WB: Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay

08/04/2010 04:12

Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Martin Rama khẳng định như vậy trong họp báo công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương hôm 7/4 tại Hà Nội.

WB: Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Martin Rama khẳng định như vậy trong họp báo công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương hôm 7/4 tại Hà Nội.

Việt Nam là quốc gia có bước đi ấn tượng

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương của WB cho thấy, Việt Nam đã thoát ra khỏi suy thoái với vị thế tốt hơn nhiều so với các nước trong khu vực, tuy vẫn còn tồn tại những rủi ro vĩ mô như tái lạm phát, căng thẳng ngoại tệ, lãi suất lên cao… Việt Nam là một trong hai quốc gia có bước đi gây ấn tượng mạnh hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực. Những ứng phó kịp thời của Chính phủ về chính sách tài khóa và tiền tệ… đã mang lại kết quả rất tốt.

Theo Báo cáo, tăng trưởng của Việt Nam trong năm ngoái, mặc dù chịu những tác động từ cú sốc bên ngoài, vẫn ở tình trạng tốt hơn các quốc gia khác. GDP năm 2009 của Việt Nam đã tăng 5,3%, do ngành xây dựng tăng trưởng cao nhờ chương trình kích cầu tương đối lớn của Chính phủ. Sự phục hồi kinh tế cũng được củng cố trong những tháng gần đây, với GDP tăng 6,9% trong quý cuối năm 2009 so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng khoảng 6% vào quý đầu năm 2010 cũng là đáng khích lệ.

Trong khi đó về căn bản, cân bằng đối ngoại của Việt Nam khá bền vững tại thời điểm kết thúc năm 2009. Xuất khẩu đã giảm 9,7% kim ngạch trong năm 2009, nhưng nhập khẩu giảm nhiều hơn, tới 14,7%, giúp cho thâm hụt tài khoản vãng lai giảm xuống còn 7,8% GDP (năm 2008 tương đương 11,9% GDP). Các luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tính giảm khoảng 13%. Theo đánh giá của WB, đây là mức giảm không đáng kể trong một năm đầy sóng gió.

Nguy cơ lạm phát, thâm hụt

Chuyên gia WB tại Việt Nam Martin Rama

Tuy nhiên, chính việc dựa vào cầu nội địa để hỗ trợ cho hoạt động kinh tế trong năm 2009 đã gây nên những áp lực lên thâm hụt cán cân thanh toán. Báo cáo của WB lưu ý, hiện tượng mua bán USD vượt ra ngoài biên độ chính thức trên thị trường tự do đã cho thấy một số dấu hiệu có sự mất lòng tin vào đồng nội tệ. Hiện nay, các hộ gia đình, các doanh nghiệp đang găm giữ hàng triệu USD với mong muốn bảo toàn giá trị tài sản của họ. Đây chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến sai số lớn trong cán cân thanh toán.

Trong khi đó, lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại kể từ quý cuối cùng của năm 2009. Áp lực lạm phát có thể thấy rõ hơn trên thị trường tài sản, với chỉ số chứng khoán có xu thế đi lên trong nhiều tháng liên tục, giá vàng trong nước tăng lên và giá đất cũng tăng cao.

Việc hạ lãi suất xuống quá thấp cũng làm cho các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ trở nên kém hấp dẫn. Chuyên gia của WB khuyến nghị, đã đến lúc, Việt Nam cần rút dần các biện pháp kích thích kinh tế của mình.

Giải pháp tăng lãi suất?

Theo ông Martin Rama, Việt Nam cần có chính sách tín dụng thắt chặt, với lãi suất tiền đồng được nâng lên tương đương với tốc độ lạm phát. Việc tăng lãi suất sẽ làm nguội lạm phát đồng thời sẽ tạo ra dòng vốn quay trở lại nền kinh tế, tạo xu hướng rời bỏ đồng USD để chuyển sang tiền VND, qua đó, dự trữ ngoại hối cũng có cơ hội tích lũy lại”. Hơn nữa, khi người dân và doanh nghiệp chuyển từ dự trữ USD sang tiền gửi VND cũng làm giảm căng thẳng tỷ giá.

Trả lời câu hỏi, lãi suất tiền đồng nên nâng lên mức nào là hợp lý, ông Martin Rama phân tích: Tôi nghĩ rằng lãi suất cho vay có thể ở giữa mức 12% và 18%/năm, còn lãi suất huy động sẽ thấp hơn tương ứng một khoảng đủ để các ngân hàng kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, rất khó nói chính xác là bao nhiêu. 

Ông M.Rama khẳng định, năm 2010 là năm tốt lành đối với Việt Nam. Mặc dù để đạt được chỉ tiêu kiềm chế lạm phát không phải dễ dàng, nhưng Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 7,5% (mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay là hoàn toàn khả thi). Việt Nam vẫn là địa điểm tốt để thu hút đồng vốn từ các quốc gia khác và 5.000 tỷ USD có thể được đổ vào Việt Nam trong năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
WB: Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO