Tiền quẩn

LINH CHI| 10/12/2014 09:43

Tiền nhàn rỗi vào NH vẫn không giảm. Nhiều NH sẵn sàng đẩy vốn ra thị trường để hoàn thành mục tiêu, nhưng dòng tiền vẫn luẩn quẩn...

Tiền quẩn

Tiền nhàn rỗi vào ngân hàng (NH) vẫn không giảm, thậm chí còn tăng khiến các NH đang sở hữu lượng vốn giá rẻ khổng lồ. Nhiều NH sẵn sàng đẩy vốn ra thị trường để hoàn thành mục tiêu, nhưng dòng tiền vẫn luẩn quẩn...

Đọc E-paper

Vào nhanh

Cùng với động thái giảm trần lãi suất huy động đầu vào, các NHTM đã nhanh chóng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,8 - 7,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,8 - 7,5%/năm.

Đáng chú ý ở các NHTM quốc doanh, lãi suất kỳ hạn ngắn tại Vietinbank, Vietcombank, Agibank, BIDV chỉ còn từ 4% - 5%/năm, trong khi lãi suất cao nhất khoảng 7%/năm. Ở các NH quy mô khá nhỏ lãi suất huy động tiết kiệm cũng về dưới 8%, cao nhất ở PGBank là 7,6%/năm; NamABank 7,8%/năm (nhưng phải gửi kỳ hạn đến 36 tháng), cá biệt vài trường hợp lãi suất vẫn trên 8%. BacABank 8,2%/năm với kỳ hạn dài...

Trong bối cảnh lãi suất giảm thấp, tưởng rằng khối NH sẽ bị thiếu hụt thanh khoản nhưng thực tế diễn ra ngược lại. Tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại các NH đều cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Theo báo cáo, huy động vốn của các NH đều tăng rất mạnh 9 tháng đầu năm.

NCB tăng xấp xỉ 32%, DongABank tăng 14%, Sacombank tăng 18,5%, PVcombank tăng 24%. Báo cáo của NHNN cũng cho thấy, đến ngày 24/10, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 11,88% so với cuối năm 2013, trong đó huy động vốn VND tăng 13,17%. Điều này chứng tỏ các NH đang sở hữu lượng vốn giá rẻ khổng lồ.

Thừa nhận điều này, một lãnh đạo NHTM tại TP.HCM cho rằng, dù lãi suất đã xuống thấp và NH ít khuyến mại hơn nhưng nhu cầu gửi tiền vào NH vẫn lớn. Do tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư vừa an toàn vừa hiệu quả, trong bối cảnh thị trường vàng ảm đạm và giá liên tục giảm, thị trường chứng khoán chứa đựng nhiều rủi ro, trong khi bất động sản chưa thực sự phục hồi.

Sở dĩ tiền tiết kiệm chưa chảy sang vàng, chứng khoán, ngoại tệ hay bất động sản theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển là do vàng đang có xu hướng giảm dưới 35 triệu đồng/lượng, nhưng giá vẫn lình xình và dự đoán còn giảm thêm. Mua vàng lúc này cũng không biết gửi vào đâu, do NH không nhận tiết kiệm vàng, thậm chí còn tính phí.

Trong khi đó, tỷ giá đã được NHNN cam kết không điều chỉnh quá 1-2%/năm. Còn chứng khoán, bất động sản vẫn chưa thực sự khởi sắc, không phù hợp với việc lướt sóng lúc này. "Nguồn tiền chảy vào NH mạnh, cho thấy kênh gửi tiền được người dân tin tưởng. Ngành NH đang phát triển ổn định trở lại", ông Hiển nhấn mạnh.

Ra chậm

Với lượng tiền vào dồi dào, các NH kỳ vọng sẽ đẩy vốn ra thị trường nhanh trong những tháng còn lại của năm để sớm hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12-14%. Hiện tại, để đẩy mạnh tín dụng trong thời gian còn lại của năm, các TCTD vẫn duy trì mặt bằng lãi suất thấp khoảng 6-10%/năm từ nay đến hết năm để DN dễ dàng vay vốn, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Đồng thời, nhiều NH cũng đề nghị xin NHNN xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cho một số TCTD. Chẳng hạn, Nam A Bank, Viet Capital Bank hay HDBank... đang trong quá trình xin tăng room tín dụng để có thêm dư địa cho vay. Đặc biệt là trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm khi nhu cầu vốn được dự báo sẽ cải thiện.

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Nam A Bank, cho biết, NH đã đệ trình NHNN xin tăng room lên gấp đôi so với mức tăng trưởng đạt được đến cuối tháng 9/2014 là trên 20%. Bởi quy mô của Nam A Bank còn khá nhỏ nên con số về tăng trưởng tín dụng tuyệt đối cũng chưa cao, cho dù tỷ lệ tăng trưởng có vượt qua mức 20% nói trên.

Lãnh đạo Sacombank cũng cho hay, khả năng tín dụng trong quý còn lại của năm sẽ được cải thiện mạnh so với 3 quý đầu năm. Đây cũng là thời điểm kinh doanh tốt nhất của NH trong năm. Vì thế, Sacombank cũng sẽ cân nhắc để xây dựng các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất cho vay.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Sacombank đã triển khai tổng cộng 12 gói cho vay ưu đãi trị giá 16.990 tỷ đồng và 170 triệu USD dành cho DN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trên cả nước.

Tuy nhiên, trước sức mua của thị trường và tồn kho chưa mấy cải thiện, để đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng hiện nay vẫn được xem là một thách thức lớn với ngành NH.

Mặt khác, chính sách lãi suất cho vay được các chuyên gia đưa ra nhận định, sẽ tiếp tục xu hướng đi xuống, nhưng tăng trưởng tín dụng hiện nay không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào lãi suất mà còn phụ thuộc vào chính sách tăng trưởng dư nợ của các NHTM.

Bên cạnh đó, môi trường sản xuất, kinh doanh cũng là một trong những yếu tố quyết định việc tăng trưởng tín dụng. Nếu kinh tế trên đà hồi phục, DN sẽ sẵn sàng vay vốn đầu tư, sản xuất và kinh doanh, thay vì ngưng trệ hiện nay, vay vốn không biết để làm gì. Mặt khác, nợ xấu tăng cao chắc chắn NH phải thận trọng.

Nếu DN đã vướng vào nợ xấu sẽ khó rót thêm vốn cho vay. Còn với DN mới, chưa vướng vào nợ xấu, nhưng lúc này phải xem xét đến yếu tố thị trường có tiêu thụ được hàng hóa hay không mới quyết định vay vốn NH nên tín dụng khó tăng mạnh như kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền quẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO