Vì sao ngừng cấp bảo lãnh vay mới cho doanh nghiệp?

Gia Lê| 22/10/2019 01:00

Chính phủ dự kiến sẽ không cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước và nước ngoài, rút vốn được Chính phủ bảo lãnh của các dự án đang triển khai thực hiện tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc đến hạn từ năm 2020.

Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Ảnh: Báo Thanh tra

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Ảnh: Báo Thanh tra

Theo báo cáo mới đây của Chính phủ về tình hình nợ công, Chính phủ dự kiến cuối năm 2019 nợ công ở mức 56,1% GDP, nợ Chính phủ 49,2% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước ước khoảng 19,5-20,5%, nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45,8% GDP, giảm so với mức 46,0% của năm 2018.

Về nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, đến hết tháng 8/2019, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký 1.380 khoản vay nước ngoài và xác nhận hạn mức 5 khoản phát hành trái phiếu quốc tế với tổng kim ngạch vay khoảng 8 tỷ USD và tổng khối lượng phát hành dự kiến là 1,65 tỷ USD.

Ngân hàng nhà nước dự kiến mức rút vốn ròng, vay trả nợ nước ngoài trung và dài hạn của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh năm 2019 khoảng 5,5-6,0 tỷ USD, nằm trong hạn mức được Thủ tướng phê duyệt tối đa là 6,08 tỷ USD.

Link bài viết

Đáng lưu ý, Chính phủ cũng dự kiến không cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước và nước ngoài, rút vốn được Chính phủ bảo lãnh của các dự án đang triển khai thực hiện tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc đến hạn.

Về việc bảo lãnh nợ vay cho doanh nghiệp, vào ngày 9/10/2019, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã ra thông báo đặt mức xếp hạng tín nhiệm phát hành nợ bằng ngoại tệ hoặc tiền đồng của Chính phủ Việt Nam, hiện ở mức Ba3, vào diện xem xét hạ xuống trong vòng ba tháng tới. Theo Moody’s, nguyên nhân của động thái này là những khiếm khuyết về thể chế, liên quan đến những khoản chi trả chậm trễ đối với một nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Trước thông báo trên của Moody’s, Bộ Tài chính đã có ý kiến phản hồi chính thức. Theo đó, nghĩa vụ trả nợ bị chậm thanh toán được Moody’s nhắc tới là nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nợ trực tiếp của Chính phủ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các hãng xếp hạng tín nhiệm trên thế giới, không chỉ Moody’s mà cả Standard & Poor’s đều coi nghĩa vụ nợ dự phòng là một “bộ phận khăng khít” trong sự đánh giá tổng thể tín nhiệm quốc gia của họ, thì việc một quốc gia nếu không trả nợ đúng và đầy đủ một khoản nợ dự phòng phát sinh thành nghĩa vụ thật nào đó, thì sẽ bị đánh giá là vỡ nợ, mất khả năng thanh toán, hoặc không muốn thanh toán.

Thực tế từ trước đến nay, việc bảo lãnh các khoản vay cho doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước) thường không được đánh giá nghiêm túc, bắt nguồn từ quan niệm xem nhẹ trách nhiệm liên quan đến nợ dự phòng, gồm các khoản nợ có bảo lãnh của Chính phủ. Và khi nợ dự phòng thành nợ thật do doanh nghiệp không trả được nợ đúng hạn, các cơ quan thường không có phản ứng phù hợp và kịp thời, dẫn đến việc bị các tổ chức quốc tế đánh giá tiêu cực, mà trường hợp của Moody’s mới đây là minh chứng rõ nhất.

Về cơ bản, việc Chính phủ cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn là để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn có giá trị lớn mà đôi khi các tổ chức tín dụng đòi hỏi việc thu xếp vốn cho các dự án phải có bảo lãnh của Chính phủ. Bên cạnh đó, chi phí của khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ sẽ thấp hơn so với trường hợp doanh nghiệp trực tiếp vay thương mại thông thường.

Tuy nhiên, dù nợ doanh nghiệp tự vay tự trả thuộc nghĩa vụ trực tiếp của doanh nghiệp nhưng nếu doanh nghiệp không trả được, như trường hợp các dự án giấy, xi măng và mới đây là dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, dự án Đạm Ninh Bình thua lỗ vài ngàn tỷ đồng, đều vay vốn của các ngân hàng Trung Quốc và đều có thể chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ.

Chính vì vậy, việc hạn chế dần các nghĩa vụ bảo lãnh của Chính phủ với các khoản vay của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng là điều cần thiết, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, khiến không ít trường hợp sự bảo lãnh đã trở thành nghĩa vụ trả nợ thật, làm tăng gánh nặng lên ngân sách quốc gia và nền kinh tế, cũng như áp lực trả nợ trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao ngừng cấp bảo lãnh vay mới cho doanh nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO