Tìm cách bình ổn giá

TTXVN| 19/05/2009 05:11

Chín tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,32%, là chỉ số tương đối cao. Nguyên nhân, ngoài thiên tai dịch bệnh, sức mua tăng, còn do sự điều hành của Chính phủ và những nguyên nhân khách quan.

Tìm cách bình ổn giá

Chín tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,32%, là chỉ số tương đối cao. Nguyên nhân, ngoài thiên tai dịch bệnh, sức mua tăng, còn do sự điều hành của Chính phủ và những nguyên nhân khách quan. Trước hết, giá nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng cao trong suốt thời gian dài, mà nước ta phải nhập đến 80% nguyên liệu sản xuất sữa, 60% nguyên liệu tân dược, trên 60% phôi thép. Trước diễn biến này, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn tốc độ tăng trưởng cao nhưng lạm phát cũng cao, sẽ làm tăng phân hóa giàu nghèo.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 29/10, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, trong thời gian tới, các giải pháp kiềm chế tăng giá sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ trên diện rộng. Chính phủ sẽ thực hiện một số giải pháp thiết thực để cải thiện đời sống nhân dân, nhất là dân nghèo. Với công nhân, công chức, người nghỉ hưu, Nhà nước sẽ tích cực triển khai lộ trình điều chỉnh tiền lương. Với nông dân, Chính phủ sẽ tìm mọi cách giảm các khoản phí, lệ phí. Ví dụ, sắp tới, Chính phủ sẽ miễn phí an ninh quốc phòng, phí phòng chống lụt bão. Nhà nước sẽ cố gắng đảm bảo tăng mức chi cho người nghèo, gia đình chính sách, như tăng học bổng, tăng mệnh giá bảo hiểm y tế, hỗ trợ 50% bảo hiểm y tế.

Theo đánh giá, trong các nguyên nhân tăng giá có lỗi chủ quan của một số bộ ngành, chẳng hạn như Ngân hàng Nhà nước đã không dự báo được nguồn vốn đầu tư để chủ động mua ngoại tệ. Chỉ sáu tháng đầu năm, vốn đầu tư vào nhiều đến mức Ngân hàng Nhà nước phải mua 8-9 tỷ USD. Rút kinh nghiệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan trung ương nhận thức được hội nhập càng sâu thì yêu cầu thích nghi phải càng nhanh.

Theo đánh giá, các biện pháp kiềm chế tăng giá mà Chính phủ đề ra là rất đầy đủ và đồng bộ. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải tăng cường kiểm tra, giám sát toàn diện các mặt hàng tăng giá. Theo ý kiến của một số đại biểu, để kiểm soát chặt chẽ lạm phát, cần tính tới giải pháp rút ngay một lượng tiền mặt đã đưa ra thị trường về, bằng các công cụ tăng dự trữ bắt buộc, phát hành tín phiếu, trái phiếu...

Trong khi Chính phủ đang nỗ lực kiểm soát đà tăng giá, thì Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đề án học phí và lương giáo viên sẽ được trình Bộ Chính trị trong tháng 12 tới. Theo đề án này, mức học phí của khối đại học, cao đẳng chắc chắn sẽ tăng. Khung học phí mới sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2008, được thiết kế đảm bảo nguyên tắc phù hợp với quá trình phát triển chung, thể hiện sự đóng góp của người dân với xã hội, ai có khả năng thì đóng góp, ai quá nghèo thì miễn, không để những người nghèo đã được vào học lại không thể tiếp tục đi học.

TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm cách bình ổn giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO