Trục lợi trên mạng xã hội, doanh nghiệp tự bảo vệ ra sao?

Lữ Ý Nhi| 16/12/2019 08:18

Nạn vu khống, trục lợi trên mạng xã hội (MXH) đang lan tràn như một bệnh dịch, gây nhiều tổn thương, tổn thất cho các cá nhân và cộng đồng. Đặc biệt đối với doanh nghiệp (DN), hậu quả sẽ rất lớn cả về thương hiệu cũng như công việc kinh doanh.

Trục lợi trên mạng xã hội, doanh nghiệp tự bảo vệ ra sao?

Một cách vô ý thức hoặc có chủ đích, những phát ngôn trên MXH gây ra những tác hại khôn lường từ tổn thất vật chất, tổn thương tinh thần, cho đến tổn hại cuộc sống cá nhân, hoạt động DN, kiềm hãm sự phát triển của nhận thức văn minh hoặc tệ hơn, có thể gây ngộ nhận dẫn đến phát triển sai lệch trong hành vi lối sống cộng đồng.

Một câu nói, dù được phát biểu dưới bất kỳ hình thức nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thể hiện một biểu cảm, một quan điểm xã hội nào, bởi bất kỳ vai trò vị trí nào trong xã hội, nếu ẩn đằng sau là mục đích vu khống trục lợi, thì đều gây ra những tác hại khôn lường. Đó là một hành vi đi ngược lại sự phát triển lành mạnh của một xã hội văn minh, một cộng đồng nhân bản.

Thông tin tại hội thảo “Doanh nghiệp nói không với vu khống trục lợi mạng xã hội” do Công ty CP SPARKLING cùng báo Người Lao động tổ chức, ước tính đến nay tại Việt Nam có khoảng 62 triệu người dùng Facebook. Người Việt Nam không chỉ sử dụng Facebook, mà còn ưa thích các MXH có xuất xứ từ nước ngoài và trong nước như: Youtube, Instagram, Zalo, Mocha...  

Ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho biết, hiện nay, khối DN và Nhà nước bị vu khống và bị tin giả nhiều nhất. Nguy hiểm nhất là người đọc không biết được mình đang đọc tin giả, nên lan truyền nhanh do tốc độ MXH gây sự ảnh hưởng tới DN và Nhà nước. Chẳng hạn như Saigon Co.op có sử dụng một trang fanpage để tuyển dụng, mục đích muốn lan truyền thông tin tuyển dụng nhân sự, tốt cho hệ thống siêu thị của mình, lập tức rất nhiều trang facebook giả thông tin, thu phí ứng viên khiến họ quay lại phản ứng DN. Tuy nhiên, DN vẫn hỗ trợ các thiệt hại cho những ứng viên này, còn thực tế họ bị đối tượng khác lừa tiền. 

Bà Trương Thị Hòa, Luật sư - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng chia sẻ thực tiễn: "Trong thời đại kết nối và thông tin này, người ta lợi dụng sự kết nối mở rộng truyền thông tin nhanh để vu khống và trục lợi. Có rất nhiều cách nên người ta tự vu khống về mình để rồi tạo nên khoản lợi lớn cho người ta. Hiện, việc xử lý hành vi vu khống người khác còn có luật, nhưng xử lý hành vi tự vu khống, đánh bóng bản thân mưu cầu trục lợi thì chưa có luật". Bà Hòa cũng đưa ra kiến nghị, “DN phải tự bảo vệ” nhưng DN phải có phương pháp để rà soát các thông tin hàng ngày xem mình có bị vu khống trên MXH hay không. Cần nỗ lực xây dựng văn hóa DN để có sức mạnh từ trong mỗi bản thân DN. 

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM cũng chia sẻ ý kiến: “MXH rất có lợi cho mọi người nhưng cái hại cũng lớn. Bây giờ chỉ cần vào Google gõ  “Con Cưng” thì sẽ thấy mười mấy triệu địa chỉ dẫn đến chỗ Con Cưng bán hàng giả, mà rõ ràng người ta đâu có phải sai. Như vậy, có những yếu tố cạnh tranh không lành mạnh và đơn vị này đã  bị thiệt hại lên tới 2 tỷ đồng. Vì vậy,  DN có thể nhờ những cơ quan pháp luật để giải quyết những chuyện vu khống trục lợi này. 

Ngoài chuyện cạnh tranh, còn có việc vu khống hay nói xấu dèm pha lẫn nhau. Do đó, các DN cần phải bảo vệ mình trước và phải lấy ngay bằng chứng đó để đi kiện. Hiện, chúng ta đang có chế định là Thừa phát lại. DN nhờ Thừa phát lại lập vi bằng sự vụ đó xem như bằng chứng. Tuy nhiên, cái khó là nếu DN không tính được thiệt hại thì làm sao bồi thường thiệt hại. 

Ông Từ Lương - Phó GĐ Sở TT&TT TP.HCM cũng cho biết: Chúng tôi thường xuyên nhận được đơn thư phản ánh tố cáo, khiếu nại của các nhóm sau: Số một là nhóm bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám tư nhân, tiếp theo là nhóm bất động sản và tranh chấp dân sự khác. Nhiều người thường gửi đơn tố cáo đầu tiên đến công an, nhưng công an không có chức năng giải quyết những vấn đề như vậy. Khi nhận được những phản ánh này, chúng tôi xử lý rất nhanh, giao cho Thanh tra sở, mời đơn vị lên, nếu thấy vấn đề hành chính thì chúng tôi xử lý hành chính. Đơn vị khi bị nói xấu vu khống trên mạng, bị khách thể xâm phạm, chủ thể hoàn toàn có thể đưa ra tòa và công khai xử lý, lúc đó bao nhiêu thiệt hại sẽ được tòa kết luận. Thời gian tới, Bộ TT&TT chỉ đạo quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo TP.HCM là không quan liêu thỏa hiệp và không cho phép làm ngơ với vi phạm công khai trên mạng. 

Chia sẻ kinh nghiệm tại một số nước, ông Willson Tang, Giám đốc vùng tại Singapore trực thuộc Công ty CP Thương mại cho biết, tại mỗi quốc gia và cộng đồng sẽ có những văn hóa riêng, tùy thuộc vào văn hóa của xã hội và của quốc gia đó để đưa ra những giải pháp riêng biệt, sẽ không có giải pháp nào cho tất cả các trường hợp, chúng ta sẽ dựa trên những giải pháp 5C để xây dựng lại những giải pháp riêng biệt cho từng trường hợp cụ thể. Ngày 11/11/2019, Thái Lan chính thức công bố và ra mắt trung tâm phòng chống thông tin giả, được Chính phủ Thái Lan thành lập bởi 5 thành phần: Cơ quan nhà nước, DN nhà nước, Hội nhà báo Thái Lan, trường đại học, nhóm quân đội công an. Trong tổ chức này được nhà nước Thái Lan yêu cầu mỗi cơ quan nhà nước nói trên phải cử tối thiểu 3 người để mục tiêu là trong vòng 2h khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật phải đưa thông tin xác thực được bởi cơ quan nào đó, đưa sang 1 trang web khác, công bố thông tin liên quan đến kinh tế xã hội, văn hóa, giáo dục. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trục lợi trên mạng xã hội, doanh nghiệp tự bảo vệ ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO