Từ nghề giả đến nghề thật

HOÀI THU| 13/07/2010 00:59

Ở Kiên Giang có một “lái cá” cấp 3 (dân gọi là đầu nậu) được rất nhiều người biết và mến mộ, đó là chị Lê Thị Thuận (tên thân mật là Năm Thuận), cư ngụ tại 328 đường Nguyễn Trung Trực, TP. Rạch Giá.

Từ nghề giả đến nghề thật

Ở Kiên Giang có một “lái cá” cấp 3 (dân gọi là đầu nậu) được rất nhiều người biết và mến mộ, đó là chị Lê Thị Thuận (tên thân mật là Năm Thuận), cư ngụ tại 328 đường Nguyễn Trung Trực, TP. Rạch Giá.

Sinh ra và lớn lên trong vùng giải phóng thuộc Rạch Ông Thần, Mương Củi, xã Sóc Xoài, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, do gia đình quá nghèo nên mới 14 tuổi, Năm Thuận đã biết bơi xuồng đốn củi bán để phụ giúp ba má.

Công việc hàng ngày của chị Năm Thuận

Thấy việc làm của chị thuận lợi cho công tác liên lạc nên năm 17 tuổi, Năm Thuận được lực lượng Giải phóng phân công giả làm người mua bán cá để chuyển thông tin và đưa đón cán bộ cách mạng hoạt động bí mật ở nội thành (thị xã Rạch Giá). Không ngờ, cái “nghề giả” đó sau này giúp Năm Thuận trở thành một đầu nậu cá thành đạt, là người thu mua hải sản lâu năm, có uy tín nhất tại Rạch Giá.

Được tổ chức trang bị chiếc xuồng bơi, mỗi lần sau khi đưa cán bộ vào thị xã Rạch Giá, Năm Thuận tấp vào các vựa mua cá đem bán lẻ để chờ lấy thông tin đối phương hoặc rước người về vùng giải phóng. Cứ thế, Năm Thuận tích lũy được tiền, sắm xuồng có gắn máy Coler để chạy cho lẹ, vừa tiện việc cách mạng, vừa thuận đường mua bán.

Càng về sau, không chỉ làm giao liên, chị còn mua lương thực, thực phẩm, thuốc men tiếp tế cho chiến khu kháng Mỹ và bán ra vùng giải phóng. Từ tiền lời, Năm Thuận thay xuồng máy bằng ghe tam bản. Nhờ thế, việc công việc tư đều thuận lợi, dễ che mắt địch, hàng hóa mua bán nhiều thêm.

Sau ngày giải phóng đất nước (30/4/1975), Năm Thuận tiếp tục mua bán hải sản. Nhưng thời bao cấp, đầu nậu như chị, thậm chí cả người buôn mẹt bán bưng đều bị liệt vào loại... con buôn, luôn bị cho là gian thương, có thể bị “cải tạo” bất cứ lúc nào! Vậy nhưng nghĩ mình chẳng làm gì sai, chẳng bóc lột ai, chị vẫn bôn ba theo đuổi nghề.

Chị Năm Thuận với bạn hàng

Hàng ngày, từ 2 - 3 giờ sáng, chị đã có mặt ở bến cảng Bạch Đằng cân cá bán cho bạn hàng bán lẻ ở các chợ, buổi chiều, đến thu tiền những bạn hàng còn nợ, xem giá lên xuống thế nào để khuya hôm sau tiếp tục mua bán. Nhờ theo sát giá thị trường nên các chủ tàu bán cá cho chị ngày càng nhiều, bạn hàng của chị ngày một đông.

Những ngày tàu không ra khơi đánh bắt hải sản được (do giông bão), không có cá để mua, chị mua bán trái cây, củi, có khi là con ba khía. Nhờ cần cù, chịu khó, đến năm 1988, chị đã sắm được một chiếc tàu để thu mua hải sản ngoài biển, mỗi tháng hai lần, mỗi lần hơn 10 tấn. Dần dần, chị sắm được 6 chiếc tàu thu mua hải sản, trong đó có hai tàu chuyên mua cá nuôi bè giữa biển.

Hỏi chuyện mua bán hải sản, chị Năm Thuận tâm sự: “Tại Kiên Giang, có nhiều tư nhân, doanh nghiệp nhà nước tổ chức đội thu mua hải sản, nhưng có đội hoạt động được một thời gian rồi giải tán. Riêng tôi, tồn tại cho đến ngày nay là do chịu được cực khổ.

Khi nắm được thị trường cá hút, tôi nâng giá mua ngay trên biển, tàu về đến cảng cá Tắc Cậu (cảng cá lớn nhất nước, cách TP. Rạch Giá gần 20km) là bốc cá lên bán lẻ cho bạn hàng liền. Bán lẻ như vậy, một tấn cá lời thêm 2 - 3 triệu đồng. Nếu giao cho vựa cá thì mình không thể có số lời đó.

Chúng tôi rất kỹ lưỡng khâu bảo quản cá ngoài biển, khi vào đất liền cũng chăm chút cẩn thận, cho nên giao cho bạn hàng cá vẫn còn tươi xanh, bán được giá. Quan trọng nhất là bán phải kịp thời điểm, đôi khi chỉ chậm vài tiếng đồng hồ, giá cá có thể rớt, cho nên cứ có người mua là bán, bán sớm để bạn hàng kịp buổi chợ. Chúng tôi cũng thường hướng dẫn cho bạn hàng của mình cách giữ cá sao cho tươi và không bị rách da, để đảm bảo không rớt giá bán lẻ”.

Chị nhớ, trước đây, việc liên lạc từ đất liền với ngoài khơi còn rất khó khăn, nên có khi giá chợ hạ mà không kịp thông tin cho các tàu mua cá, lo mất ăn mất ngủ, vì những lần như thế, bán cả tuần chưa chắc đã hết cá mua được. Bây giờ thì các tàu mua hải sản trên biển của chị thường xuyên được thông báo mức độ hút hàng nên không còn chuyện mua đắt bán rẻ, bán ế.

Cảng cá Tác Cậu, nơi tàu thu mua hải sản trên biển của chị Năm Thuận cập bến, lên hàng

Nhờ vào nghề mua bán cá, chị Lê Thị Thuận - một phụ nữ có công với nước, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, nuôi được bốn con trai trưởng thành, nghề nghiệp ổn định, trong đó có một con theo nghiệp mẹ.

Tuy ngày càng có nhiều thương lái cạnh tranh, chị Năm Thuận vẫn giữ vững được nghề, mỗi năm vẫn lãi vài trăm triệu đồng. Dù công việc kinh doanh tất bật, chị vẫn tham gia công việc từ thiện, mỗi chuyến tàu về chị tặng cá cho bếp ăn của 200 học sinh trường khuyết tật và trẻ mồ côi ở Trung tâm Từ thiện - Xã hội Phật Quang đóng ở xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, và hằng năm, thông qua các chuyến từ thiện, chị tặng khoảng 5 tấn gạo cho người nghèo.

Đã bước vào tuổi già nhưng chị Năm Thuận chưa lúc nào nghỉ ngơi. Chị không ham làm giàu, nhất là khi con cái đã phương trưởng, nhưng nghề lái cá hình như là nghiệp. Như chị nói, mình làm đầu nậu cá còn mang lại lợi ích cho xã hội, ngoài việc góp phần lưu thông hàng hóa còn đóng thuế đầy đủ (chị đã nhiều lần được ngành thuế và UBND tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen do hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ thuế).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ nghề giả đến nghề thật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO