Từ vụ Hồ sơ Panama: Lách thuế, trốn thuế, và ranh giới mong manh

P.T (tổng hợp)| 14/05/2016 08:57

Cùng với hồ sơ Panama, danh sách Offshore Leaks tiết lộ thông tin của hơn 100.000 công ty có trụ sở tại các “thiên đường thuế” do người nước ngoài thành lập, trong đó có 189 cái tên có liên quan đến Việt Nam.

Từ vụ Hồ sơ Panama: Lách thuế, trốn thuế, và ranh giới mong manh

Hôm 10/5 (giờ Việt Nam), cùng với việc công khai danh sách hơn 200.000 công ty vỏ bọc ở những “thiên đường thuế” (trong Hồ sơ Panama), Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) cũng đã công bố kết quả cuộc điều tra Offshore Leaks.

Danh sách Offshore Leaks tiết lộ thông tin của hơn 100.000 công ty có trụ sở tại các “thiên đường thuế” do người nước ngoài thành lập, trong đó có 189 cái tên có liên quan đến Việt Nam. Tuy nhiên, bản thân ICIJ cũng đã khẳng định: “Việc thành lập các công ty và quỹ tín thác offshore thường là hợp pháp”.

Offshore là từ chỉ pháp nhân được thành lập tại một nơi nhưng hoạt động kinh doanh ngoài lãnh thổ nơi đăng ký. Những công ty này không có giá trị thế chấp, bởi chỉ có hồ sơ xử lý thông tin nội bộ.

Một số quốc gia/vùng lãnh thổ được gọi là “thiên đường thuế” vì ở đó có chính sách ưu đãi về thuế, như giảm hoặc miễn hoàn toàn. Đây chính là “thiên đường” cho các công ty đa quốc gia khi họ có thể chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty ở quốc gia có mức nộp thuế cao sang đó để được hưởng mức thuế suất thấp hoặc được miễn hoàn toàn.

Theo phân tích của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright: “Thay vì 100 đồng lợi nhuận kiếm được ở Việt Nam, doanh nghiệp sẽ phải nộp 20 đồng thuế; thì nếu 100 đồng đó phát sinh ở Panama thì họ chẳng phải nộp đồng thuế thu nhập nào, hoặc nếu có thì rất ít”. Đây là một cách lách thuế. 

TS. Quách Mạnh Hào - giảng viên ngành tài chính tại Đại học Lincoln (Anh quốc) cũng khẳng định: “Nếu lập ra các công ty vỏ bọc để đầu tư ra nước ngoài, đó là việc hết sức bình thường. Nếu các công ty vỏ bọc đó quay lại nắm giữ các tài sản trong nước, đó là việc không bình thường. Nhưng ngay cả trong tình huống này, nếu họ khai báo thuế và minh bạch giao dịch đầy đủ, thì nó cũng trở thành bình thường”.

Tuy nhiên, “lách thuế” (do doanh nghiệp tận dụng được các khe hở của pháp luật, lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý và các tình huống mà pháp luật chưa dự liệu được trên thực tế) khác hẳn với “trốn thuế” - là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Nguyễn Duy Hùng (đoàn luật sư Hà Nội), nếu các tổ chức, cá nhân có tên trong Hồ sơ Panama lợi dụng chính sách thông thoáng của quốc gia, vùng lãnh thổ đó để tiến hành đầu tư mang tính hình thức, mở công ty nhưng không hoạt động, thuê công ty luật ở các vùng quốc gia, lãnh thổ đó quản lý, nhằm che đậy những hành vi rửa tiền, che giấu tài sản hay những giao dịch bất hợp pháp thì có thể bị điều tra, xem xét mức độ vi phạm để xử lý theo quy định.

Đồng quan điểm với luật sư Hùng, giảng viên kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng cho rằng, đứng ở góc độ pháp luật Việt Nam, chúng ta chỉ có thể xem xét các giao dịch xuyên biên giới của người có tên trong hồ sơ Panama, bao gồm các giao dịch về hàng hóa, dịch vụ và cả tiền tệ (ngoại hối) có được khai báo trung thực, đầy đủ, hợp lệ và minh bạch theo quy định của pháp luật hay không.

Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế các doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện nay việc trốn thuế có xu thế ngày càng gia tăng dưới nhiều hình thức. Vụ Hồ sơ Panama là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với Việt Nam trong việc tăng cường các biện pháp hữu hiệu để phòng chống các hành vi bất hợp pháp.

Theo đó, cần có sự kết hợp đồng bộ các biện pháp, từ khâu rà soát luật pháp, cắt bỏ các ưu đãi thuế không hợp lý, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đồng thời cần tổ chức các lực lượng thực thi đủ mạnh trong bộ máy quản lý như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Đặc biệt, ông Phụng nhấn mạnh tới việc áp dụng cơ chế định giá trước (APA) kết hợp với tận dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để trao đổi thông tin, dữ liệu về doanh nghiệp đầu tư.

>Những điều cần biết về Hồ sơ Panama

>Hồ sơ Panama: Truy đuổi thiên đường thuế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ vụ Hồ sơ Panama: Lách thuế, trốn thuế, và ranh giới mong manh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO