Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình còn những khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro. Trong các động lực tăng trưởng, thị trường xuất khẩu thu hẹp, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại... Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 8% so cùng kỳ (ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1%). Giải ngân đầu tư công, hợp tác công - tư cần nhiều nỗ lực hơn nữa.
Việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, nhiều dự án còn dàn trải, manh mún, kéo dài. Cùng với đó, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn gặp nhiều khó khăn; cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về mặt tín dụng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Du lịch sôi động trở lại nhưng còn khoảng cách lớn với thời điểm trước dịch Covid-19.
Thủ tướng nêu rõ 3 bài học kinh nghiệm, trong đó tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, dao động, thiếu tự tin mà luôn chủ động bình tĩnh, linh hoạt, sáng suốt, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành "giật cục" và luôn cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, đề cao tinh thần gương mẫu và chủ động sáng tạo của người đứng đầu.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, quyền hạn tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.
Để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, theo Thủ tướng, phải điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Về kiểm soát lạm phát, cần chú trọng nhóm trong "rổ hàng" tác động lớn đến lạm phát, như lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng; điều hành thận trọng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý ngay trong những tháng đầu; bảo đảm nguồn cung, lưu thông thông suốt các hàng hóa khác, nhất là những mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.
Thủ tướng cũng lưu ý bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp; tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2; khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; tiếp tục đề xuất các giải pháp miễn giảm thuế, phí, lệ phí phù hợp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Thủ tướng chủ trì và phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, sáng 2/2/2023 |
Cần khẩn trương hoàn thành kế hoạch và hướng dẫn sử dụng tăng thu ngân sách nhà nước năm 2022, ngoài phần dành cho tăng lương và các vấn đề đột xuất, bất ngờ, cần tập trung cho hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa... Thủ tướng nêu rõ, năm 2022, cả nước có 400.000 tỷ đồng tăng thu và phải sử dụng có hiệu quả để hỗ trợ cho chính sách tiền tệ; các địa phương phải quán triệt tinh thần này, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; Bộ Tài chính hướng dẫn để thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
Với tổng vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng của năm 2023, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm; khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn.
Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát tình hình khu vực và quốc tế, kịp thời tham mưu chiến lược, các biện pháp xử lý các tình huống liên quan đến chủ quyền, quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ đối ngoại, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ…
Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn còn lại (14.100 tỷ đồng); đánh giá khả năng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh trước ngày 15/2.
Bộ Công thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không để thiếu hụt năng lượng; bảo đảm hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng xăng, dầu ổn định, giảm khâu trung gian…; sớm sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu; khẩn trương sửa đổi khung giá điện, điều chỉnh giá điện theo lộ trình phù hợp, không giật cục…