Tiếng kèn trầm từ ký ức

ĐOÀN HỒNG LÊ| 17/04/2014 08:24

Mỗi buổi sớm mai thức dậy, đọc báo, tôi chỉ mong hôm nay không có dự án trùng tu di tích nào sắp bắt đầu mà chưa chuẩn bị kỹ tương lai cho nó...

Tiếng kèn trầm từ ký ức

Tôi sinh ra và lớn lên ở xóm Chùa, sát bên đình Hải Châu, ngày ngày lăn lóc ở sân đình cùng với lũ con nít trong xóm.

Đọc E-paper

Năm 2003, thành phố có quyết định giải tỏa nhiều nhà cửa xung quanh, triển khai dự án trùng tu đình Hải Châu. Với suy nghĩ dời đi để ngôi đình cổ có giá trị trong lịch sử phát triển, thành phố Đà Nẵng được trùng tu đẹp đẽ cũng là việc cần thiết nên các hộ dân đều đồng thuận.

Tôi còn nhớ, lúc Ban giải phóng mặt bằng chuẩn bị đập nhà, tôi đang ở Hà Nội, ba gọi điện: "Lẽ ra ngày mai họ đập nhưng ba xin lui lại bốn ngày, chờ con về để ngủ trong nhà thêm một đêm nữa".

Đình làng Hải Châu

Hôm quay lại xóm cũ, thấy cờ phướn rợp trời, các mẹ, các chị đang tập hát dân ca chuẩn bị cho lễ hội đình làng.

Đình Hải Châu thờ tiền hiền theo Nguyễn Hoàng Nam tiến, từ hồi xửa hồi xưa chưa bao giờ có lễ hội đình làng, chỉ có lễ tế xuân thu nhị kỳ cầu quốc thái dân an. Năm 1982, đình bị dỡ sạch cả tượng Phật, chuông đồng, sắc phong trong phong trào bài trừ mê tín dị đoan. Sau nhiều năm xuống cấp, hư hỏng, năm 2003, với dự án 4,2 tỷ đồng trùng tu đình Hải Châu, ngôi đình rêu phong bị đập bỏ hoàn toàn để xây mới.

Kiến trúc mới, xa lạ! Người dân sống xung quanh ngại ngần không dám vào lễ bái như trước. Nên khi quận và thành phố giao cho phường hằng năm tổ chức lễ hội đình làng thì chỉ có các mẹ, các chị ở Hội Phụ nữ thi nấu bánh chưng với nhau, công chức phường áo dài khăn đóng diễn vai trai làng ngượng ngập dập gót rước bằng di tích lịch sử, văn hóa. Hội viên Hội Cựu chiến binh áo dài xanh đỏ đóng vai bô lão. Mọi thứ đều giả, chỉ có sự mất mát là thật, mà mất rất nhiều!

Thầy giáo dạy tôi kể chuyện bên Pháp. Cách đây chục năm, ở Quận 20, thành phố Paris, chính quyền xây dựng một tuyến metro mới ngang qua một khu phố cũ. Các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng phải dời đi. Trước khi dự án triển khai một năm, chính quyền Quận 20 đã thuê một công ty điện ảnh đến khu phố này, chọn lựa một số người tình nguyện trong số dân cư phải dời đi và dạy họ làm phim tài liệu, để tự mỗi người sẽ quay một bộ phim kể lại những câu chuyện riêng, gắn liền với ký ức về nơi mình đã sống.

Có người làm phim về cha mẹ họ đã đến mua nhà ở khu phố đó như thế nào; người làm phim về ông thợ may già chuyên may đồ theo phong cách "Vintage" từ những năm 60 ở góc phố; người quay hoài cái góc phố mỗi chiều họ đến uống trà. Đó là cách để chính quyền quận giữ gìn lịch sử và văn hóa từ những mảnh ghép cuộc đời rất riêng tư, cũng là cách để đền bù cho những người ra đi về mặt tinh thần.

Trong tiếng kèn ò í e ở lễ hội đình làng xóm Chùa kia, có một nốt kèn trầm nào cho phần lịch sử đã mất? Mấy tháng đầu năm 2013, chúng ta đã chứng kiến khá nhiều các di tích lịch sử bị trùng tu, tôn tạo theo kiểu xây mới, những xôn xao vì chuyện nhà giàu "cung tiến" đồ vật thờ cúng mang màu sắc dị đoan ở các di tích văn hóa, lịch sử.

Và bây giờ, mỗi buổi sớm mai thức dậy, đọc báo, tôi chỉ mong hôm nay không có dự án trùng tu di tích nào sắp bắt đầu mà chưa chuẩn bị kỹ tương lai cho nó, không có một khu dân cư nào bị "giải phóng mặt bằng" trong lặng lẽ mà không có những đoạn phim hay ghi chép nào lưu giữ lại dấu vết của nó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiếng kèn trầm từ ký ức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO