Thời sự

Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Bạch Khởi 23/12/2024 - 10:58

Lãnh đạo bộ, ngành, địa phương được yêu cầu phấn đấu nâng tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện số 137/CĐ-TTg về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Nội dung công điện nêu rõ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và người đứng đầu các địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các kết luận, nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ, Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Cụ thể, ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao).

kt-1673500422801242827111.jpg
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao

Mặt khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 ở mức trên 8%. Đồng thời, đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của các ngành, lĩnh vực, Bộ, cơ quan, địa phương trong dự thảo Nghị quyết Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Riêng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là TP. Hà Nội và TP.HCM, phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%.

Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Cơ quan điều hành tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để hạ lãi suất cho vay.

Nhóm ngân hàng có nhiệm vụ nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi (gói tín dụng nhà ở xã hội, hỗ trợ nông, lâm, thủy sản…); tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý hiệu quả nợ xấu.

Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là thu tiền sử dụng đất, kinh doanh thương mại điện tử, qua nền tảng số; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, quy định bắt buộc về hóa đơn điện tử đối với tất cả các ngành, lĩnh vực, đồng thời phải thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 cao hơn ít nhất 10% so với năm 2024; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản, nhà ở xã hội và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; triển khai hiệu quả gói tín dụng 145.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, quyết tâm xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội đến hết năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO