TP.HCM phải mở rộng đầu tư công và hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp

Hồng Nga| 28/09/2022 06:00

8 tháng năm 2022, kinh tế TP.HCM phục hồi mạnh mẽ. Các chỉ số sản xuất, xuất khẩu, thương mại, dịch vụ... tăng trưởng vượt bậc và dự báo vượt mục tiêu đề ra. Thế nhưng để giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Giám đốc Công ty Luật TNHH Phạm Hưng, còn rất nhiều việc thành phố phải làm, phải giải quyết.

-4072-1664262981.jpg

Ông Phạm Ngọc Hưng

* Ở góc độ lãnh đạo HUBA và lãnh đạo một doanh nghiệp (DN), ông đánh giá như thế nào về các chính sách, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP.HCM?

- Kinh tế thành phố khôi phục nhanh chóng khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt là điều dễ thấy, nhưng những tháng gần đây đã chững lại. Khả năng thu ngân sách hay GDP không đánh giá hết được các vấn đề về phát triển. Hiện nay có nhiều ngành hàng gặp khó khăn, như ngành bất động sản thiếu vốn, ngành gỗ, may mặc, da giày thiếu đơn hàng, nhiều DN nhỏ và vừa không thể tiếp cận được vốn vay vì không đủ điều kiện vay. Không chỉ vậy, DN cũng gặp khó về nguồn lao động. Khi DN chuyển đổi qua những mô hình sản xuất mới, nguồn nhân lực chưa đáp ứng đủ và kịp thời. Nhiều lao động phổ thông hiện nay không chọn ở TP.HCM mà về quê làm ăn. Trong khi đó, các gói hỗ trợ người lao động chưa đủ để họ an tâm gắn bó với công việc ở các DN. Số lượng DN đăng ký mới nhiều nhưng chưa thể hiện được nội lực của nền kinh tế. Theo tôi, với đà này, tình hình kinh tế sẽ còn tiếp tục khó khăn chứ không quá lạc quan như những con số thống kê.

* TP.HCM xác định 2022 là "năm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN". Theo ông, những vấn đề ấy hiện nay ra sao?

- Sự chậm trễ trong cải cách hành chính vẫn là một trong những vấn đề DN kêu ca nhiều nhất, dù số hóa từ đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan... đều khá tốt. Hệ thống công nghệ thông tin của thành phố trong cải cách hành chính tốt, tuy nhiên con người vận hành lại là vấn đề. Chẳng hạn, DN được khai trên mạng để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nhưng phải cầm bản bằng giấy đến đối chiếu. Còn đăng ký chữ ký số thì buộc phải đóng dấu đỏ mang đến nộp mới được xem là đầy đủ. Thủ tục thì đã số hóa nhưng con người thì chưa. Chuyển đổi số trước hết phải cần con người chuyển đổi.

* Theo ông, để trở lại và giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, TP.HCM cần làm gì?

- Có rất nhiều vấn đề TP.HCM cần giải quyết. Về sản xuất, hiện nay DN rất cần hỗ trợ thông tin vì nguồn cung bị đứt gãy, nguyên vật liệu mua từ Trung Quốc bị kẹt do chính sách "Zero Covid" để phòng chống đại dịch. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để DN đẩy mạnh vào thị trường ASEAN. Đặc biệt đẩy mạnh tạo nguồn cung trong nước, tạo sức mua tại thị trường nội địa. 

Do thủ tục tiếp cận đất đai, ngân hàng thông thoáng nên nhiều tỉnh không khó để kêu gọi đầu tư, trong khi các thủ tục này của TP.HCM khá phức tạp. Có một khách quan là do quỹ đất để mở khu công nghiệp gần như không còn nên thành phố khó thu hút đầu tư nước ngoài. Vì vậy, TP.HCM phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN tiếp cận số ít đất còn lại để đón đầu việc dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang. Hiện TP.HCM có quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, quỹ phát triển khoa học công nghệ... nhưng chưa hỗ trợ được nhiều cho DN.

TP.HCM phải mở rộng đầu tư công, không chỉ cho thành phố mà còn cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Việc thành phố đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng đường vành đai 3 là rất phù hợp bởi có nhiều đường giao thông kết nối thì mới phát triển được.

* Cảm ơn ông! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM phải mở rộng đầu tư công và hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO