TTCK trước Thông tư 36: Sự tự tin đã trở lại

26/01/2015 03:49

Trước giờ G khi Thông tư 36 bắt đầu có hiệu lực, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có những tín hiệu lạc quan ở phiên cuối tuần vừa rồi, có thể khẳng định thị trường đã tự tin trở lại.

TTCK trước Thông tư 36: Sự tự tin đã trở lại

Còn một tuần nữa là Thông tư 36 có hiệu lực, các khoản cho vay đầu tư chứng khoán sẽ chỉ còn 5% vốn điều lệ, ngân hàng nợ xấu trên 3% không được cho vay. Những lo ngại về hai tuần phục hồi đầu tháng 1 để “chạy” Thông tư cũng không còn.

Điều chỉnh nhẹ, thị trường hết sợ

Nhìn trọn tuần giao dịch vừa qua, VN-Index vẫn kết thúc ở mức 582,38 điểm, tăng 1,3% so với phiên cuối tuần trước đó, tương đương tăng 7,57 điểm. Kết thúc một tuần tăng điểm, nhưng chỉ số giá thực chất vẫn trải qua 6 phiên điều chỉnh, từ mức 580,6 điểm về 569,12 điểm. Vẫn có một nhịp điều chỉnh trước khi thị trường thực sự phục hồi.

Một bất ngờ đã diễn ra đúng vào thời điểm kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng vẫn xác định sẽ áp dụng Thông tư 36 mà không có chỉnh sửa gì cả. Thị trường vẫn đi lên trong sự nghi ngờ lan tràn khắp nơi. Những quan điểm trái ngược nhau, rằng thị trường đã phản ánh xong những áp lực về Thông tư 36, hoặc thị trường tăng do các thế lực thị trường cần “đánh lên” để xả nốt hàng trong vòng 3 tuần trước khi Thông tư có hiệu lực.

>Giữ nguyên lộ trình Thông tư 36

Mức điều chỉnh trong 6 phiên vừa qua dẫn đến sự sụt giảm khoảng 1,98% trên VN-Index. Tuy nhiên cổ phiếu điều chỉnh nhiều hơn, có khoảng 180 cổ phiếu trên hai sàn giảm sâu hơn 2% (mạnh hơn VN-Index). Như vậy một nhịp điều chỉnh đã thực sự diễn ra, nhưng mức độ không lớn.

Thị trường đã có phản ứng điều chỉnh bình thường sau một đợt tăng mạnh hơn là lo ngại những áp lực từ Thông tư 36, và càng không phải lo ngại từ hành động “kéo xả” để “chạy thông tư”.

Một điểm đáng chú ý trong tuần giao dịch vừa rồi, là thanh khoản đột nhiên co hẹp bất thường. Cho đến trước phiên ngày 23/1, quy mô giao dịch trung bình 4 phiên của tuần chỉ là 115,7 triệu cổ phiếu hay 1.718 tỷ đồng mỗi ngày. Đây là mức thanh khoản thực sự thấp vì đã giảm khoảng 27% về khối lượng và 29% về giá trị so với trung bình tuần giữa tháng 1.

Thanh khoản luôn là biểu hiện sự vận động của dòng tiền trên thị trường. Nhà đầu tư đột nhiên thu hẹp hoạt động không bao giờ là ngẫu nhiên. Vẫn tồn tại những nghi ngờ nhất định khi thời điểm hiệu lực của Thông tư 36 đang ngày càng gần. Một tuần giao dịch chậm chạp, thanh khoản thấp đã cho thấy không có áp lực bán “chạy” Thông tư như đồn đoán. Điều này đã dẫn đến một phiên cuối tuần vừa rồi bùng nổ cả về giá lẫn thanh khoản: Sự tự tin đã trở lại.

Rất khó để khẳng định chắc chắn rằng mọi sự chuẩn bị theo yếu cầu của Thông tư 36 đã hoàn tất, nhưng những gì biểu hiện trên thị trường rõ ràng là áp lực bán không nhiều. Nếu quả thực vẫn còn nhu cầu rút vốn thì cũng không quá lớn.

Thị trường đã phải trải qua phần cam go nhất của áp lực rút vốn ngay sau khi Thông tư 36 được ban hành. Việc thay đổi một văn bản pháp lý là điều không hề dễ dàng, nên rất hiếm các tổ chức tự đặt mình vào vị thế rủi ro bằng cách đánh cược vào việc sẽ trì hoãn hoặc sửa đổi Thông tư 36.

Yếu tố chuyên nghiệp của các tổ chức này chính là ở chỗ phải phản ứng trước khi trông chờ vào sự giúp đỡ từ các yếu tố khác. Thị trường đã hứng chịu những đợt bán ra nặng nề trong tháng 12.

Khi giai đoạn khó khăn nhất đã qua, thị trường có thể tự cân bằng. Chỉ còn một tuần nữa là bắt đầu áp dụng Thông tư 36. Có thể nói những đợt bán cuối cùng để đáp ứng tiêu chuẩn này đã xong. Chính vì vậy thị trường nhìn thấy cơ hội khi những rào cản về nguồn cung kỹ thuật đã không còng.

Dòng tiền sẽ luân chuyển

Phiên giao dịch mạnh mẽ cuối tuần chứng kiến sự gia tăng 1,36% trên VN-Index và thanh khoản tăng khoảng 51% cả về giá trị lẫn khối lượng so với bình quân 4 phiên đầu tuần. Đây là sự gia tăng đáng kể đủ tạo nên khác biệt. Nếu như cả 4 phiên liên tục trước đó, nhà đầu tư chỉ bỏ ra trên 1.700 tỷ đồng để giao dịch hàng ngày thì đến phiên cuối tuần đã là gần 2.592 tỷ đồng.

Nếu không có sự tự tin nhất định thì quy mô giao dịch không thể lớn như vậy. Và điều ngược lại cũng đúng: Nếu không có sự thận trọng nhất định thì 4 phiên trước đó thanh khoản không thể thấp như vậy. Càng gần đến ngày Thông tư 36 có hiệu lực, sự tự tin càng lên cao cho thấy ảnh hưởng của sự kiện này càng thấp đi.

Dòng tiền thoát khỏi ảnh hưởng của Thông tư 36 sẽ quan tâm nhiều hơn đến các thông tin khác, mà cụ thể là kết quả kinh doanh quý 4/2014. Sẽ rất khó khẳng định mọi kết quả kinh doanh tốt đều đẩy giá cổ phiếu tăng, vì sự kỳ vọng là khác nhau. Những kết quả kinh doanh phù hợp dự kiến sẽ ít ảnh hưởng mạnh bằng những thông tin đột biến. Do đó dòng tiền sẽ liên tục luân chuyển qua các nhóm cổ phiếu khác nhau.

Các cổ phiếu ngân hàng là tiêu điểm trong 3 tuần qua, thậm chí là cho đến tuần này, giá vẫn tăng tốt. Chính cổ phiếu ngân hàng là động lực đẩy VN-Index vượt qua ngưỡng 580 điểm. Dòng tiền đã tập trung trước hết vào nhóm cổ phiếu này khi kết quả kinh doanh, khả năng giảm nợ xấu được chứng minh bằng con số cụ thể.

Cho đến phiên cuối tuần, vẫn chưa có những dấu hiệu rõ ràng về việc dòng tiền thoát ra khỏi nhóm này vì dòng tiền chốt lời vẫn đang được bù đắp tốt bằng dòng tiền vào mua. Tuy nhiên sẽ không bao giờ dòng tiền vào cân bằng hoặc đủ lớn để đẩy giá lên liên tục.

Hiện tượng chốt lời ở các cổ phiếu ngân hàng đã diễn ra nhiều phiên vừa qua. Giá tăng là trên cơ sở tiền vào mua nhiều hơn tiền rút ra và người bán vẫn lợi dụng giá tăng để thoát hàng tốt hơn. Sự “kiệt sức” chưa được nhìn thấy rõ ràng trong tuần này.

Tuy nhiên không thể phủ nhận hàng trăm tỷ đồng vẫn đang đều đặn thoát ra khỏi cổ phiếu ngân hàng. Dòng tiền này sẽ luân chuyển đi đâu là một câu hỏi lớn. Các nhóm cổ phiếu tiềm năng là bất động sản, chứng khoán và các mã sản xuất cơ bản. Đây là những cổ phiếu chưa tăng nhiều và có mức thanh khoản đủ lớn để thu hút dòng tiền mạnh.

>Chứng khoán Việt Nam trong top 5 thế giới
>10 "điểm mù" trong đầu tư chứng khoán
>Hồi ức của một nhà đầu tư chứng khoán

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TTCK trước Thông tư 36: Sự tự tin đã trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO