Xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế là yêu cầu bắt buộc

Nguyễn Loan| 25/10/2019 09:00

Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2019, nhiều ý kiến đóng góp của các lãnh đạo, chuyên gia kinh tế, doanh nhân trong và ngoài nước nhằm tạo bước chuyển động cho TP.HCM sớm trở thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới.

Xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế là yêu cầu bắt buộc

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) ra đời năm 1998 được xem là tiền đề quan trọng để thị trường tài chính phát triển ổn định. Cho đến nay, với mức tăng trưởng trên 8,8%/năm (chiếm tỷ trọng 10% trong số 9 ngành dịch vụ chủ yếu và 5,7% GRDP) và có khả năng huy động tới 460.000 tỷ đồng/năm là nền tảng để phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội của TP.HCM. HOSE đang trở thành hình ảnh của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Bởi nơi đây luôn là thị trường niêm yết của doanh nghiệp (DN) lớn, có giá trị giao dịch cao, tính minh bạch tốt, là đầu mối của các hợp tác quốc tế song phương và đa phương quan trọng. HOSE cũng đang quản lý, vận hành hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ (với tòa nhà trụ sở chính Exchange Tower và Trung tâm dữ liệu dự phòng, là những cơ sở nền tảng đáp ứng yêu cầu phát triển hiện đại).

Bên cạnh đó, trong tổng số 154 công ty công nghệ trong lĩnh vực tài chính (Fintech) đang hoạt động tại Việt Nam thì đến 60 công ty có trụ sở ở TP.HCM. Trong bảng xếp hạng toàn cầu thì TP.HCM được đánh giá là một trong 25 trung tâm Fintech mới nổi của thế giới. 

Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, TP.HCM hiện có khoảng 140.000 DN đang hoạt động, chiếm 34,5% số lượng DN cả nước, tạo nên môi trường năng động, thích hợp cho sự phát triển của thị trường tài chính - chứng khoán. 

Các chuyên gia phân tích, trung tâm tài chính (TTTC) phải là nơi giao dịch thuận tiện của các hoạt động tín dụng để phục vụ đầu tư, sản xuất hoặc tiêu dùng. Việc giao dịch này được thực hiện qua một hệ sinh thái gồm các cơ sở và dịch vụ tài chính trung gian như ký gửi và vay mượn từ ngân hàng, mua bán chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu), đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp; với sự yểm trợ của hệ thống luật lệ, kế toán, kiểm toán, báo cáo tài chính... Chính vì lẽ đó, để vận hành một TTTC, phải phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở và dịch vụ tài chính trung gian và hoàn thiện thể chế chính sách một cách đồng bộ. 

Đặt nhiều kỳ vọng về một TTTC ngang tầm khu vực và thế giới, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định: Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, luôn nằm trong top các nước tăng trưởng cao trên thế giới (đạt 6-8% trong hai thập niên vừa qua và đang phấn đấu mức tăng trưởng trên 7% trong 10 năm kế tiếp). Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, huy động tốt nguồn lực hỗ trợ, đưa TP.HCM sẽ trở thành một TTTC lớn của khu vực và thế giới. Bởi ngay thời điểm hiện tại, TP.HCM đã là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất Việt Nam và cũng là địa phương đi đầu trong cả về công nghệ và cải cách hành chính, giáo dục, cải thiện môi trường đầu tư.  

Cùng có cái nhìn lạc quan về TTTC tầm cỡ khu vực và quốc tế của TP.HCM, TS. Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: TP.HCM có đủ điều kiện trở thành một TTTC khu vực và quốc tế. Dù chiếm chưa đến 10% dân số cả nước nhưng TP.HCM đóng góp 14% giá trị xuất khẩu, 24% GDP, 27% thu ngân sách và 28% về cho vay. Đồng thời là nơi thu hút 1/3 số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, thậm chí, có lúc chiếm đến 41% dòng vốn ngoại của cả nước. 

Có thể thấy, việc phát triển thị trường tài chính là một trong những lĩnh vực ưu tiên của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và không còn là vấn đề riêng của TP.HCM mà trở thành một bộ phận trong chiến lược kinh tế của quốc gia với ba mốc thời gian cần được xác lập cụ thể: Giai đoạn từ nay đến năm 2025 (hình thành cơ chế vận hành của một TTTC); từ 2026-2035 (hoàn thiện thể chế, nhân lực và hạ tầng đô thị); từ sau năm 2035 (hướng tới thị trường tài chính quốc tế). 

Theo TS. Lê Hồng Giang, bản chất của các TTTC sẽ dịch chuyển thành các trung tâm công nghệ hoặc cộng sinh với các trung tâm công nghệ, đây sẽ là thách thức cho các trung tâm hiện hữu, đồng thời là cơ hội cho các trung tâm non trẻ ra đời.  Không chỉ có vậy, để xây dựng TTTC ngang tầm khu vực và thế giới, nhất thiết phải lấy hệ thống ngân hàng làm trung tâm, dựa trên thị trường vốn và cơ cấu nó một cách cân bằng, tạo đà cho nền kinh tế phát triển. 

Nền kinh tế phát triển, thông qua thị trường vốn, các công ty có thể dễ dàng đầu tư. Từ đó, có thể định vị chiến lược phát triển tài chính. Phải đảm bảo môi trường kinh doanh với hai yếu tố quan trọng: thể chế (chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá... và các chính sách điều tiết thị trường) và cơ sở hạ tầng (cơ sở vật chất, hậu cần, viễn thông... đảm bảo khả năng kết nối toàn cầu nhanh chóng, chính xác với chi phí thấp). 

Một TTTC quốc tế hoạt động hiệu quả, điều kiện không thể thiếu đó là năng lực của hệ thống tài chính đảm bảo cung cấp và thực hiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính quốc tế, đảm bảo tính liên kết với hạ tầng tài chính của các TTTC khu vực khác bao gồm các sàn giao dịch, hệ thống thông tin thị trường, trung tâm thanh toán bù trừ và trung tâm lưu ký chứng khoán...

Đây là những bài toán nan giải không chỉ làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách mà còn thách thức rất lớn đối với riêng TP.HCM. Mô hình tăng trưởng của các đô thị, phần lớn dựa vào thị trường tài chính, việc hình thành một TTTC quốc tế không còn là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu bắt buộc của một thành phố toàn cầu. Nhìn nhận vấn đề cần phải giải quyết, 5 yếu tố cốt lõi mà Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định phải thực hiện bằng được đó là: “Môi trường kinh doanh; nguồn lực con người; cơ sở hạ tầng; mức độ phát triển của ngành tài chính; danh tiếng của địa phương. Đây là con đường ngắn nhất để trở thành TTTC khu vực và quốc tế”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế là yêu cầu bắt buộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO