TP.HCM có 7.113 doanh nghiệp hoạt động trở lại

Tấn An| 03/11/2020 09:59

Thành phố hiện có hơn 33.499 doanh nghiệp được cấp phép thành lập với tổng số vốn đăng ký là hơn 769.550 tỷ đồng. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 1.141.236 tỷ đồng, tăng 43,39% so với cùng kỳ.

TP.HCM có 7.113 doanh nghiệp hoạt động trở lại

Thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm 2020 do UBND TP.HCM tổ chức vào sáng 3/11 với sự tham dự của lãnh đạo UBND TP.HCM cùng đại diện công an, thanh tra và các sở ban ngành thành phố.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố có 33.499 doanh nghiệp được thành lập bên cạnh số doanh nghiệp giải thể là hơn 29.000 doanh nghiệp. Đáng chú ý là có 7.113 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 18,9% so với cùng kỳ) cho thấy, mặc dù đang thời điểm khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng các doanh nghiệp vẫn có những giải pháp để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.  Điều này có ý nghĩa rất lớn vì sẽ giúp tăng trưởng kinh tế của thành phố, đồng thời giải quyết được lực lượng lao động đang thất nghiệp. Ông Phong cũng khẳng định Thành phố đang nỗ lực đưa ra mọi giải pháp hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn để tránh phá sản. 

Bán lẻ, sản xuất nông-lâm-công nghiệp đều tăng

Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở KH-ĐT TP Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 9,9% so với cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 5,5% so với cùng kỳ trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp. Trong 10 tháng đầu năm, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt 16,223 tỷ USD tăng 19,82% so với cùng kỳ, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 15,403 tỷ USD tăng 23,59% và giá trị nhập khẩu đạt 14,808 tỷ USD tăng 26,78%.

Ở lĩnh vực công nghiệp, hai ngành công nghiệp trọng yếu có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng là ngành sản xuất hàng điện tử và ngành hóa chất - cao su - nhựa. Trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử ước 10 tháng tăng 20,6% (cùng kỳ tăng 21,6%) là ngành có chỉ số sản xuất tăng cao nhất trong 4 ngành do có thị trường tiêu thụ ổn định và các doanh nghiệp thường xuyên ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại, chủ yếu do đơn hàng sản xuất nhiều. Ngành hóa chất - cao su - nhựa ước tăng 5,7% (cùng kỳ tăng 0,9%) do nhu cầu về sản phẩm tẩy rửa vệ sinh như xà phòng, nước tẩy rửa, nước rửa tay,... gia tăng để phòng chống dịch Covid-19.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp trên địa bàn Thành phố trong 10 tháng đầu năm 2020 ước đạt 10.465 tỷ đồng, tăng 2,62% so với cùng kỳ. Sản lượng về trồng trọt, thủy sản đều tăng so với cùng kỳ.

Tính đến hết ngày 19/10/2020, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân là 23.778,759 tỷ đồng, đạt 56,4% tổng kế hoạch vốn thành phố đã giao.

Thành phố cũng đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Một số công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã được khởi công hoặc hoàn thành, cụ thể: thành phố đã xúc tiến đầu tư công trình trọng điểm xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng  ra mắt không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số để người dân tham quan; Trải nghiệm các sản phẩm công nghệ số, chính quyền điện tử, đô thị thông minh; Vận chuyển thành công đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên; Đưa vào hoạt động Bến xe Miền Đông mới có quy mô lớn nhất cả nước; Khánh thành Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cơ sở 2 theo tiêu chuẩn quốc tế và đầu tư trang thiết bị hiện đại ứng dụng các phương pháp kỹ thuật, công nghệ khám và chữa bệnh tiến bộ trong lĩnh vực y học trên thế giới…

Du lịch, vận tải gỉam

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, một số ngành đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó ngành du lịch và vận tải chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tổng lượng khách quốc tế mới đến TPHCM trong 10 tháng năm 2020 đạt 1.303.750 lượt, giảm 81,3% so với cùng kỳ, đạt 14,49% kế hoạch năm 2020. Doanh thu du lịch tổng 10 tháng năm 2020 ước đạt 66.144 tỷ đồng, giảm 45,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ là 121.100 tỷ đồng), đạt 45% so với kế hoạch năm.

Về dịch vụ vận tải, tính đến hết tháng 10/2020, khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt 250,579 triệu lượt hành khách, đạt 36,04% so với kế hoạch cả năm 2020. Số lượt vận tải hành khách bằng đường thủy, đường sắt và hàng không đều sụt giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, số lượt vận tải hành khách bằng đường thủy trong 10 tháng năm 2020 đạt 25,95 triệu lượt hành khách (giảm 14,03% so với cùng kỳ). Sản lượng hành khách đi và đến TP.HCM bằng đường sắt ước đạt là 786.192 lượt hành khách (giảm 54% so với cùng kỳ) với 4.031 chuyến (giảm 37% so với cùng kỳ). Sản lượng hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất ước đạt 16,12 triệu lượt hành khách, giảm 52,65% so với cùng kỳ.

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho biết, kết quả thu chi ngân sách nhà nước trong tháng 10 với đà chuyển biến tích cực, tăng 27% so với tháng 9, kết quả thu ngân sách địa phương 10 tháng đầu năm 2020 ước thực hiện đạt 290.783 tỷ đồng, đạt 71,65% so với dự toán, bằng 87,17% so với cùng kỳ.

Dưới tác động của dịch bệnh Covid -19, cộng đồng doanh nghiệp TP đã kịp thời chuyển đổi mô hình sang kinh doanh online, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…, cơ cấu nhập khẩu hàng hóa cũng có nhiều tín hiệu tích cực, các nhóm hàng hóa vật tư phục vụ cho sản xuất tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

Thu ngân sách có chiều hướng tăng

Dưới sự hỗ trợ hướng dẫn của Chính phủ và các bộ ngành liên quan, kết quả của việc áp dụng một loạt các chính sách trong thời gian qua đã góp phần ổn định tình hình kinh doanh trên địa bàn TP, tạo nền tảng cho số thu ngân sách trong các tháng trong quý 3, đầu quý 4 đã có chiều hướng tăng trưởng tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu ngân sách vượt mức 70% so với dự toán, dự kiến số thu ngân sách trên địa bàn TP phấn đấu đến hết năm 2020 là 355.813 tỷ đồng, đạt 87,7% so với dự toán và bằng 86,73% so với cùng kỳ. Tình hình thực hiện chi ngân sách địa phương, dự toán chi 10 tháng đầu năm đã đạt 56.796 tỷ đồng, đạt 55,6% dự toán, tăng 25,13% so với cùng kỳ.

Giải pháp trong 2 tháng cuối năm

 Sở Tài chính đề xuất 4 nhóm giải pháp. Trong đó, nhóm giải pháp thứ nhất là tiếp tục triển khai các biện pháp để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách; Triển khai công tác rà soát số liệu kê khai thuế trên hệ thống của cơ quan thuế để đôn đốc DN kê khai theo đúng quy định; Xây dựng kế hoạch để thực hiện thu với các trường hợp đã hết thời hạn, được gia hạn giãn nộp thuế theo các chính sách hỗ trợ đã được ban hành. Ngoài ra, cần tăng cường công tác đấu tranh chống thất thu qua các hành vi như gian lận, khai sai mã số hàng hóa để hưởng thuế suất thấp, không khai thuế bảo vệ môi trường…

Nhóm giải pháp thứ hai là hạn chế tình trạng nợ đọng thuế. Thành phố sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu đến hết năm 2020, Cục Thuế giảm nợ thuế không vượt quá 5% số thu ngân sách nhà nước; Cục Hải quan thu hồi nợ đọng 120 tỷ đồng.

Nhóm giải pháp thứ ba là đẩy mạnh công tác khai thác nguồn thu từ đất. Nhóm giải pháp thứ tư là tiếp tục tạo lập nguồn thu cho ngân sách thành phố trong những tháng cuối năm và năm tiếp theo. Hiện TP đang triển khai xây dựng một số đề án nhằm huy động thêm nguồn lực từ xã hội và gia tăng tính trách nhiệm của cộng đồng, tạo thêm nguồn lực để cải tiến chất lượng dịch vụ công. TP cũng đang nghiên cứu xây dựng các chính sách phục vụ cho việc tính toán xác định tiền thuê đất trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM có 7.113 doanh nghiệp hoạt động trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO