Xác định nguồn lây cúm A(H1N1) ở cộng đồng

P.V| 24/07/2009 07:18

Tại thành phố Hồ Chí Minh, đã có 3 trường học phải đóng cửa khi cúm A(H1N1) đang lây lan nhanh. Đồng Nai cũng tạm thời đóng cửa một trường mầm non.

Xác định nguồn lây cúm A(H1N1) ở cộng đồng

Ngày 23/7, thêm 1 người ở thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc bị nhiễm cúm A(H1N1) đang được điều trị tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, đến nay, Đồng Nai có 41 trường hợp nhiễm cúm A(H1N1), trong đó có 14 người là Việt kiều về từ Mỹ, Australia, Trung Quốc và 27 người trong nước có tiếp xúc gần với bệnh nhân cúm A(H1N1).

Hiện đã có 16/41 trường hợp nhiễm cúm A(H1N1) đã khỏe và xuất viện. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 113 trường hợp tiếp xúc gần với các Việt kiều liên quan đến bệnh cúm A(H1N1 ) đã và đang được các Trung tâm y tế dự phòng trong tỉnh điều tra, theo dõi.

Được biết, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, số người nhiễm cúm A/H1N1 tại tỉnh Đồng Nai đã tăng lên nhanh chóng. Trong đó, 21 ca mắc mới đều có liên quan đến 3 cha con Việt kiều Mỹ về nước ngày 8/7 trên chuyến bay KE681 tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngay sau khi về nước, 3 cha con đã về ấp Việt Kiều, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc tổ chức bữa tiệc liên hoan với sự tham gia của trên 30 người. 2 ngày sau đó, kết quả xét nghiệm đã cho thấy, các Việt kiều này đều dương tính với cúm A(H1N1).

Hiện các trường hợp này đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa huyện Xuân Lộc và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh). 11 người dân tại huyện Xuân Lộc có tiếp xúc trực tiếp với các Việt kiều nhiễm cúm A(H1N1) đều được khám bệnh, đo thân nhiệt và khuyến cáo không đi khỏi nơi cư trú. Đáng lưu ý, trong số những người tham dự tiệc liên hoan trên có em P.H.Đ. và N.Q.T. 15 tuổi là học sinh trường nội trú Ngô Thời Nhiệm (quận 9, TP.Hồ Chí Minh). Sau bữa liên hoan, em Đ. trở lại trường và làm lây bệnh cho trên 60 học sinh, giáo viên của trường.

Theo Bộ Y tế, đây được xác định là những trường hợp lây lan cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam. Hiện em Đ. đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Nhi đồng I (TP.Hồ Chí Minh) và em T. điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ngoài 11 trường hợp nêu trên ra còn 24 trường hợp khác là giáo viên và các trẻ em ở Trường mầm non Suối Cát ở huyện Xuân Lộc do tiếp xúc với bé V.M.N. bị nhiễm cúm sau khi dự tiệc liên hoan ở gia đình Việu kiều trên.

Ngay sau khi phát hiện bé N. nhiễm bệnh và có trên 20 trường hợp khác có tiếp xúc với bé, huyện Xuân Lộc đã tạm đóng cửa trường mầm non này ít nhất 1 tuần để tiện cho việc xử lý ổ dịch và theo dõi diễn biến sức khỏe những đối tượng nghi ngờ.

Đến thời điểm này, sức khỏe của tất cả các trường hợp có tiếp xúc với cháu N. đều ổn định.

Bác sĩ Từ Thanh Chương, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết: Với việc xuất hiện các chùm ca bệnh đông người và khả năng lây lan nhanh của dịch bệnh như hiện nay, nhiều khả năng Đồng Nai sẽ phải thành lập các bệnh viện dã chiến nhằm khoanh vùng, xử lý tại chỗ ổ dịch, không cho bệnh lây lan trong cộng đồng. Ở mỗi bệnh viện dã chiến, ngành y tế sẽ điều động đội ngũ nhân viên y tế đến túc trực, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân và rất mong nhận được sự hợp tác của chính quyền địa phương cũng như người dân để công tác chống dịch đảm bảo yêu cầu đặt ra.

TP.HCM: cúm A/H1N1 lây lan nhanh trong trường học

Tại thành phố Hồ Chí Minh, đã có 3 trường học phải đóng cửa do cúm A/H1N1. Sở Y tế thành phố đang kiến nghị cho tạm ngừng hoạt động tất cả các trường nội trú trong dịp hè, vì nguy cơ dịch cúm A/H1N1 lây lan từ những cơ sở này rất cao.

Chiều nay (23/7), số học sinh và giáo viên xác định mắc cúm A/H1N1 tại Trường trung học tư thục Ngô Thời Nhiệm, quận 9 lên đến 80 ca. Ngoài ra, ngành Y tế thành phố phát hiện thêm 2 sinh viên trường đại học RMIT và 2 học sinh của Trường trung học tư thục Nguyễn Khuyến, quận Tân Bình mắc cúm A/H1N1.

Trong ngày hôm nay, thành phố Hồ Chí Minh cũng đóng cửa cơ sở 3A, Trường trung học Nguyễn Khuyến, thành lập bệnh viện dã chiến thứ hai để theo dõi sức khỏe cho 50 học sinh có thân nhiệt cao hoặc tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm bệnh. Đồng thời, Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Bình triển khai đeo khẩu trang và tổ chức khám sàng lọc cho tất cả học sinh, giáo viên Trường trung học tư thục Nguyễn Khuyến trước khi cho các em về địa phương.

Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quận Tân Bình cho biết: “Biện pháp phòng chống dịch không phải sau khi chúng tôi nhận được kết quả dương tính đầu tiên ở trường Nguyễn Khuyến mà chúng tôi đã triển khai tất cả biện pháp để xử lý y tế, cách ly, kiểm dịch để hạn chế sự lây lan trong môi trường giáo dục. Sáng nay, khi nhận được thông tin ca dương tính, chúng tôi đã giải tỏa tất cả học sinh về cách ly tại gia đình với các biện pháp hỗ trợ y tế. Với trường hợp cách ly theo dõi ở đây, chúng tôi tiếp tục kiểm tra sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm, để khi pháthiện thêm thì sẽ cho điều trị theo đúng phác đồ của Sở Y tế ).

Chiều 23/7, bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh xác nhận có 2 học sinh của Trường Tiểu học Kumon (Nhật), ở quận Phú Nhuận bị nhiễm cúm A/H1N1 đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Hai học sinh này được xác định nhiễm bệnh do tiếp xúc với người nhiễm cúm từ nước ngoài về. Hiện, Sở Y tế đã chỉ đạo nhà trường cho học sinh nghỉ học trong 2 tuần để giám sát và đề phòng lây nhiễm. Ngoài ra, 1 sinh viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh cũng bị nhiễm cúm A/H1N1 do tiếp xúc với nguồn bệnh từ nước ngoài. Tuy nhiên, trường hợp này không đáng lo ngại do sinh viên này bị nhiễm bệnh trong thời gian đang nghỉ hè.

Đến 16 giờ ngày 23/7, Trường THPT Tư thục Nguyễn Khuyến có 2 trường hợp dương tính cúm A/H1N1, 47 trường hợp có biểu hiện sốt đang được cách ly tại trường. Ngoài ra, toàn bộ số học sinh nội trú của trường đã được cho về địa phương để giám sát. Sở đã phát các tờ bướm tuyên truyền cúm A/H1N1 cho các em, đồng thời tổ chức đưa các em về bằng xe của trường hoặc xe riêng, không để các em đi xe công cộng để tránh lây nhiễm. Trường THPT Tư thục Ngô Thời Nhiệm đã xác định thêm 7 ca nhiễm cúm mới, nâng số ca nhiễm tại đây lên 72 ca, trong đó có 5 giáo viên. Các học sinh đang được theo dõi và điều trị sức khỏe đều ổn định, không có ca nặng. Như vậy, đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 395 trường hợp nhiễm cúm, trong đó 292 trường hợp đã xuất viện và không có ca tử vong.

Sẽ đóng cửa các khu vui chơi giải trí

Cấm tụ tập đông người, giám sát toàn bộ sân bay quốc tế và cả hành khách đi trên các phương tiện giao thông nội địa... Đó là những đề xuất được đưa ra trong cuộc họp khẩn tại TP HCM chiều nay để đối phó đại dịch cúm H1N1 nếu nó xẩy ra.

Khẳng định số ca mắc tại VN hiện còn thấp, hiện công tác phòng bệnh vẫn là giám sát ca bệnh để tránh lây lan, tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, từ thực tế lây lan nhanh của bệnh tại một số nước, việc lập phương án đối phó phòng khi bệnh bất ngờ tăng ca là thực sự cần thiết.

Ông Châu đã đưa ra 3 tình huống xử lý, tương ứng với số lượng bệnh nhân mắc. Tình huống 1 ứng với số bệnh nhân từ 500 ca trở xuống; tình huống 2, từ 500 đến 1.000 ca và tình huống 3, trên 1.000 ca.

Theo kế hoạch của Sở Y tế, ở mỗi tình huống, số lượng bệnh viện, số giường cách ly và cán bộ y tế phục vụ điều trị sẽ khác nhau. Trong trường hợp xảy ra đại dịch, số bệnh viện điều trị cách ly sẽ lên đến con 28 trong đó bao gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, An Bình, 115, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Trãi, 4 bệnh viện vùng ven, 18 bệnh viện quận huyện, 2 bệnh viện dã chiến với 6.000 giường bệnh.

Về nhân lực, các bác sĩ của các bệnh viện chuyên khoa sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới. 3.500 sinh viên của hai trường y khoa tại TP HCM dự kiến cũng sẽ có mặt tại các trạm y tế để chăm sóc bệnh nhân.

Đóng cửa các khu vui chơi vốn tụ tập đông người để tránh bệnh lây lan khi có đại dịch. Ảnh có tính chất minh họa

Phát biểu góp ý phương án của Sở Y tế, ông Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP HCM cho rằng, trong tình huống bệnh đã lây lan, ngoài việc tập trung giám sát tại sân bay quốc tế, cần phải lập kế hoạch giám sát cả hành khách đi trên các phương tiện giao thông nội địa.

Cũng theo ông Minh, trên kịch bản chống đại dịch nếu cần thiết, phải hướng đến việc đóng cửa các khu vui chơi giải trí, tụ tập đông để bệnh không phát tán cho cộng đồng.

Đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP HCM thì cho rằng, hiện tại, việc phòng để bệnh không lây lan thành đại dịch vẫn là việc cần làm hơn cả. Theo ông này, nên đưa nội dung phòng bệnh vào các cuộc họp của tổ dân phố bởi không phải người dân nào cũng đọc báo xem đài và không phải ai cũng biết rõ cách phòng bệnh và phát hiện biểu hiện bệnh.

Quan ngại dịch có khả năng kéo dài đến mùa lạnh và có nguy cơ hợp chủng với cúm A/H5N1, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng việc giám sát gia cầm tại các địa phương cũng là một kế hoạch cần phải đưa vào phương án phòng chống đại dịch

Phát biểu chỉ đạo cuối buổi họp, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, để khỏi phải lúng túng nếu đại dịch xảy ra, 100% các bệnh viện tại thành phố phải diễn tập thử mọi tình huống, từ nhận bệnh, chuyển bệnh đến cấp cứu điều trị.

Theo ông Tài, để tránh lây lan, cần hạn chế việc đưa bệnh nhân đến các khu vực điều trị tập trung ở các quận xa mà nên điều trị tại địa phương. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị thành lập đội điều trị cơ động để tránh chuyển bệnh nhân đi khắp nơi đồng thời các bác sĩ này cũng sẽ "chia lửa" với bệnh viện tuyến dưới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xác định nguồn lây cúm A(H1N1) ở cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO