Ước mơ của Xuân và triết lý giáo dục

NGUYỄN ANH ĐỨC| 18/07/2009 09:14

Mùa thi có nhiều câu chuyện cảm động: Thí sinh Bích Thị Xuân nhịn đói ba ngày trong đợt thi khối A; thí sinh Trương Văn Dương mang theo bình nước 5 lít và 5 đòn bánh tét, đạp xe hơn 100km từ Tiền Giang lên trường thi ở đường Hồng Bàng, TP.HCM, ngủ ngoài lề đường...

Ước mơ của Xuân và triết lý giáo dục

Làm sao để sinh viên không bị xếp vào nhóm nghèo của xã hội?

Mùa thi có nhiều câu chuyện cảm động: Thí sinh Bích Thị Xuân nhịn đói ba ngày trong đợt thi khối A; thí sinh Trương Văn Dương mang theo bình nước 5 lít và 5 đòn bánh tét, đạp xe hơn 100km từ Tiền Giang lên trường thi ở đường Hồng Bàng, TP.HCM, ngủ ngoài lề đường...

Những tấm gương hiếu học thời nay như Xuân và Dương thật đáng tuyên dương, nhưng cũng khiến người ta không khỏi bất bình khi nhìn vào hệ thống giáo dục, phúc lợi xã hội mà chúng ta đang duy trì. Chắc chắn còn nhiều bạn học sinh khó khăn như Xuân và Dương, thậm chí còn khó khăn hơn. Nhưng liệu có bao nhiêu em đủ nghị lực vượt qua cái đói, cái nghèo để tới được giảng đường đại học?

Khoảng cách giàu nghèo đang tạo ra những bất bình đẳng trong giáo dục. Đúng là trong hệ thống giáo dục, cơ chế “nhà nước là người chi trả duy nhất” không còn thích hợp nữa. Song, đâu là những giới hạn của chế độ “đa chi trả” và lộ trình thực hiện? Câu hỏi này đã sớm được đặt ra cũng như càng trở nên cấp thiết hơn khi VN tiến đến là một quốc gia có thu nhập trung bình và cần phải tư duy lại về con đường tiến tới an sinh xã hội cùng với những quyết định quan trọng về phân bổ ngân sách nhà nước cho y tế, chăm sóc trẻ em, giáo dục... Nếu nói đến mục tiêu “ai cũng có thể đến trường”, thì ngành giáo dục còn phải trả lời câu hỏi: Làm sao để sinh viên chỉ tập trung học tập tốt, chứ không phải oằn vai với gánh nặng cơm áo gạo tiền.

Trong nhiều năm qua, Nhà nước đã cố gắng tăng liên tục ngân sách cho giáo dục và đào tạo, chiếm đến 20% tổng chi ngân sách và chiếm 9,2% GDP của cả nước. Với nguồn chi ngân sách đó, nếu biết chắt chiu, tính toán, không hoang phí, có lẽ chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện việc miễn học phí đối với các cấp học phổ cập trong hệ thống công lập, đồng thời giảm dần và tiến đến không đóng học phí ở các cấp phổ thông trung học và đại học. Thế nhưng, thay vì nỗ lực thực hiện mục tiêu này, chúng ta lại tìm cách tăng học phí.

Hệ thống giáo dục ở nhiều nước trên thế giới bảo đảm cho mọi người dân đều có cơ hội đến trường. Giáo dục hoàn toàn miễn phí, kể cả chi phí cho sách vở, giấy bút, ăn trưa, chăm sóc y tế, phương tiện đi lại, dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém và giáo dục trẻ em thiểu năng trí tuệ. Đó chính là triết lý giáo dục toàn diện. Nếu so sánh thì sẽ thấy khập khiễng, nhưng rõ ràng ngành giáo dục VN cũng cần phải đặt ra một triết lý, một tư tưởng thật rõ ràng.

Hiện đang có những nghiên cứu mới vấn đề về nghèo đói trong các tầng lớp nhân dân ở cả hai khu vực đô thị và nông thôn. Bên cạnh hướng nghiên cứu truyền thống về nghèo đói kinh tế, người ta đang nghiên cứu thêm về nghèo tri thức và nghèo nhân văn. Hai loại “nghèo” này có thể là hệ lụy trực tiếp từ tình trạng hạn chế các cơ hội trong xã hội mà nhóm nghèo do nguyên nhân kinh tế đang phải gánh chịu.
Bích Thị Xuân ước mơ làm cô giáo và trở về xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận dạy học. Như một hệ lụy dây chuyền: nếu Xuân không thực hiện được ước mơ thì cánh cửa giáo dục cũng sẽ thu hẹp với con em ngôi làng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ước mơ của Xuân và triết lý giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO