Thương hiệu văn hóa từ người sưu tầm ấm trà

NGUYỄN VĂN HỌC| 04/03/2016 06:31

Dày công sưu tầm hơn 300 chiếc ấm trà cổ, không phải để được ghi danh kỷ lục gia, ông Mông Đông Vũ muốn khẳng định văn hóa trà Việt đã có cả ngàn năm.

Thương hiệu văn hóa từ người sưu tầm ấm trà

Dày công sưu tầm hơn 300 chiếc ấm trà cổ, không phải để được ghi danh kỷ lục gia, ông Mông Đông Vũ muốn khẳng định văn hóa trà Việt đã có cả ngàn năm. Và nữa, ông là người con của xứ chè Thái Nguyên, luôn đau đáu muốn thương hiệu ấy ngày càng vang xa.  

Đọc E-paper

1. Bây giờ ông Mông Đông Vũ đã có cả một "kho tàng ấm trà” ở tư gia tại phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên. Mỗi chiếc ấm pha trà, với ông đều là những kỷ vật của văn hóa thưởng trà nên càng được trân trọng. "Để sở hữu lượng ấm trà nhiều như thế, tôi phải trả giá nhiều lắm", ông Vũ bộc bạch.

Vậy nguyên cớ gì khiến ông đam mê sưu tầm ấm pha trà, để rồi "trả giá” và đến giờ không chỉ là người gìn giữ, mà góp phần bảo lưu văn hóa trà đất Thái Nguyên nói riêng và trà Việt nói chung?

Một chiều cuối năm, trong không khí chuẩn bị đón Xuân, bên ấm trà, ông Vũ bộc bạch quãng thời gian dấn thân vào việc sưu tầm ấm trà. Là người đọc nhiều, đặt nền móng cho Đoàn Chèo Bắc Thái trước đây, ông Vũ có thời gian dài nghiên cứu trà đạo.

"Tôi nghiên cứu và thậm chí nghiện trà, đến nỗi bất cứ ở đâu có trà quý là tìm đến mua. Và tôi biết, chỉ nghiên cứu thôi chưa đủ mà cần phải sưu tầm những chiếc ấm pha trà để chứng minh thú uống trà ở nước ta có từ lâu đời. Văn hoá trà nằm trong dòng chảy thời gian của văn hoá dân gian, vì thế hình dáng bình trà thể hiện tính cách người dùng ở từng giai đoạn lịch sử", ông Vũ khẳng định.

Nhiều nhà nghiên cứu cho biết, uống trà là nét văn hóa độc đáo của nhiều nước trên thế giới. Nhiều nơi uống trà nâng lên thành đạo, thành những ý tưởng triết học sâu xa. Độc đáo nhất trong quy trình uống trà là chiếc ấm pha trà.

Từ những chất liệu bằng đất, đá, đồng, bạc, ngọc, vàng, người thợ thủ công, nghệ nhân xa xưa đã tạo nên vô số ấm pha trà có kiểu dáng độc đáo. Ông Vũ nói: "Bởi thế mà có ấm Phật, ấm tứ linh, ấm tiên, ấm long ly quy phụng, ấm tùng trúc cúc mai... Nước ta có nhiều vùng gốm nổi tiếng, đó là nơi cho ra nhiều loại ấm trà độc đáo nhất".

2. Ngay từ trẻ, người con của vùng ATK Định Hóa là Mông Đông Vũ nhận thức được điều đó, nên đã thôi thúc ông đi tìm những chiếc ấm trà cổ. Cái thuận lợi của ông là khi còn công tác ở Đoàn Chèo Bắc Thái, được đi lưu diễn ở nhiều nơi. Qua tiếp xúc với người dân, ông thấy có gia đình sở hữu những chiếc ấm pha trà rất đặc biệt.

Một số vùng, người dân còn cho không những chiếc cổ đã mất quai, sứt vòi. Năm 1986, ông đã nâng niu một chiếc ấm bị vứt ở gốc chuối tại Võ Nhai (Thái Nguyên). Một người bạn nói, nó là đồ bỏ, còn ông thấy đó là chiếc ấm cổ, chứa đựng những giá trị đặc biệt. May thay, trong nhiều dịp, ông đã xin được một vài chiếc ấm mà người ta muốn bỏ đi. Thế là ông nhận ra "ấm đã chọn mình".

Chẳng lâu sau đó, năm 1988, Đoàn Chèo Bắc Thái lưu diễn ở Vĩnh Phúc. Tại đây, ông Vũ được chiêm ngưỡng một chiếc ấm bằng gốm Bạch Định màu trắng ngọc. Người chồng đồng ý bán, nhưng người vợ không. Phải đến khi trở lại lần hai, ông Vũ nói mình mua về không phải để bán kiếm tiền mà để bảo tồn, thì cặp vợ chồng ở huyện Tam Dương mới đồng ý để ông "rước ấm" về.

Một lần khác, ông xuôi xuống Hà Nội, tìm được một người nông dân sở hữu chiếc ấm của làng gốm Bát Tràng, nhưng lại để lẫn với những vại muối dưa trong bếp. Đó là chiếc ấm rồng phượng cổ cao, hoa văn tinh xảo, họa tiết cầu kỳ và kiểu dáng vô cùng sang trọng.

Ông Vũ nhớ lại: "Thú thật, lúc đó tôi cảm thấy mình đang đứng trước một người con gái đẹp, rất kiêu sa và muốn sở hữu ngay. Thế mà hỏi tiền, gia đình lại bảo biếu không. Nhưng tôi đã gửi lại họ một ít tiền để lấy may. Đến giờ tôi vẫn không quên cảm giác sung sướng lúc đó, vì tình cờ sở hữu được vật quý ".

Cách đây 10 năm, trong một lần vào Huế, ông Vũ đã mua được chiếc ấm rồng men hoa lam rất cầu kỳ, được sử dụng trong cung vua. Ông kể, người chồng thấy ông say mê chiếc ấm, đồng ý bán. Ông chằng buộc ấm rất kỹ, đem lên xe đi được 10km thì người vợ đuổi theo đòi lại.

Ông kể: "Tôi đành trả lại món đồ. Nhưng lạ lắm, về nhà, người cứ bần thần không yên. Tôi đã cố gắng vào Huế đến lần thứ ba để thuyết phục mua được chiếc ấm ấy. Và đã thành công. Tôi bảo anh bạn đi cùng, cũng là nhà nghiên cứu văn hóa, cứ thuyết phục người vợ, còn tôi thuyết phục anh chồng. Cuối cùng, họ thấy tôi mê ấm như mê người đẹp, lặn lội từ Thái Nguyên vào Huế ba lần chỉ để mua một chiếc ấm, đã đồng ý bán. Phải khẳng định đôi vợ chồng ấy rất có trách nhiệm với kỷ vật. Họ biết tôi là người làm văn hóa nên mới đồng ý bán. Đến mấy năm sau, họ còn gọi điện ra hỏi về tình hình chiếc ấm".

3. Cần mẫn, dấn thân vào công việc sưu tầm, nhưng phải đến năm 2006, trong Festival trà Đà Lạt, ông Vũ mới công bố kho báu của mình. Lúc này, giới nghiên cứu trà đạo và giới đồ cổ trong và ngoài nước mới được chiêm ngưỡng bộ sưu tập mà một nghệ sĩ chèo có được và thốt lên lời thán phục. Khách đến với ông Vũ ngày một đông để chiêm ngưỡng những ấm trà cổ, có người gạ mua một số món, nhưng ông lắc đầu.

Vậy, có bao giờ dù thuyết phục đến mấy, người có chiếc ấm trà cổ vẫn không bán? Ông cười tươi: "Câu trả lời là có. Bởi có nhiều người rất "cứng lòng". Họ dứt khoát không chịu bán mà muốn gìn giữ món đồ, cũng như tôi muốn gìn giữ và phát triển văn hóa thưởng thức trà. Vì thế mà tôi thấy vui".

Hơn 300 ấm trà của ông với đủ mọi hình dáng, kích thước, mỗi chiếc một vẻ, chẳng chiếc nào giống chiếc nào. Ông Hồ Tấn Phan - nhà nghiên cứu văn hóa, người sưu tầm nhiều cổ vật dưới sông Hương, chia sẻ: "Bộ sưu tầm của ông Vũ độc đáo. Ông ấy cũng là người độc đáo vì đã dấn thân, bỏ tiền để đến giờ sở hữu một khối tài sản văn hóa lớn".

Hiểu và đam mê, giới sành trà tổng kết: "nhất nước, nhì pha, tam trà, tứ ấm". Tuy ấm chỉ xếp cuối, nhưng lại thể hiện sự sang trọng và chiều sâu văn hóa của người thưởng trà.

"Đất trời đã ban tặng cho Thái Nguyên trở thành vùng đất của cây chè, với những địa phương có thương hiệu trà nổi tiếng như Tân Cương, La Bằng, Trại Cà. Vậy thì người dân chúng tôi phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy tiếng thơm đó. Rất nhiều bài thơ nói về trà Thái, trong đó có câu: Vị ngọt thấm vào từ đất/ Hương thơm chắt lọc khí trời/ Ai về Thái Nguyên vui hội/ Nước chè sóng sánh vành môi. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm ra những nét đặc trưng nhất để tôn vinh văn hóa thưởng trà của người Việt Nam ta", ông Vũ chia sẻ.

Vào mùa Xuân, năm nào ông Vũ cũng có những bài viết về thú sưu tầm ấm trà và văn hóa thưởng trà. Đó là cách ông thể hiện tình yêu với quê hương và cây chè, đồng thời đó cũng là dịp ông tổng kết, sau một năm dành rất nhiều tâm huyết và tiền của, sưu tầm được bao nhiêu chiếc ấm. Lúc nào ông cũng đau đáu một nỗi, hễ nghe ở đâu có chiếc ấm trà độc đáo là ông lại lên đường, bất kể miền Nam, miền Bắc hay một vùng quê xa xôi hẻo lánh nào.

Ông Hồ Tấn Phan bảo, ông Vũ bị ấm "hành", quả không sai!

>Ba mươi năm giữ hồn vía đất Mường

>Bảo vật của làng mộc Văn Hà

>Đàn Viên: Làng đèn trước gió

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương hiệu văn hóa từ người sưu tầm ấm trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO