạt điều, óc chó, đậu phộng... Không nên sử dụng các loại nguyên liệu “tinh luyện” vì nó không còn nhiều thành phần dinh dưỡng trong đó.
3 bước đơn giản để có thể sống khỏe mạnh ngay cả khi được chẩn đoán là đã có bệnh tiểu đường
Bước 1: Tìm hiểu và trang bị các kiến thức cơ bản về sức khỏe, đặc biệt là bệnh tiểu đường tại các tổ chức uy tín hoặc chọn một chế độ dinh dưỡng khoa học cân bằng để giúp luôn duy trì cân nặng hợp lý.
Bước 2: Khi có nguy cơ hoặc được chẩn đoán mắc bệnh hãy tìm một chuyên gia dinh dưỡng (hoặc huấn luyện viên sức khỏe) được đào tạo bài bản hỗ trợ bạn “trên từng cây số” vì bác sĩ rất bận không đủ thời gian tư vấn chuyên sâu cho bạn về ăn uống, tập luyện và tinh thần.
Bước 3: Sắp xếp lại cuộc sống và công việc để có nhiều thời gian dành cho bản thân (ít nhất là 30 phút tập thể dục mỗi buổi sáng, 60 phút ăn, nghỉ ngơi buổi trưa và 30 phút đọc sách, thiền vào buổi tối trước khi đi ngủ).
Hãy thử thay đổi và áp dụng, bạn sẽ thấy sức khỏe của mình được cải thiện đáng kể, năng lượng hơn, giảm dần các loại thuốc và luôn lạc quan yêu đời. Khi đó hiệu suất làm việc của bạn sẽ hơn trước kia dù thời gian làm việc có thể ít hơn.
(*) Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Sức khỏe Bách Niên Trường Thọ (RICHS)