TP.HCM tăng nguồn thịt heo nhập

Hồng Nga| 23/07/2019 05:26

Trước tình trạng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo doanh nghiệp tăng dự trữ, ổn định nguồn heo thịt và cần thiết có thể tăng cường nhập khẩu từ các nước.

TP.HCM tăng nguồn thịt heo nhập

Chia sẻ tại cuộc họp thường kỳ của Sở Công Thương trong ngày 22/7/2019, ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM cho biết, TP.HCM đã có biện pháp để giảm phụ thuộc vào nguồn cung thịt heo trong nước như tăng cường thịt heo nhập khẩu, doanh nghiệp dự trữ hoặc tìm nguồn cung thay thế. Các biện pháp này nhằm đối phó với tình trạng giá thịt heo có thể tăng mạnh trong những tháng cuối năm. 

Đánh giá của các cơ quan chức năng cho rằng, nguồn cung thịt heo trong nước sẽ thiếu hụt do dịch tả heo châu Phi vẫn diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Sở Công Thương TP.HCM kiến nghị tăng cường nguồn thịt nhập khẩu để thay thế nguồn thiếu hụt trong nước để đảm bảo ổn định thị trường. Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp chủ lực của Thành phố như Vissan, San Hà, Ba Huân, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn chủ động dự trữ thịt heo, kết hợp với nông dân tái đàn để tăng nguồn cung ứng cho thị trường Thành phố vào cuối năm. 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc An - Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá cả thị trường, Công ty đã chủ động dự trữ thịt heo nhập khẩu, tăng nguồn cung hàng trong thời gian tới để phòng khi dịch tả lan rộng, nguồn heo trở nên khan hiếm, giá cả bị đẩy lên quá cao. 

Thực ra, thịt heo nhập khẩu từ các nước về Việt Nam đã tăng mạnh kể từ khi bệnh dịch diễn ra. Trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu 19.000 tấn thịt heo, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Riêng tại TP.HCM, nguồn heo nhập khẩu từ các nước đã tăng 6-7 lần so với năm 2018. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, có gần 6.000 tấn heo thịt với kim ngạch 10,29 triệu USD đã được nhập khẩu vào các cửa khẩu TP.HCM. Số lượng thịt nhập khẩu đã tăng đến gần 4.800 tấn và gần 8,1 triệu USD so với 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó, nhiều nhất là nguồn cung đến từ Brazil, Mỹ, Ba Lan, Hà Lan…

Sở dĩ tình trạng nhập khẩu tăng mạnh vì dịch bệnh đã khiến nguồn cung trong nước sụt giảm mạnh, giá heo hơi trong nước tăng cao. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2018, Việt Nam mở cửa thị trường đối với thịt heo từ các quốc gia Nam Mỹ nên lượng heo thịt nhập khẩu từ khu vực này, đặc biệt là từ Brazil tăng mạnh. Hầu hết doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo để chế biến thực phẩm như giò, chả, xúc xích… Một số ít thịt heo nhập được bán ra thị trường thông qua các hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tươi sống.

Lâu nay, nguồn thịt heo nhập khẩu cao cấp phục vụ các nhà hàng khách sạn, thịt heo bình dân được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm… Ba Lan, Mỹ và Brazil là ba quốc gia cung cấp nguồn thịt heo cho thị trường phía Nam. Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có 24 quốc gia (Australia, Bỉ, Áo, Brazil, Canada, Pháp, Ba Lan, New Zealand, Tây Ban Nha, Mỹ…) đủ điều kiện xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt vào Việt Nam. 

Từ đầu năm đến nay, dịch tả heo châu Phi đã tác động mạnh đến ngành chăn nuôi trong nước. Cụ thể, nguồn cung heo giảm kéo theo nhu cầu thị trường đi xuống. Theo các chuyên gia, với tình hình dịch tả heo châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, việc nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng từ đây đến cuối năm. Điều này sẽ khiến heo trong nước khó cạnh tranh vì giá bán thịt trong nước luôn cao hơn 20% so với thịt nhập khẩu. 

Không chỉ vậy, việc tăng nguồn cung nhập khẩu sẽ tác động không nhỏ đến ngành chăn nuôi nếu không có những tính toán cẩn thận. Bởi theo chia sẻ của ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai với báo giới, chưa chắc 100% lượng heo nhập khẩu đều an toàn khi khâu kiểm tra của Việt Nam vẫn còn yếu và chưa chặt chẽ. Hằng ngày, ở nhiều nơi vẫn phát hiện nguồn heo nhập khẩu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém. Nếu không có giải pháp chặt chẽ, Việt Nam có thể bị biến thành bãi rác của các loại thịt thải loại. Và, thịt nhập tràn về Việt Nam có thể “bóp nghẹt” ngành chăn nuôi trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM tăng nguồn thịt heo nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO