Vực dậy kinh tế TP.HCM: Phải tháo gỡ điểm nghẽn

Hồng Nga| 27/05/2022 06:00

Năm 2021, TP.HCM là một trong số ít địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19.

Vực dậy kinh tế TP.HCM: Phải tháo gỡ điểm nghẽn

GRDP quý III/2021 giảm gần 25% và quý IV/2021 tiếp tục giảm hơn 12%. Với một đô thị có hơn 10 triệu người, đóng góp 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP), gần 30% nguồn thu ngân sách, là đầu tàu tăng trưởng của cả khu vực phía Nam, sự sụt giảm này không chỉ mang đến thách thức cho địa phương mà còn đối với nền kinh tế của cả nước. 

Thế nhưng ngay trong quý I/2022 và tháng 4/2022, TP.HCM đã từng bước khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp. Cụ thể, các cấp chính quyền chú trọng đối thoại với doanh nghiệp (DN) để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến trình hồi phục sản xuất kinh doanh của DN.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường chuỗi liên kết giữa các DN nhỏ và vừa, giữa DN nhỏ và vừa với DN FDI, tập đoàn tư nhân lớn dẫn dắt trong chuỗi giá trị... Và nhờ các giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp, nhiều lĩnh vực kinh tế TP.HCM đều có mức tăng trưởng khá.

Cụ thể, GRDP quý I tăng 1,88% so với cùng kỳ. Từ mức giảm sâu ở quý III và quý IV/2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến nay kinh tế thành phố đã đạt mức tăng tưởng dương. Xuất khẩu mặc dù chịu tác động không nhỏ từ Covid-19 và cuộc chiến Nga - Ukraine nhưng vẫn phục hồi mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN TP.HCM qua cửa khẩu cả nước 4 tháng đầu năm đạt 13,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 4 tháng qua đạt 1,28 tỷ USD, tăng 12,18% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 1,04%. Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của khu công nghệ cao đạt 5,147 tỷ USD, tăng 2,26%. Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu cũng tăng 5,39%...

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, có được kết quả trên là nhờ sự điều hành quyết liệt, đồng bộ của UBND TP.HCM, các sở ngành và hệ thống chính trị cùng sự triển khai kịp thời Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và chương trình hành động của các bộ, ngành. Cùng với đó là sự chủ động, năng động, sức bật, tinh thần tiến thủ của người dân, cộng đồng DN tạo nội lực giúp kinh tế TP.HCM phục hồi và phát triển. Kết quả đạt được đã góp phần tạo nên những nền tảng vững chắc, niềm tin cho quá trình khôi phục và phát triển kinh tế của TP.HCM.

Thành phố xác định năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trong đó đặt DN là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, trong năm nay, thành phố tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh, khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp DN tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường với mục tiêu tăng GRDP khoảng 6-6,5%. Và từ năm 2023 sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng bù đắp những tổn thất của cả hai năm 2020-2021, đồng thời phải gắn với chương trình "số hóa" và tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

Trong ba năm (từ năm 2023-2025), thành phố tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh như trung tâm kinh tế, tài chính; trung tâm thương mại - mua sắm; trung tâm dịch vụ logistics; du lịch; trung tâm về đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ; trung tâm dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục; trung tâm văn hóa của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Ông Mãi cho biết, khi xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thành phố giai đoạn 2022-2025, thành phố đã đề ra mục tiêu và quyết sách thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa - dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị, tạo sự đột phá trong việc xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, giữ vững và phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và của cả nước. 

Mục tiêu và hành động đã có nhưng theo TS. Trần Du Lịch, để vực dậy nền kinh tế trong năm 2022, thành phố cần phải tháo gỡ những điểm nghẽn để hấp thụ nhanh và hiệu quả các nguồn vốn, tăng mức đầu tư công như "vốn mồi" để thu hút đầu tư tư nhân, kích thích tổng cầu và hỗ trợ tài chính, tín dụng cho những DN khó khăn về dòng tiền... Đầu tư của Nhà nước trở thành vốn mồi thu hút đầu tư tư nhân, vì thế nếu không có sự đột phá để gỡ những điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư công thì không thể hấp thụ được vốn, kể cả nguồn vốn tư nhân. 

Mục tiêu phục hồi kinh tế năm 2022 với tốc độ tăng GRDP khoảng 6-6,5% và tăng tốc phát triển trong ba năm (2023-2025) để đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 8%/năm trong cả kế hoạch 5 năm 2021-2025 là thách thức lớn của TP.HCM. Cần xác định chất lượng tăng trưởng và gắn chương trình phục hồi kinh tế với các chương trình phát triển đô thị, cải thiện môi trường sống đô thị, chương trình nhà ở đồng thời với việc cải thiện hạ tầng giao thông, kết nối phát triển vùng... để tạo nền tảng phát triển bền vững trong dài hạn là mục tiêu quan trọng nhất đối với TP.HCM trong hiện tại và tương lai. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vực dậy kinh tế TP.HCM: Phải tháo gỡ điểm nghẽn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO