TP.HCM tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm

HT| 30/09/2020 04:10

Với mục tiêu “Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn trên địa bàn thành phố”, trong 9 tháng đầu năm 2020, các sở - ban - ngành, UBND 24 quận - huyện và các đoàn thể đã triển khai phối hợp đồng bộ công tác quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).

TP.HCM tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm

Báo cáo số 1881 của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP TP.HCM cho biết, Thành phố đã triển khai quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động cải cách hành chính và tăng cường tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn các thông tin về thực phẩm an toàn, xây dựng và triển khai thực hiện các dự án, đề án, chương trình đảm bảo ATTP.

Trong đó, đến nay Ban Quản lý Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã cấp 493 giấy chứng nhận cho 368 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi với tổng sản lượng hơn 231.503 tấn/năm.

Tiếp tục triển khai và phát triển “Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm”, đặc biệt tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc truy xuất nguồn gốc. Theo đó, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn thành phố với 83.717 bản chính, 118.963 bản sao, số tiền thu được hơn 9 tỷ đồng; tiếp nhận và giải quyết 220/228 hồ sơ cấp mã code (08 cơ sở xin rút hồ sơ).

Nhằm xây dựng và phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP, Ban Quản lý ATTP triển khai xây dựng “Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” và tổ chức tập huấn công tác đảm bảo ATTP tại chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.

TP.HCM đã cấp 41.781 các loại giấy chứng nhận liên quan ATTP. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã tiếp nhận và hướng dẫn 1.378 cuộc gọi chủ yếu là thủ tục hành chính từ đường dây nóng. Bên cạnh đó, Thành phố cũng tập trung xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, sinh động kết hợp với tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt nhắm đến 4 đối tượng chính trong chiến dịch truyền thông là người nội trợ; người trực tiếp chọn mua, chế biến thực phẩm cho gia đình; người tiêu dùng thực phẩm, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chính quyền các cấp, các nhà quản lý.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2020, Thành phố đã thanh tra, kiểm tra 37.398 cơ sở, trường hợp; phát hiện vi phạm 3.653 cơ sở, trường hợp (9,77%), phạt tiền 1.196 cơ sở với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng. Ngoài ra, trong tình hình dịch Covid-19 , Thành phố ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch để kiểm tra, đánh giá hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Thành phố cũng triển khai công tác giám sát lấy mẫu; công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ và rộng khắp nhằm kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Báo cáo của Ban Quản lý ATTP TP.HCM cũng nêu ra một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và tồn tại của hệ thống sản xuất, kinh doanh về quy mô, chất lượng... Trong đó, tình trạng sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, chất phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn còn tồn tại.

Trên cơ sở đó, thời gian tới, Ban Quản lý ATTP TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân về phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ATTP hằng ngày; duy trì xây dựng và triển khai các đề án, dự án đảm bảo ATTP; giám sát mối nguy và tăng cường năng lực của hệ thống quản lý ATTP, ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc cấp tính… Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là loại hình có nguy cơ cao gây mất ATTP, lấy mẫu xét nghiệm, từ đó có hướng xử lý cơ sở vi phạm và cảnh báo kịp thời đối với người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO