“Vàng trắng” ở Bạc Liêu

ĐẶNG QUÝ YÊN| 05/12/2009 08:20

Người dân Bạc Liêu đang nô nức đầu tư nuôi chim yến trong nhà. Những dự án bạc tỷ đã đi vào hiện thực nhằm biến nghề mới này thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Dự kiến 5 năm nữa, Bạc Liêu sẽ trở thành một “thành phố yến”.

“Vàng trắng”  ở Bạc Liêu

Người dân Bạc Liêu đang nô nức đầu tư nuôi chim yến trong nhà. Những dự án bạc tỷ đã đi vào hiện thực nhằm biến nghề mới này thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Dự kiến 5 năm nữa, Bạc Liêu sẽ trở thành một “thành phố yến”.

Sản vật của trời

“Đầu năm 2004, một đàn yến từ đâu bay về cư ngụ trên tầng nóc của Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu. Chỉ trong một thời gian, đàn yến từ vài chục con đã tăng lên hàng ngàn con” - chị Lệ Minh, cán bộ về hưu của Sở Y tế Bạc Liêu nhớ lại khởi nguồn của nghề nuôi yến ở Bạc Liêu. Không chỉ làm tổ ở tầng áp mái của bệnh viện, yến còn kéo nhau về sống tại trụ sở UBND tỉnh và một vài nhà dân bỏ hoang.

Mô hình nhà nuôi yến tại Bạc Liêu

Ban đầu một số người dân khai thác nguồn yến đó đem bán, xem như “lộc trời”. Được giá, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư cải tạo ngôi nhà mình, đặt máy phát nhái tiếng kêu của yến để chim kéo đến làm tổ. Trong đó, ông Bành Văn Đằng (P.1, thị xã Bạc Liêu) là một trong những điển hình tiên phong khá thành công.

Trên cơ sở nhà có sẵn, vốn đầu tư bỏ ra chỉ gần 80 triệu đồng để mua máy phát tín hiệu âm thanh, máy phun sương để tạo độ ẩm... chỉ sau 6 tháng, người nuôi yến đã có thể khai thác tổ yến thô với giá bán ra thị trường là 1.800USD/kg. Đầu ra của nguồn hàng này hiện nay là thị trường Trung Quốc, Indonesia và Hồng Kông... Ngay cả thị trường trong nước, yến thô cũng đang là thứ hàng cung không đủ cầu.
Lợi nhuận cao nên khai thác tổ yến đang được mệnh danh là nghề săn “vàng trắng”. Theo anh Nguyễn Chí Luận, Giám đốc Công ty Địa ốc Bạc Liêu, hiện chim yến sinh sống tại Bạc Liêu chủ yếu là yến tổ trắng, sống trong điều kiện ánh sáng yếu và độ ẩm cao...

Muốn yến làm tổ trong nhà, sau quá trình khảo sát thực địa và trang bị máy phát âm tạo tiếng kêu dẫn dụ, phải xây dựng một khu nhà có tường kép, bố trí lỗ thông hơi sao cho có thể lấy gió mà không lấy ánh sáng. Đồng thời phải phun hóa chất tạo độ ẩm trên tường gần giống như ở các vách núi. Theo tính toán, đầu tư một căn nhà để thu hút chim yến về làm tổ rộng tối thiểu 32m2, cao 12m hết khoảng 200 triệu đồng.

Làng yến tương lai

Hiện có hàng chục hộ gia đình và DN đang phát triển nuôi yến thành ngành nghề mới của Bạc Liêu. Tỉnh cũng có nhiều chính sách khuyến khích DN tham gia đầu tư. Điển hình là việc giao cho Công ty Hải Yến 4.000m2 đất để đầu tư nuôi chim yến trong nhà. Công ty Địa ốc Bạc Liêu cũng bỏ hơn 7 tỷ đồng mua công nghệ của Malaysia để thực hiện dự án nuôi yến. Phía Malaysia sẽ nhận được 12% lợi nhuận của dự án trong vòng 10 năm.

Nghề mới ở đồng bằng

Không chỉ có Bạc Liêu, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang… cũng bắt đầu rục rịch các dự án nuôi chim yến. Riêng Tiền Giang, có hơn 20 hộ dân tham gia mô hình nuôi yến sào thương phẩm. Đặc biệt, ở Gò Công, ngoài phương pháp dẫn dụ truyền thống, DN còn áp dụng phương pháp nuôi tự nhiên.

“Trong 5 năm nữa, cùng với việc phát triển cảng biển, Bạc Liêu sẽ có làng nuôi yến” - Bà Bùi Hồng Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết. Hiện nay, các ngân hàng cũng đồng ý đầu tư cho DN để nghề nuôi yến trở thành thế mạnh của vùng đất cực Nam này.
Tuy nhiên, xét về khía cạnh bền vững, việc nuôi yến cũng chứa nhiều rủi ro. Nếu chăm sóc không tốt, thiên tai... yến bỏ đi thì DN dễ bị mất trắng.

Cụ thể, mỗi năm, yến sinh sản ba lần, nếu không canh đúng thời điểm lấy tổ, nhằm lúc chim mới đẻ trứng hoặc con vừa mới nở, bị động ổ, yến dễ dàng bỏ đi nơi khác. “Yến kị nhất là cú mèo. Chỉ cần cú mèo xuất hiện ở khu vực xung quanh là yến sẽ bỏ đi. Yến đã bỏ đi thì không quay lại” - ông Chí Luận tiết lộ. Như vậy, nếu không có quy hoạch cụ thể và lâu dài để có thể chuyển đổi công năng sử dụng các công trình khi có sự cố, DN sẽ khó mà chủ động được nguồn vốn của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Vàng trắng” ở Bạc Liêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO