TP.HCM: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, “thúc” kinh tế tăng trưởng 5%

H.Anh| 23/07/2020 06:18

Để phục hồi kinh tế, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh công việc quan trọng nhất hiện nay với sở, ngành, quận, huyện là hỗ trợ doanh nghiệp (DN).

Sáng nay 23/7/2020, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 trên địa bàn TP.HCM. 

Toa-n-ca-nh-phie-n-ho-p-2835-1595495020.

Toàn cảnh phiên họp

Dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh đến tăng trưởng GRDP

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tại TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2020, ước tăng khoảng 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,86%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 615.000 tỷ đồng (giảm 3,7% so với cùng kỳ; cùng kỳ tăng 12,2%). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch thành phố chịu những tác động nghiêm trọng, trực tiếp đến nhiều DN và người lao động trong lĩnh vực này. Trong 6 tháng đầu năm, du khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt 1,3 triệu lượt người (giảm 70%); tổng doanh thu ước đạt 28.400 tỷ đồng (giảm 58%).

Tính đến hết ngày 30/6/2020, thu ngân sách đạt 164.000 tỷ đồng, đạt 40,21% so với dự toán. Khối lượng đầu tư công được giải ngân trên thực tế đạt 9.917 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 20,7 tỷ USD. Ngành hàng dịch vụ vẫn duy trì tốc độ tăng cao, dịch vụ y tế tăng 11,56%, tài chính ngân hàng tăng 7,82%, khoa học công nghệ tăng 7,13%, thông tin truyền thông tăng 7,26% so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM có hơn 18.000 doanh nghiệp được cấp phép thành lập với tổng số vốn đăng ký là hơn 246.000 tỷ đồng. Tính chung tổng đăng ký và bổ sung là hơn 438.000 tỷ đồng, chỉ giảm 3% so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, có hai lý do khiến GRDP của Thành phố chỉ tăng 2%. Thứ nhất, lĩnh vực dịch vụ chiếm hơn 60% trong cơ cấu tổng sản phẩm xã hội trong khi dịch bệnh vừa qua lại tác động mạnh nhất đến các ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch, lưu trú, khách sạn. Năm 2019, TP.HCM đón 8,6 triệu khách du lịch nước ngoài. Tính trung bình thời gian lưu trú mỗi người 3,5 ngày, mỗi ngày tiêu 145-150 USD. Chỉ tính riêng khoản này đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế thành phố và từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng chung.

Nguyên nhân thứ hai là dù lượng doanh nghiệp của Thành phố chiếm hơn 50% doanh nghiệp cả nước, số doanh nghiệp nhỏ và vừa lại chiếm tới hơn 90%, doanh nghiệp có vốn kinh doanh 100 tỷ đồng trở lên chỉ chiếm hơn 2%. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất dễ bị gãy đổ do Covid-19.

Số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ cao, vốn sản xuất kinh doanh hạn chế nên không chủ động nguồn nguyên liệu trước những biến động của thị trường dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Lĩnh vực dịch vụ giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngoài ra, tình hình xuất khẩu gặp khó khăn; thị trường xuất khẩu thu hẹp, nhất là các thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản đang chịu tác động mạnh mẽ từ dịch bệnh Covid-19.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đặt mục tiêu tăng trưởng 5% 

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ của TP.HCM từ nay đến cuối năm 2020 là “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch Covid-19, không chủ quan và không để dịch bùng phát trở lại; vừa phục hồi kinh tế sau dịch. 

ông Nguyễn Thành Phong nhận định: “TPHCM nỗ lực cao nhất mới có thể đạt mức tăng trưởng 5%, rất khó có thể duy trì tỷ lệ như dự kiến ban đầu là tăng trưởng hơn 8%”.

Ông Nguyễn Thành Phong nhận định: “TP.HCM nỗ lực cao nhất mới có thể đạt mức tăng trưởng 5%, rất khó có thể duy trì tỷ lệ như dự kiến ban đầu là tăng trưởng hơn 8%"

Theo ông Phong, TP.HCM không hy vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng như dự báo ban đầu là 8,3-8,5%/năm. Nhưng bằng mọi giải pháp, Thành phố phải hướng đến kịch bản tăng trưởng cao nhất là 5%. Để phục hồi kinh tế, ông Phong nhấn mạnh công việc quan trọng nhất hiện nay với sở, ngành, quận, huyện là hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2020, Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, thường trực là Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM phải đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thật hiệu quả theo từng giai đoạn, từng tháng, từng quý; Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Ban quản lý Các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.HCM, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM nắm sát, dự báo tình hình doanh nghiệp ngừng hoạt động, bao nhiêu người lao động mất việc, từ đó có giải pháp hỗ trợ, không để doanh nghiệp ngưng hoạt động. Từng quận, huyện nên gặp gỡ, trực tiếp trao đổi với doanh nghiệp xem các doanh nghiệp có khó khăn cụ thể ra sao, từ đó quyết liệt đưa ra giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Công Thương duy trì các giải pháp đề ra để hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch và đề xuất các biện pháp mới theo từng giai đoạn; dự báo số doanh nghiệp phải ngưng hoạt động do mất đơn hàng, số lao động mất việc... Còn Chủ tịch các quận, huyện phải nắm được các khó khăn của các hộ doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn trong thẩm quyền hoặc báo cáo Thành phố giải quyết.

Cùng với các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Phong cho rằng trong giai đoạn hiện nay, đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng vì ảnh hưởng đến tổng cầu và sẽ tác động lên tăng trưởng của kinh tế thành phố. 

Do đó, ông Phong yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi sát, nếu cần thiết điều chuyển vốn cho các dự án có khả năng giải ngân cao. Theo đó, trước ngày 15/10/2020, tỷ lệ giải ngân đầu tư công các đơn vị bình quân phải trên 80% và cuối năm phải đạt 95%. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, “thúc” kinh tế tăng trưởng 5%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO