TP.HCM: Ưu tiên chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

HT| 20/12/2021 00:24

Là đầu tàu kinh tế với những tiềm năng phát triển nông nghiệp chưa tận dụng hết, TP.HCM ưu tiên chuyển đổi số trong nông nghiệp ngay thời điểm này để không tụt hậu.

TP.HCM: Ưu tiên chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp sẽ khắc phục được điểm yếu cố hữu là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết với thị trường tiêu thụ; tăng giá trị sản phẩm và đem về lợi nhuận cao. Nếu trước đây, nâng cao giá trị nông nghiệp bằng sản lượng được xem là chìa khóa thành công thì nay cách làm này đã lỗi thời. 

Hãy bắt đầu bằng câu chuyện Việt Nam có nhiều nông sản đang đạt sản lượng đứng ở tốp đầu thế giới như lúa gạo, cà phê… Thế nhưng, tính về giá trị trên cùng một khối lượng, năng suất trên một đơn vị sản xuất thì vị trí xếp hạng của Việt Nam lại tụt rất xa. So sánh với nông sản cùng loại của các nước, giá trị hàng Việt Nam cũng còn kém xa. Nhìn qua các nước có sự tương đồng, hiện nay ưu tiên hàng đầu của họ chính là chuyển đổi số. Không đặt nặng chuyện số lượng mà phải biết được giá trị nông nghiệp ở đâu, cần làm gì và tận dụng sức mạnh sẵn có như thế nào.

Ngành nông nghiệp TP.HCM đang chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại khi ứng dụng Internet để thu thập các dữ liệu, sử dụng phần mềm quản trị vườn trồng hoặc tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…). Trong đó, ngành trồng trọt đã sử dụng các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy xuất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Ngành chăn nuôi ứng dụng công nghệ blockchain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn... Một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin vào điều hành sản xuất, phân phối cũng như tiêu thụ sản phẩm.

TP.HCM đã hình thành Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao hoạt động bước đầu có hiệu quả. Thành phố có thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lớn, nhất là các sản phẩm có giá trị và chất lượng cao từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có khả năng về nguồn lực đầu tư của xã hội cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Năng suất lao động khu vực nông nghiệp ở TP.HCM tăng bình quân 21,1%/năm. TP HCM đã ban hành danh mục các sản phẩm chủ lực và tiềm năng của ngành nông nghiệp… Việc TP.HCM hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao với quy mô sản xuất lớn, hiện đại và chất lượng là điều tất yếu.

Nông nghiệp số là sử dụng các công cụ thu thập, lưu trữ, phân tích và chia sẻ dữ liệu hoặc thông tin trong chuỗi giá trị nông sản trước, trong và sau khi sản xuất tại trang trại. Do đó, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trước hết phải dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu lớn như đất đai, môi trường, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thời tiết, tự động hóa môi trường sản xuất - kinh doanh, thương mại điện tử, quản lý quy hoạch và dự báo, cảnh báo thị trường...

Thực tế, ở các quận, huyện của TP.HCM, nông nghiệp, nông thôn hiện vẫn chưa có nền tảng số. Chuỗi kết nối số thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất; thiếu kết nối, chia sẻ thông tin ở các khâu của quá trình sản xuất, quản trị, logistics, thương mại nông sản.

Như vậy, cần phải thực hiện theo lộ trình, có tính đồng bộ và nhất quán để tiết kiệm chi phí, tránh lãng phí và mất thời gian. Chuyển đổi số nông nghiệp ở TP.HCM cần thực hiện ngay ở các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp ở những mặt hàng có tính thế mạnh, cạnh tranh cao và ít rủi ro. Đẩy mạnh sử dụng robot, máy bay không người lái, giám sát cây trồng từ xa và tự động hóa trong lĩnh vực nông nghiệp. Chuyển đổi số trồng trọt, chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc, kiểm tra thời gian canh tác…

Dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình số hóa do người tiêu dùng phải thay đổi thói quen và sử dụng thương mại điện tử. Từ đó, nông dân phải đưa hàng hóa lên sàn và tham gia số hóa sản phẩm. Cần chuẩn hóa và tự động hóa quy trình sản xuất - kinh doanh nông nghiệp; tự động hóa, cơ giới hóa sản xuất, quy trình quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm hướng đến nền nông nghiệp được cơ giới hóa đồng bộ. Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số tạo nên mô hình nông thôn thông minh.

Khó khăn hiện nay là trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Do đó, cần đào tạo kỹ năng số cho nông dân áp dụng trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo, đẩy mạnh triển khai thương mại điện tử trong nông nghiệp.

TP.HCM cần tập trung thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, coi đây là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho việc tăng trưởng, phát triển ngành. Trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu, minh bạch thông tin, có trách nhiệm với người sản xuất, với người tiêu dùng, để TP.HCM xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM: Ưu tiên chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO