Thu phí nội đô: Chưa khả thi nếu chưa giải quyết việc cần làm

Ý Nhi| 11/11/2021 01:00

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM gửi UBND TP.HCM đề xuất thực hiện lập dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm. Mục đích của đề xuất là kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, cải thiện tình trạng ùn tắc và tạo nguồn lực để phát triển hạ tầng.

Thông tin này cũng được ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM  xác nhận vẫn chỉ là đề xuất nghiên cứu để đưa ra một giải pháp giao thông cho tương lai tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội. Hiện tại vẫn phải chờ các nhà nghiên cứu khoa học, các chuyên gia đô thị đánh giá hiệu quả của dự án, có chủ trương thì mới thực hiện. Hơn nữa, việc thu phí vào nội đô ở một đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cần những phân tích, tư liệu, số liệu chính xác mới có thể đánh giá lợi ích, cũng như hệ quả mang lại.

Theo ông An, dự án này đã đề xuất nghiên cứu cách đây 10 năm. Đây là xu thế chung của các siêu đô thị, còn ứng dụng hiệu quả vào Hà Nội hay TP.HCM  hay không thì phải có nghiên cứu đánh giá một cách khoa học. Bởi  việc hạn chế xe cá nhân còn liên quan đến giao thông công cộng, chỉ khi việc đi lại của người dân có kết nối với metro và các loại hình giao thông công cộng khác thì mới làm được. Thực tế, để dự án đi vào thực tiễn còn cần rất nhiều thời gian, hiện tại chưa thể nói gì về chính sách, phương tiện, về cách thu,  về ứng xử đối với người dân, về ứng xử của người dân với giao thông... vì còn rất nhiều thứ phải tính toán. 

Singapore được xem là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp phí phương tiện đi vào trung tâm từ năm 1998. Tùy theo thời điểm trong ngày, tùy loại phương tiện, địa điểm mà chủ phương tiện phải đóng các mức phí khác nhau khi vào trung tâm.Từ khi áp dụng, tắc nghẽn giao thông trong khu vực hạn chế gần như không còn, lượng xe vào khu vực hạn chế giảm 21% mỗi ngày. Sau Singapore, Anh, Thụy Điển, Hàn Quốc, Dubai... cũng áp dụng thành công.

thu-Phi-Oto-3639-1636600597.jpg

Tuy nhiên, xét ở thời điển hiện tại, thậm chí vài năm nữa thì dự án này khi áp dụng tại Việt Nam cũng chưa khả thi. Theo các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, đô thị thì trong số ba mục đích của bản dự án đề xuất, hướng đến kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, cải thiện tình trạng ùn tắc và tạo nguồn lực để phát triển hạ tầng, điều đầu tiên thành phố cần giải đáp và có biện pháp cụ thể là kiểm soát phương tiện thì thành phố vẫn chưa làm rõ được các phần việc cụ thể, giải pháp, mục đích trong câu chuyện kiểm soát phương tiện cá nhân tham gia lưu thông được nêu.

Cũng theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, kiểm soát phương tiện là chưa đủ. TP.HCM cần xem xét, phân tích trên nhiều khía cạnh khác về hạ tầng, kỹ thuật, môi trường, kinh tế, xã hội để đạt được mục tiêu này trước mắt và tránh làm ảnh hưởng xấu đến lĩnh vực khác trong lâu dài.

Mục tiêu tiếp theo trong đề xuất là giảm thiểu ùn tắc giao thông, nhưng để giảm ùn tắc cùng với việc áp dụng một số biện pháp hạn chế ô tô cá nhân thì trước hết phát triển các phương tiện giao thông công cộng phải đáp ứng được nhu cầu thì mới nên triển khai. Bởi với đặc điểm địa bàn của TP.HCM và Hà Nội có hệ thống đường nhỏ, đường tắt chằng chịt, việc tài xế tránh cung đường này để di chuyển qua cung đường khác nhằm né trạm có thể xảy ra.

 Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, việc thu phí nội đô là không sai nhưng hiện tại và trong vài năm nữa cũng sẽ chưa phù hợp vì vô hình chung khiến doanh nghiệp, người dân tăng thêm gánh nặng chi phí. Cũng có nhiều người dân đi vào nội thành để học hành, chữa bệnh, mua bán, giao dịch, vui chơi giải trí... đều có đóng góp cho sự tăng trưởng của kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân, doanh nghiệp và doanh thu cho nền kinh tế địa phương. Do đó, việc hạn chế người dân đi vào nội thành cũng góp phần làm suy giảm sự phát triển kinh tế. Điều đó làm giảm năng lực cạnh tranh của thành phố, nguy cơ gây ra những mặt trái khác về đời sống xã hội, kìm hãm phát triển kinh tế. Khi đó, nguồn lực thu được sẽ không tương xứng với những gì đánh mất.

 Trước mắt, thành phố nên điều tiết một số loại phí phải thu khác như bất động sản (ngôi nhà thứ hai) hay thuế thu nhập cho người có thu nhập cao. Bởi thành phố là nơi tạo ra giá trị cao cho bất động sản và thu nhập cao cho một số người, nên việc thu thuế, phí là phù hợp.

Việc thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM chắc chắn sẽ phải thực hiện trong bối cảnh dân số khu vực đô thị ngày một gia tăng. Tuy vậy, muốn thực hiện sớm thì phải thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân. 

Như vậy, ngoài việc xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, lộ trình triển khai hợp lý, chính quyền các đô thị phải tuyên truyền cho người dân và ứng dụng khoa học, công nghệ vào thu phí, không gây phiền hà cho người dân. Đặc biệt, phải giải quyết được dứt điểm những bất cập trong lập quy hoạch đô thị cũng như thực hiện, quản lý quy hoạch - nguyên nhân cơ bản dẫn đến ùn tắc giao thông nội đô trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thu phí nội đô: Chưa khả thi nếu chưa giải quyết việc cần làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO