TP.HCM lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế cả nước

Hồng Nga| 28/02/2022 03:00

Sau thời gian "bạo bệnh" vì Covid-19, với sự nỗ lực của doanh nghiệp (DN) và sự đồng hành của chính quyền, kinh tế TP.HCM đang vươn lên mạnh mẽ, từng bước lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế cả nước.

Số liệu hải quan cho thấy, tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cả nước đạt 30,845 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2021. Có 7 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, như dệt may với 3,57 tỷ USD; gỗ và sản phẩm đạt 1,55 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 4,5 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,5 tỷ USD; giày dép đạt 1,94 tỷ USD... Chỉ riêng TP.HCM, trong tháng 1/2022 đã xuất khẩu số lượng hàng hóa đạt kim ngạch lên đến 4,1 tỷ USD, dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Đây là tháng thứ hai liên tiếp TP.HCM lấy lại vị trí đầu bảng về kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu của thành phố trong tháng 2 năm nay sẽ đạt hơn 4,5 tỷ USD.

Việc lấy lại ngôi vị "quán quân" xuất khẩu của TP.HCM cho thấy thành phố đã hồi phục sau đại dịch Covid-19. Và từ đầu năm đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã và đang phục hồi. Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM khẳng định, hầu hết DN công nghiệp đã khôi phục hoạt động với công suất trên 95%. Một số DN trong khu công nghệ cao có tỷ lệ hồi phục đạt công suất 100%. DN đã nhận đơn đặt hàng đến hết quý I, thậm chí nhiều DN ngành chế biến gỗ, may mặc... đã được đối tác đặt đơn hàng đến hết nửa đầu năm nay.

Hiện các DN ngành cao su của TP.HCM có đơn hàng xuất khẩu tăng từ 10-30% so với trước. Tương tự, các DN dệt may có đơn hàng đến hết quý II/2022, thậm chí có đến 30-40% DN của Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (AGTEK) đã đạt được đàm phán thỏa thuận cho cả năm. Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Nhựa cao su TP.HCM (RPMA), do nhu cầu hồi phục tiêu dùng của thị trường thế giới, các DN nhận được đơn hàng tăng đều ở nhiều mặt hàng khác nhau và quy mô đặt hàng năm nay cũng rất đa dạng. 

kinh-te-7546-1646022352.jpg

Đơn hàng tăng một mặt do nhu cầu tiêu dùng thế giới tăng cao nhưng mặt khác nhờ vào sự đầu tư bài bản, nghiêm túc của các DN. Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, trong thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều DN trong ngành cũng đã nhanh chóng chuyển đổi phù hợp nhu cầu thực tế. Nhờ đó, DN đã duy trì được kết nối với các khách hàng quốc tế qua hệ thống showroom ảo trực tuyến, làm chủ được quá trình giao tiếp với khách hàng qua website, phần mềm họp trực tuyến Zoom... Rất nhiều DN đầu tư thiết bị công nghệ mới công nghệ cao để tăng công suất và giá trị. Một số DN còn đầu tư bài bản về những hệ thống ERP, CRM... làm nền tảng cho chuyển đổi số. 

Sự phục hồi mạnh mẽ của DN, của kinh tế TP.HCM còn thấy rõ qua nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 2/2022, thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan TP.HCM đạt 14.640 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến, trong hai tháng đầu năm 2022, nguồn thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan TP.HCM ước đạt 20.100 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. 

Các DN tin rằng, sắp tới đây, khi du lịch quốc tế mở cửa hoàn toàn, đường bay quốc tế nối lại bình thường sẽ tiếp tục là cơ hội để thành phố có những điều kiện phục hồi đầy đủ. Bởi hiện nay, dù kinh tế thế giới vẫn chưa ổn định, chi phí logistics rất cao... nhưng các DN xuất khẩu thành phố đã rất nỗ lực để vừa kiểm soát dịch bệnh vừa tổ chức sản xuất và khi thấy cơ hội thì tăng tốc. 

Năm 2022, TP.HCM đặt mục tiêu "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN". Và từ đầu năm đến nay, thành phố đã ban hành Quyết định 132 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025. Với sự nỗ lực của DN và sự đồng hành của chính quyền, các DN tin rằng thành phố sẽ tăng trưởng mạnh và bứt phá. 

Dù đã có những tín hiệu tốt nhưng theo chia sẻ của PGS-TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM với báo giới, để tăng trưởng bền vững, thành phố phải giải quyết được nhiều vấn đề. Cụ thể, phải tiếp cận được gói tài khóa, tiền tệ vừa ban hành, cụ thể là phải đảm bảo được đầu tư cho y tế, an sinh xã hội, nhà ở cho người lao động, chính sách xã hội cho các gia đình khó khăn, giúp các DN giảm thuế phí, tiếp cận vốn vay với lãi suất được hỗ trợ thêm 2%...

Bên cạnh đó, thành phố phải tạo đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công, trong đó phải triển khai nhanh các dự án song song với việc rà soát các dự án đang "đắp chiếu" để khôi phục, đẩy nhanh tiến độ hoặc thu hồi những dự án mà chủ đầu tư không triển khai. Một vấn đề quan trọng khác nữa là thành phố phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng với DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO