Xét nghiệm tầm soát diện rộng - Cơ hội vàng đẩy lùi dịch bệnh tại TP.HCM

Băng Tâm| 06/07/2021 01:21

TP.HCM đã trải qua một tuần thực hiện đợt xét nghiệm tầm soát Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay, với kế hoạch lấy 500.000 mẫu/ngày nhằm kịp thời phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng, đẩy lùi nhanh dịch bệnh.

Không bỏ sót F0

Số ca nhiễm tại TP.HCM vẫn tăng lên, ở mức 3 con số mỗi ngày, dù đa số ở trong khu cách ly, khu phong tỏa nhưng đó là dữ liệu quan trọng đánh giá mức độ kiểm soát dịch bệnh sau thời gian thực thi nhiều biện pháp quyết liệt.

Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 2151 về tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP từ ngày 29/6 đến ngày 10/7/2021.

TP.HCM xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho khoảng 5 triệu người dân (Ảnh: VGP)

TP.HCM xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho khoảng 5 triệu người dân (Ảnh: VGP)

Đợt cao điểm tập trung triển khai 9 nội dung, trong đó có tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người dân, người lao động tại tất cả các quận - huyện, TP Thủ Đức. Đây là đợt tầm soát lớn nhất từ trước đến nay. Dự kiến trong 10 ngày, TP sẽ lấy mẫu cho 5 triệu người.

Để thực hiện nhiệm vụ này, toàn hệ thống y tế chạy tối đa công suất suốt ngày đêm. Đã có khoảng 15.000 nhân viên y tế, sinh viên y khoa, thanh niên tình nguyện được lệnh điều động từ khắp các đơn vị để tham gia chiến dịch tổng lực truy F0 toàn TP.HCM.

Đây chưa phải mục tiêu cao nhất của TP.HCM. Trong đợt cao điểm kiểm soát dịch từ 29/6 đến 10/7, TP còn đặt tham vọng xét nghiệm một triệu mẫu/ngày. Để đạt mục tiêu này, Trung tâm điều hành xét nghiệm Covid-19 đã được thành lập nhằm điều phối lại quy trình xét nghiệm, nhiều công đoạn được thay đổi.

Nói về chiến dịch lấy mẫu tầm soát toàn TP, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi khẳng định mục tiêu 5 triệu mẫu và khoảng thời gian mà TP đưa ra chỉ là khung. Ông khẳng định TP không chạy theo số lượng mà làm trên tinh thần “không bỏ sót F0”.

Mục tiêu 500.000 mẫu gộp 10 hoặc 15 mỗi ngày là con số rất lớn so với năng lực trước đây của TP, bởi theo HCDC, tổng số mẫu xét nghiệm tích lũy tại TP.HCM trong 3 đợt dịch đầu tiên chỉ đạt hơn 851.800.

Được biết, TP.HCM hiện có 24 đơn vị được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR (tính đến 29/4). Nếu tất cả các đơn vị tham gia thì công suất xét nghiệm trung bình mỗi đơn vị khoảng 20.000 mẫu/ngày theo kế hoạch 5 triệu mẫu. Đây là áp lực rất lớn với đội ngũ kỹ thuật viên của các phòng xét nghiệm.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), số lượng mẫu xét nghiệm chờ kết quả ngày càng tăng. Cao điểm nhất là ngày 2/7, có 351.254 mẫu chờ kết quả xét nghiệm. 

Ngày 4/7, TP.HCM tiếp tục thay đổi chiến lược xét nghiệm. TP quy định mẫu F1 trả kết quả trong 6-10 giờ từ khi nhận mẫu; mẫu F2, người cách ly, tầm soát cộng đồng trả kết quả trong 24 giờ kể từ khi lấy mẫu.

"Phải trả kết quả xét nghiệm đúng hẹn" là thông điệp được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu đưa ra chiều 4/7. Thành phố một lần nữa tổ chức lại quy trình xét nghiệm để khắc phục sai sót những ngày đầu thực hiện.

Đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh 

Theo dõi thông tin chiến dịch xét nghiệm tầm soát mà TP.HCM đang thực hiện, GS. Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu di truyền dịch tễ học và loãng xương thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia cho rằng, đây là cơ hội vàng để biết được mức độ lây nhiễm trong cộng đồng ra sao. Trước đây, vì xét nghiệm hạn chế, nên chúng ta không có những thông tin khoa học để đánh giá tình hình dịch bệnh một cách chính xác. 

GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng đợt xét nghiệm tầm soát này là đây là cơ hội vàng để biết được mức độ lây nhiễm trong cộng đồng ra sao

GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng đợt xét nghiệm tầm soát của TP.HCM là cơ hội vàng để biết được mức độ lây nhiễm trong cộng đồng

Ông Tuấn cho rằng khó có thể đoán trước được bao nhiêu ca dương tính. Nhưng sau đợt tầm soát này, TP.HCM có thể dựa vào các nghiên cứu trước đây để tham khảo. Úc là một trong những quốc gia thực hiện xét nghiệm đại trà đầu tiên và quy mô lớn, với hơn 7.4 triệu người được xét nghiệm.

Kết quả xét nghiệm cho thấy (từ tháng 1 đến tháng 9/2020) tỉ lệ dương tính là 0.4 (tức 4 trên 1000 người). Ông Tuấn giải thích, tỷ lệ này dao động theo vùng, với nơi có tỷ lệ cao nhất là 0.8%. Nếu dùng con số này (0.4%) để tham khảo, kịch bản có thể xảy ra sau khi tầm soát 5 triệu người ở TP.HCM sẽ có 20.000 người có kết quả dương tính. 

"Giả dụ như TP.HCM 20.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính, thì điều này không có nghĩa là 20.000 người bị nhiễm nCoV. Lý do là xét nghiệm có xác suất sai số, với xác suất dương tính giả có thể 5% và xác suất âm tính giả có thể 10%. Nói cách khác, cứ 100 người có kết quả dương tính, thì 5 người không bị nhiễm, và cứ 100 người có kết quả âm tính thì có 10 người thật sự bị nhiễm".

Ông Tuấn phân tích thêm, điều này có ý nghĩa thực tế là: nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, người đó có xác suất cao là bị nhiễm. Nhưng người có kết quả âm tính và có triệu chứng thì vẫn nên tự cách ly tại nhà. 

Với kinh nghiệm của một người nghiên cứu về dịch tễ học, GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, việc thực hiện xét nghiệm cho hàng triệu người là quy mô rất lớn. Do vậy, ông Tuấn băn khoăn vấn đề chất lượng lấy mẫu xét nghiệm. 

"Mô hình xét nghiệm hiện nay, nói theo ngôn ngữ dịch tễ học, là mô hình thông thường. Theo đó, có 4 bước: (1) thu thập mẫu xét nghiệm; (2) tập trung lại thành cụm; (3) làm xét nghiệm bằng kĩ thuật PCR; và (4) kết quả cho cụm. Đây là mô hình đơn giản, dễ làm, thích hợp cho cấp cộng đồng. Nhưng có nguy cơ ô nhiễm vì lấy từ cộng đồng trong điều kiện nhiệt độ cao, nên kết quả có thể có chút sai lệch. Còn sai lệch bao nhiêu thì khó nói được", vị Giáo sư về dịch tễ học và thống kê cho hay.

Dù tốc độ lây nhiễm tại TP.HCM lên đến 3 con số nhưng GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng chưa đến mức dùng từ "ổ dịch" để mô tả TP.HCM lúc này, vì trong thực tế số ca nhiễm không cao như các ổ dịch thực sự khác trên thế giới. Ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, tỉ lệ người được tiêm vaccine còn quá thấp, nên đó có thể là một yếu tố gây nên đợt dịch thứ 4 khi đối mặt với biến thể Delta có chỉ số lây lan khá cao (từ 4 đến 6) so với các biến thể trước có chỉ số lây lan chỉ 1.5 đến 3.0. 

"Mục tiêu tối hậu vẫn là tạo ra một cộng đồng miễn dịch và vaccine là biện pháp số 1 hiện nay. Các vaccine hiện nay (AstraZeneca, Pfizer, Moderna) có hiệu quả giảm 90% nguy cơ nhiễm từ biến thể Delta. Nhưng vaccine không thể nào ngăn ngừa 100% ca nhiễm, nên chúng ta vẫn phải áp dụng các biện pháp y tế công cộng - 5K", ông Tuấn cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xét nghiệm tầm soát diện rộng - Cơ hội vàng đẩy lùi dịch bệnh tại TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO