TP.HCM: Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành LTTP tăng trưởng 26,87%

H.Ng| 22/09/2022 03:37

Ngành chế biến lương thực thực phẩm (LTTP) - một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của TP.HCM có chỉ số sản xuất công nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2022 tăng 26,87% so với năm 2021.

TP.HCM: Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành LTTP tăng trưởng 26,87%

Chia sẻ tại họp báo về "Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP.HCM" (HCMC FOODEX 2022) ngày 22/9, ông Trần Phú Lữ - Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến và đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, ngành LTTP luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và có nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Riêng tại TP.HCM, ngành chế biến LTTP là một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của Thành phố, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp.

Ngành chế biến LTTP Thành phố đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất sang nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, dưới tác động nặng nề của dịch Covid-19, ngành chế biến LTTP thành phố đã gặp nhiều khó khăn và thách thức từ sự đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, hệ thống phân phối bị gián đoạn cho đến logistics, hậu cần và nhân lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, để vực dậy ngành này, UBND Thành phố đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến LTTP TP.HCM giai đoạn 2020-2030, xem đây là một trong những  chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực đầu tư phát triển. 

Theo một đánh giá được đưa ra đầu tháng 8/2022 của tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc, ngành LTTP và đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021-2026. Đây là dự báo khả quan cho sự phát triển của ngành LTTP.

-9142-1663823256.jpg

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội LTTP TP.HCM (FFA) cho biết, tại TP. HCM, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành LTTP 8 tháng đầu năm 2022 tăng 26,87% so với năm 2021. Trong đó, phân ngành chế biến thực phẩm tăng 11,9% (nhóm hàng chủ lực như chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt tăng 15,4%; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm thủy sản tăng 11%; sản xuất mì ống, mì sợi và các sản phẩm tương tự tăng 25%...).

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức lớn từ tình hình kinh tế thế giới. Giá nguyên liệu sản xuất và phí dịch vụ logistics tăng cao là 2 vấn đề chính có tác động không nhỏ đến việc nhận đơn hàng xuất khẩu mới của DN. Theo bà Lý Kim Chi, giá nguyên phụ liệu sản xuất kể cả trong nước và nhập khẩu đều tăng từ 15-40% so với thời điểm trước dịch bùng phát. Trong khi đó các nguyên liệu nhập khẩu khác để chế biến hay bao bì đóng gói cũng tăng hơn 30%. “Vì những biến động của nguyên liệu đầu vào, nhiều DN không dám nhận những đơn hàng lớn từ đối tác nước ngoài”, bà Lý Kim Chi cho biết.

HCMC FOODEX 2022 do ITPC phối hợp với FFA tổ chức với chủ đề “Kết nối giá trị cùng phát triển”diễn ra từ ngày 19-22/10/2022, với sự tham gia của hơn 300 DN, tổ chức, hiệp hội trong nước và quốc tế, với gần 300 gian hàng.

Tại triển lãm, các DN sẽ trưng bày và giới thiệu các sản phẩm lương thực thực phẩm dạng thô, sơ chế, chế biến sâu, sản phẩm đồ uống, nguyên phụ liệu dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm và máy móc thiết bị sản xuất, đóng gói, bảo quản và các nhóm ngành liên quan.

Bên cạnh đó còn các hoạt động giới thiệu, trình diễn quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam và quốc tế như “Phở Việt Nam - Tinh túy từ hạt gạo”, “Thế giới qua những sợi mì, “Văn hóa bánh mì”, “Văn hóa cà phê Việt Nam và thế giới”, “Bánh truyền thống dân gian Việt Nam - Hương xưa, mùi nhớ, vị quê nhà”…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM: Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành LTTP tăng trưởng 26,87%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO