Từ nay đến tết: Không tăng tỉ giá

05/11/2010 08:33

Đó là quyết định của thường trực Chính phủ được ông Lê Đức Thúy - chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - thông báo trong ngày 4/11.

Từ nay đến tết: Không tăng tỉ giá

Đó là quyết định của thường trực Chính phủ được ông Lê Đức Thúy - chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - thông báo trong ngày 4/11.

Diễn biến giá USD trên thị trường tự do trong ngày 4/11

Ngân hàng Nhà nước phải mạnh mẽ bán ngoại tệ cho nhu cầu thiết yếu và để ngân hàng thương mại được quyết định lãi suất huy động giúp hạn chế đầu cơ USD. Sau thông tin này, giá USD đã dịu lại.

Theo ông Lê Đức Thúy, Thường trực Chính phủ đã nghiên cứu kỹ báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tỉ giá và khẳng định đây là vấn đề kinh tế nóng hổi vì giá USD đã tăng liên tục, ngày nào cũng tăng. Trạng thái ngoại hối, ông Thúy cho biết thực tế mấy ngày gần đây nhiều ngân hàng đã ở mức xấp xỉ 0% - tức không còn USD để bán chứ không phải găm giữ.

Nhận định nguyên nhân khiến tỉ giá USD tăng vọt, ông Thúy thừa nhận chính cách điều hành, giải trình “méo mó” đã làm người dân mất lòng tin. “Chỉ trong 15 ngày đầu tháng 10-2010, người dân đã rút 45.000 tỉ đồng, tương đương 2 tỉ USD. Nhiều khả năng số tiền này được đem đi mua USD, vàng khiến tăng căng thẳng” - ông Thúy nói.

Ba giải pháp lớn giữ tỉ giá


VN đang giữ lượng vàng tương đương 40 tỉ USD

Ông Lê Đức Thúy cho biết 20 năm vừa qua, theo Hội đồng Vàng thế giới, số vàng VN nhập vào và còn ở VN khoảng 1.000 tấn, tương đương hơn 40 tỉ USD, nhiều hơn tất cả số ngoại tệ đang gửi trong ngân hàng cộng lượng dự trữ ngoại tệ quốc gia. Nếu không biến nguồn lực trên thành luồng vốn chính thức, nó sẽ tràn sang luồng không chính thức, gây sức ép nền kinh tế.

Trước tình hình căng thẳng ngoại tệ, Thường trực Chính phủ đã quyết định chọn giải pháp có lợi nhất, theo ông Thúy, là không điều chỉnh tỉ giá cho đến Tết Nguyên đán. Lý do, nếu điều chỉnh, lạm phát 2010 khó lòng giữ được dưới 10%. “Thời điểm này điều chỉnh tỉ giá không có lợi, có thể gây tác động xấu dây chuyền dẫn đến không kiểm soát được. VND cũng không yếu đến mức đấy” - ông Thúy nói.

Để giải quyết căng thẳng USD trên thị trường, theo ông Thúy, NHNN đã được chỉ đạo ba giải pháp lớn. Thứ nhất, tăng truyền thông để tăng niềm tin vào chính sách. Thứ hai, NHNN phải can thiệp bán ngoại tệ ra. Trong tháng 9, NHNN đã mua tăng dự trữ ngoại hối được 300 triệu USD, tháng 10 có căng thẳng đã bán 200 triệu USD bình ổn. Mặc dù vậy, ông Thúy cho rằng đó là biện pháp “nhỏ giọt”, chưa đủ mạnh để chặn tâm lý, Chính phủ lần này chủ trương mạnh dạn can thiệp, NHNN phải đáp ứng đủ ngoại tệ cho hoạt động kinh tế cần thiết.

Tuy nhiên, nhu cầu USD cho nhập khẩu ôtô, hàng xa xỉ sẽ không được ưu tiên cung ứng ngoại tệ. Cách cung ứng USD, theo ông Thúy, Thường trực Chính phủ chỉ đạo phải thay đổi, khi có nhu cầu thật sự NHNN phải đáp ứng ngay chứ không xem xét lâu, tạo tâm lý không tốt. Giải pháp thứ ba là yêu cầu NHNN bãi bỏ ngay khuyến nghị giảm lãi suất VND vì tình hình đã thay đổi, lo ngại tăng trưởng không đạt mục tiêu không còn cơ sở.

Để người dân tích cực giữ đồng tiền VN, không chuyển sang mua USD, ông Thúy cho biết NHNN sẽ phải dùng các công cụ thị trường mở như điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn, tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc để điều chỉnh lãi suất VND theo hướng tôn trọng lãi suất thỏa thuận, thực chất là cho phép tăng lãi suất lên. Đề xuất của NHNN tăng lãi suất USD nhằm hạn chế vay bằng ngoại tệ cũng bị đình chỉ vì có thể kích thích người dân chuyển từ VND sang USD rồi gửi ngân hàng.

Đủ khả năng bình ổn

37 lần

Đó là số lần thay đổi giá vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trong ngày 4/11. Đây là con số kỷ lục kể từ trước đến nay. Doanh số giao dịch cũng lên đến 4.000 lượng, gấp 4 lần so với những ngày trước đó. Trong ngày xảy ra “địa chấn” của thị trường vàng 11/11/2009, giá vàng cũng chỉ thay đổi trên 20 lần.

Trước quyết định tung dự trữ USD ra bán để bình ổn tỉ giá, ông Lê Đức Thúy khẳng định NHNN còn đủ lượng dự trữ ngoại hối để kiểm soát tình hình. Ông Thúy công nhận dự trữ ngoại hối quốc gia đã giảm so với mức cao đã từng công bố là 23 tỉ USD.

Tuy nhiên, dự trữ còn lại không phải quá nhỏ. Không tiết lộ con số cụ thể, ông Thúy chỉ nêu: “Dự trữ ngoại hối của VN hiện khoảng 6-7 tuần nhập khẩu. So với một số thời kỳ trước năm 2006 chỉ dự trữ vài trăm triệu USD thì mức dự trữ hiện nay cao hơn nhiều”.

Các yếu tố hỗ trợ giá VND, theo ông Thúy, đang khá mạnh. Xuất khẩu năm nay tăng, dự báo tăng trưởng xuất khẩu 2010 có thể lên tới 23% so với kế hoạch là 18%. Nhập siêu trước dự kiến khoảng 14 tỉ USD, thực tế chỉ khoảng 12-12,5 tỉ USD. Điều này khiến nguồn cung USD sẽ nhiều hơn.

Ông Thúy cho hay trên thế giới, đồng USD đang giảm giá với hầu hết các đồng tiền. “Người ta dự báo với chính sách nới lỏng định lượng, thực chất là phát hành thêm tiền của Mỹ, đồng USD sẽ còn giảm giá 20% nữa” - ông Thúy nói và cho rằng căng thẳng ngoại tệ tại VN sẽ chỉ là nhất thời vì đầu năm nhiều doanh nghiệp tập trung vay USD để tránh lãi suất VND cao, giờ họ phải mua USD trả nợ, nguồn cung tạm thời cạn.

Sản xuất kinh doanh sẽ tăng chi phí

Sau khi thông báo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, ông Lê Đức Thúy đã có trao đổi với báo chí.

* Thưa ông, để tăng giá VND, chủ trương tăng lãi suất liệu có khiến doanh nghiệp thêm khó khăn?

- Việc tôn trọng lãi suất thỏa thuận có thể làm lãi suất VND tăng. Biện pháp này thực chất là thắt chặt tiền tệ, có lợi cho việc chống lạm phát. Theo tính toán của chúng tôi, lạm phát năm nay sẽ trên 8%. Nếu điều hành không tốt có thể còn cao hơn nữa. Theo tôi, mức tăng lãi suất nếu có sẽ không nhiều, lãi suất huy động sẽ khoảng 12-13%/năm, cho vay khoảng 15-17%/năm. Tất nhiên, biện pháp nào cũng có hai mặt. Tăng lãi suất VND sẽ giảm áp lực lên tỉ giá, hạn chế lạm phát nhưng khiến người sản xuất kinh doanh phải tăng chi phí. Nhưng ảnh hưởng chung đến tăng trưởng là không lớn.

* Mục tiêu đợt bình ổn lần này là giữ tỉ giá ở mức bao nhiêu? VN sẽ cầm cự được bao lâu với khả năng dự trữ ngoại tệ có hạn?

- Theo tôi, VN chưa bị động đến mức nói là cầm cự. Với các chỉ số vĩ mô tốt, áp lực tâm lý là tạm thời vì USD đang giảm giá. Hi vọng tỉ giá xuống dưới mức giá trần hiện nay là không thể, nhưng chênh lệch tỉ giá chính thức với tỉ giá thị trường tự do khoảng 1-2% theo tôi là ổn.

* Không điều chỉnh tỉ giá nhưng VN có tính nới rộng biên độ tỉ giá?

- Quan niệm của chúng tôi nếu nới lỏng tỉ giá đã là điều chỉnh. Không điều chỉnh tỉ giá là sẽ không nới biên độ.

* Thưa ông, Chính phủ có kế hoạch khác không nếu thị trường không thay đổi sau bình ổn?

- Tất nhiên là có nghĩ “cách đánh” khác, nhưng chưa thể bộc lộ ý đồ. Thường trực Chính phủ quyết tâm trong năm nay chưa đặt vấn đề tăng tỉ giá. Đến tết luồng ngoại tệ sẽ về nhiều. Nếu biện pháp này đưa ra chưa có tác dụng thì sẽ có biện pháp mới, chưa chắc đã phải điều chỉnh tỉ giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ nay đến tết: Không tăng tỉ giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO