Trên trăm "mối ruột"

PHƯỚC HƯNG| 17/07/2010 09:51

Có thể nói không quá rằng, ở đâu thu hoạch dưa hấu thì nơi đó có vợ chồng ông Phan Văn Bảo và bà Mai Ngọc Đào (thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, Hậu Giang).

Trên trăm

Có thể nói không quá rằng, ở đâu thu hoạch dưa hấu thì nơi đó có vợ chồng ông Phan Văn Bảo và bà Mai Ngọc Đào (thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, Hậu Giang). Hai vợ chồng họ chia nhau, khi ông Bảo thu mua dưa ở vùng Châu Đốc thì bà Đào ở Trà Vinh, khi ông ở Long An thì bà ở Tây Ninh… Cứ thế, nhiều lúc vài tháng họ chưa gặp nhau.

Tôi theo bà Đào mua dưa hấu ở ấp An Bình, Kế Sách, trong lúc chờ chuyển dưa từ ruộng ra bãi đậu xe, với nụ cười thật hiền, bà kể cách mà vợ chồng bà trở thành lái dưa khắp miền Tây và miền Đông Nam bộ.

Năm 1978, sản nghiệp của vợ chồng bà là một lò đường thủ công ở vàm Cái Cao, quần quật suốt năm mà chẳng khá lên nổi. Thời đó, mía thường thất thu, lò đường bữa làm năm ba bữa nghỉ, với lại, do bao cấp, làm ra đường, có khi buộc phải “bán như cho” thương nghiệp quốc doanh. Năm 1987, vợ chồng bà quyết định sang lại lò đường, tìm nghề khác.

Không dễ có nghề mới, nhưng hai vợ chồng là người năng nổ, họ quyết định mua ghe làm kiếp thương hồ bán hàng bông. Cuộc sống lênh đênh sông nước, mua hàng xứ này bán xứ khác, nghề dạy nghề, rồi họ quen biết nhiều mối lái, chủ ruộng, chủ rẫy. Do từng trải, họ nhìn mặt hàng biết lời nhiều, lời ít, khó bán, dễ bán, dễ bảo quản hay dễ hư hao.

Bước ngoặt là thấy trong những dịp Tết, dưa hấu là loại bán chạy, dễ kiếm lời, năm 2002, vợ chồng bà Đào quyết định bán ghe, giã từ kiếp thương hồ, chuyển sang mua bán dưa hấu bằng đường bộ.

Gần 20 năm trong nghề lái dưa hấu, ông bà có hơn một trăm chủ dưa là “mối ruột”, từ An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, đến Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh... Khi dưa sắp thu hoạch, chủ các vườn dưa chỉ cần nhấc máy a lô là vợ chồng ông đến, không sợ dưa bị ứ đọng.

Ông Bảo thường mua dưa xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch ở biên giới phía Bắc. Bà Đào thường mua dưa đưa lên TP. Hồ Chí Minh. Nếu tính lượng dưa của nông dân mà ông bà mua cung cấp cho các nơi thì không thể nào nhớ nổi. Trung bình mỗi ngày giao hàng xong, vợ chồng ông bà có thể lời khoảng 10 triệu đồng.

Có số lời khá như vậy, một phần do vợ chồng ông Bảo mua dưa không qua trung gian là người mua đám, mua vạt, mà mua trực tiếp tại ruộng, rẫy của người trồng.

Trước ngày thu hoạch, vợ chồng ông đi thăm ruộng dưa để đánh giá chất lượng. Với đôi mắt tinh tường, qua màu sắc trái dưa, âm thanh phát ra khi gõ vào trái dưa là họ biết dưa sống, dưa chín hay dưa bầm ruột, xốp ruột.

 Vợ chồng ông bà thuộc nằm lòng từng vùng đất cho trái dưa có chất lượng cao, như đất Long An nhiều kali cho dưa ruột chắc, ngọt, bán được giá cao. Đất Tây Ninh (vùng Cà Tum) pha cát, mưa dầm dưa cũng không bị thúi ruột. Loại dưa thành long trồng ở biển Ba Động (Trà Vinh) để lâu không sợ hư...

Với những hộ trồng dưa ít vốn, vợ chồng ông bà thường cho ứng trước hạt giống, màng phủ, phân bón, thuốc trừ sâu, trung bình mỗi ha vài chục triệu đồng, khi thu hoạch, trừ tiền ấy vào giá bán. Nhờ thế, giữa người làm ra sản phẩm và người tiêu thụ sản phẩm đó ngày càng gắn bó hơn.

Lau mồ hôi trên trán, bà Đào nói: “Nông dân trồng dưa lúc này nắm rất vững kỹ thuật, biết cắt chèo, sửa nụ cho dây ra trái lớn, biết cho phân, thuốc đúng cách, đúng định kỳ, nên chất lượng trái dưa rất cao”.

Về khâu lưu thông dưa, ông Bảo cho biết:

“Dưa chở ra biên giới phía Bắc không được phép quá 5 ngày, kể từ ngày hái, nếu vì lý do gì đó mà bị trễ, dưa sẽ hư thúi do hầm, nóng. Tôi hợp đồng với chủ xe, nếu dưa ra đến cửa khẩu Lạng Sơn mà quá 72 tiếng đồng hồ, họ phải thường theo thương lượng. Rủi ro nhất là chở ra Bắc, nếu gặp rét không bán được, dưa hư, có khi lỗ nguyên xe.

Vì vậy, trước lúc chuyển dưa đi, phải theo dõi thời tiết hai, ba ngày sau. Vấn đề tiền bạc thì bạn hàng của vợ chồng tôi rất uy tín, hàng giao xong, một hai ngày sau tiền chuyển vào theo bưu điện hay ngân hàng. Vợ chồng tôi buôn có hội, bán có thuyền như thế, nên không ai chèn ép được, cũng không ai có thể tranh mua, tranh bán.

Nhiều gia đình trồng dưa hợp tác với vợ chồng tôi, luôn có cuộc sống ổn định, còn gia đình chúng tôi thì ngày một khá hơn, hiện nay có 10 công đất, mở bãi bán vật liệu xây dựng, có xe cần cẩu, nhà cửa đầ đủ tiện nghi”.

Tôi còn biết thêm, hạnh phúc nhất cùa ông bà Phan Văn Bảo và Mai Ngọc Đào sau bao năm bôn ba làm lái dưa là bốn đứa con thành đạt, trong đó có một đang học đại học, một là sĩ quan cảnh sát. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trên trăm "mối ruột"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO