Thư gửi ba má

Minh Nguyễn| 13/11/2022 09:00

Con đang viết những dòng thư này với tâm thế một công dân Việt Nam đang xa quê. Mấy năm nay, tuy ở nước Mỹ xa xôi nhưng lúc nào con cũng nhớ nhớ ba má, người thân, bạn bè, nhớ cảnh sắc quê hương mình mình xinh đẹp.

Nước Mỹ thật rộng lớn và con được gặp những người Mỹ vô cùng tử tế giúp con. Con muốn kể cho ba má nghe về ông Daniel Dulac - một triệu phú Mỹ, người đã giúp đỡ con rất nhiều.

Ở tuổi 60, dù ông đang là chủ của một hãng sản xuất phân bón lớn tại California nhưng ông lại dành hầu hết thời gian của mình để cống hiến và tạo lập nên một tổ chức phục vụ cho cộng đồng mang tên Santiago Retreat Center. Đây là một tổ chức và đồng thời là tên của khu nghỉ dưỡng rộng 600 acres (khoảng 243 hecta) tại Nam California - nơi tập trung đông nhất người Việt tại hải ngoại.

Ông Daniel làm việc cả đời và hiến tặng tài sản trị giá trên 30 triệu USD để lập nên Santiago Retreat Center, khu nghỉ dưỡng dành cho những người già và trẻ em miễn phí. Mọi người cuối tuần thường tới đây để cắm trại, sinh hoạt gia đình dã ngoại. Những người bạn của ông Daniel cũng vậy, rất nhiều người già làm việc cả đời xong thì hiến tài sản và tiền vào để xây dựng nên tổ chức phục vụ cho cộng đồng.

Khi gặp ông, dù khác màu da nhưng ông vô cùng tôn trọng và dành hết sự giúp đỡ để con mua được căn nhà khi thời điểm đó con chỉ có số tiền tương đương 30% trị giá căn nhà. Không bà con hay quen biết gì trước đó, nhưng ông giúp con làm chủ căn nhà và trả góp suốt thời gian qua.

Khi con dọn vào nhà ở cả tháng, nhà bị hư máy nước nóng thì ông và một người bạn của mình còn xuống sửa máy nước nóng miễn phí cho con. Thật tuyệt vời và tấm lòng của ông làm con hiểu rằng người Mỹ văn minh luôn muốn giúp đỡ người khác, con hiểu tại sao quốc gia này giàu có bởi giúp đỡ người khác là thói quen văn minh được dạy từ nhỏ.

Cũng qua tìm hiểu, con mới biết rất nhiều người Mỹ già cuối đời hiến tặng nhà, xe, tài sản cho các phi lợi nhuận vì bên cạnh ý nghĩa làm thiện nguyện, người Mỹ hiến tài sản cho các tổ chức phi lợi nhuận cũng chính là giúp họ bớt đóng thuế rất nhiều. Sau khi con tìm hiểu mới biết tại sao nước Mỹ giàu, vì họ có cỗ máy thu thuế vô cùng độc lập và truy lùng thu thuế gắt gao. Hệ thống luật pháp Mỹ hay tới mức nó buộc con người ta phải lựa chọn: nhiều tài sản thì đóng thuế nhiều, ít tài sản thì đóng thuế ít.

Không cần kêu gọi từ thiện, nhưng tất cả người giàu Mỹ đều tự nhận ra nếu mình không làm từ thiện, không sống vì cộng đồng thì cũng bị sở thuế tận thu thuế theo lũy tiến, càng giàu càng bị đóng thuế nhiều khủng khiếp. Càng làm ra tiền nhiều, nếu doanh nghiệp tiếp tục đầu tư thì được khấu trừ chi phí, còn nếu chốt lợi nhuận ngay thì sẽ phải đóng thuế ngay lập tức phần lợi nhuận cho nhà nước.

Khi sống trong nước Mỹ, con mới hiểu quốc gia này được kiến tạo bằng thứ tư duy hay nhất. Họ thúc đẩy giáo dục ra những con người thông minh. Người thông minh dễ dàng lập doanh nghiệp và kiếm tiền. Người ta kiếm tiền và đóng thuế, đóng các bill hằng tháng. Càng giàu, người ta sẽ càng mệt mỏi vì mức thuế tăng lũy tiến và họ sẽ thấy rằng cách thảnh thơi nhất là "cho tặng thiện nguyện".

Quan chức Chính phủ ở đây mà con biết chính là các thị trưởng (giống chủ tịch thành phố của chúng ta). Họ hay tổ chức các buổi tiệc để kêu gọi tiền ủng hộ vận động tài trợ. Họ tổ chức công khai kêu gọi tiền để vận động tranh cử và đưa ra các thuyết trình công việc của mình. Có nhiều ứng viên thị trưởng và ai được dân bỏ phiếu nhiều hơn thì sẽ thắng cử. Các quan chức lãnh đạo không cần nhận hối lộ dưới gầm bàn vì việc kêu gọi tiền ủng hộ là công khai, minh bạch.

Ngoài ông Daniel, con còn may mắn gặp ông Tony Abrahim, ông là Chủ tịch hãng nội thất lừng danh HD Buttercup, có showroom ở Los Angeles, các thành phố Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Mấy chục năm sống ở nước Mỹ, ông Tony trở thành doanh nhân thành công và mới đây ông đã quyết định nghỉ hưu, bán công ty nội thất thu về trên 100 triệu USD.

Thật ngạc nhiên là cả quãng đời sống nước Mỹ nhưng cuối đời vợ chồng triệu phú như ông chỉ muốn dọn nhà về các nước châu Á để hưởng thụ cuộc đời. Với ông, nước Mỹ là cỗ máy kiếm tiền lạnh lùng, "kinh doanh và kinh doanh" chứ không có cảm giác sống an toàn. Và thật ngạc nhiên là Việt Nam và Thái Lan là hai địa điểm được nhiều người triệu phú như ông Tony chọn sống cuối đời.

Nước Mỹ thật kỳ lạ, nó là nơi rất nhiều người muốn đến, nhưng nhiều người sống lâu năm thì lại muốn ra đi khỏi nó. Rất nhiều người Mỹ cuối đời chỉ muốn sống cuộc sống thanh bình và không lo nghĩ về hóa đơn và thuế, nên thà hiến tặng hết tài sản cho cộng đồng. Còn tài sản thì còn đóng thuế và hết tài sản thì hết nợ thuế. Nhiều người già Mỹ phải sống trong Viện Dưỡng Lão dù trước đó họ giàu có thế nào.

Thực tế phũ phàng, người nghèo nước Mỹ là "sướng nhất" vì thất nghiệp được lãnh tiền, được trợ cấp y tế miễn phí.... Nước Mỹ đã tận thu thuế nhà giàu và chia cho người nghèo.

Thưa ba má!

Hơn 3 năm con sống trên nước Mỹ đã dạy con rất nhiều bài học, mở ra cho con góc nhìn về một quốc gia văn minh, hoan nghênh mọi người đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới. Người Mỹ có thói quen tranh luận gay gắt nhưng tuyệt đối không thù hằn cá nhân, không "ghét bố ghét cả con" như văn hóa châu Á. Người Mỹ cũng có hệ thống kinh tế tự vận hành, hệ thống công ty bảo hiểm mạnh mẽ bao trùm toàn bộ nền kinh tế. Ai cũng có bảo hiểm, từ một vụ đụng xe cũng không cần tranh cãi ai đúng sai, vì hãng bảo hiểm sẽ thanh toán hết.

Con người ở Mỹ hầu như sẽ hiểu rằng chúng ta nên kiểm soát sự giận dữ, vì giận dữ không cần thiết. Vợ chồng nếu giận dữ cãi nhau nơi công cộng thì tại California, cảnh sát sẽ can thiệp ngay lập tức. Nếu người chồng lớn tiếng quát phụ nữ thì cảnh sát sẽ còng tay người chồng ngay tại chỗ và giam vào nhà giam. Ở xứ này, phụ nữ, trẻ em, người già, con chó... là những "mục tiêu" mà một người đàn ông cần tôn trọng. Vì cư xử không đúng mực thì bạn hoàn toàn có khả năng vào tù - dù bạn có là ai cũng phải chịu chế tài luật như nhau. Cảnh sát khi còng tay bạn, vợ bạn dù có kêu tha cho chồng cũng vô ích, vì cảnh sát bắt người chồng bạo hành không phải vì người vợ mà vì "nhân danh nhân dân California" bắt bạn đấy!

Luật là luật, muốn gì cứ ra tòa mà cãi nhau, cảnh sát cứ bắt nếu thấy phạm luật.

Đơn cử, bạn lỡ vi phạm luật giao thông, cảnh sát xé giấy phạt thì bạn phải đóng phạt. Nếu không đóng phạt thì có thể ra tòa và đúng ông cảnh sát phạt bạn sẽ phải ra tòa đối chất với bạn. Nếu ngày ra tòa, ông cảnh sát ký giấy phạt bạn bận... "đi du lịch" thì coi như bạn thắng, không phải đóng phạt. Viên chức Chính phủ như cảnh sát cũng phải đứng trước tòa đối chứng vì sao phạt người dân, bằng chứng phạt... 

Tại California còn có đạo luật tôn trọng quyền con người tới mức nếu bạn ghi âm lén một người thì đó là hành vi bị phạm vào luật hình sự. Muốn ghi âm hay quay hình một người bình thường (không phải nhân vật của công chúng) thì phải được sự cho phép của đương sự.

Việt Nam chúng ta trong mắt người Mỹ là một quốc gia xa xôi, nhưng đáng cho họ tìm hiểu vì một phần lịch sử nước Mỹ đã gắn liền với Việt Nam. Không cần đứng về phía bên nào thắng thua, người dân Mỹ hiểu rằng quá khứ là chuyện quá khứ, theo tính cách Mỹ thì họ chỉ quan tâm bây giờ quan hệ với Việt Nam là có lợi ích gì. Người Mỹ muốn đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam vì chi phí rẻ, chỗ nào rẻ hơn là họ chọn. Chi phí rẻ đơn thuần là giá thành sản phẩm. Nếu quốc gia nào rẻ hơn mà nhập hàng vào Mỹ nhanh hơn thì họ lại chọn quốc gia đó thôi. Tư duy Mỹ, hiệu quả kinh tế là yếu tố quan trọng nhất.

Đối với Mỹ, quốc gia nào làm lợi cho Mỹ thì đó là người bạn của Mỹ. Hết sức sòng phẳng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thư gửi ba má
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO