Thủ tướng Chính phủ: Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa có bước tiến so với năm 2018

Nguyễn Loan| 04/07/2019 02:16

Hôm nay, ngày 4/7/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ: Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa có bước tiến so với năm 2018

ảnh: VGP

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung cao độ, triển khai quyết liệt để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 2019.

Phiên họp có sử dụng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), vừa được khai trương cách đây khoảng hai tuần nhằm hướng tới Chính phủ điện tử, “phi giấy tờ”. Đây là phiên họp thứ hai của Chính phủ sử dụng e-Cabinet sau phiên họp đầu tiên ngay tại lễ khai trương hệ thống vào ngày 24/6/2019.

Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương không trình bày lại tình hình địa phương, chỉ phát biểu về các vấn đề lớn, đang có khó khăn, vướng mắc cần Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ, gồm vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở cấp cơ sở, những vấn đề về phân cấp, phân quyền cho địa phương, cơ sở và giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2019.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm, trong đó công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được coi là một trong những thành quả ấn tượng nhất, với việc Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

“Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, từ khi đổi mới đến nay, chưa bao giờ cơ đồ đất nước được như thế, vị thế đất nước chưa bao giờ được quốc tế đánh giá cao như thế. EVFTA là sự kiện đặc biệt quan trọng sau 10 năm chúng ta theo đuổi. Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã xông xáo thuyết minh, thuyết phục giải quyết các vấn đề để đạt được kết quả như vậy. Việc trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chúng ta cũng phải vận động tích cực để có được”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

Các bộ ngành báo cáo tổng kết về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011-2017, trong bối cảnh 70% các nền kinh tế trên thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại.

Ngành nông nghiệp gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng nên chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 6,45% và là mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây. Xuất khẩu rau củ quả lần đầu tiên đạt mức hàng tỷ USD phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bù đắp thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước và CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Lạm phát cơ bản tháng 6/2019 tăng 0,16% so với tháng trước.

Giải ngân vốn FDI 6 tháng đầu năm ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, lượng khách quốc tế đến nước ta đều tăng.

Số liệu cập nhật đến ngày 2/7/2019 của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, nhập khẩu 120,8 tỷ USD, xuất siêu 1,6 tỷ USD.

6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký.

Có 21.617 doanh nghiệp doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Về triển khai kế hoạch nửa cuối năm 2019, Thủ tướng yêu cầu: “Nhất quyết không ai được bàn lùi mà phải bàn tiến về những mục tiêu đã đề ra”.

Thủ tướng yêu cầu phân tích, làm rõ một số hạn chế trong thời gian qua, như vấn đề vướng mắc do Luật Quy hoạch, nghị định đầu tư theo hình thức BT, giải ngân vốn đầu tư công lẫn ODA đều chậm, hay tình trạng nhiều dự án đã có chủ trương nhưng vẫn dẫm chân tại chỗ, câu chuyện sân golf... vốn là những nội dung đã được nói nhiều nhưng chuyển biến chậm. 

Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa có bước tiến mới. Thủ tướng cho rằng việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp chưa có bước tiến mới so năm 2018, nhất là kiểm tra chuyên ngành còn bất cập, ảnh hưởng ảnh hưởng phát triển. Theo Thủ tướng điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp chưa có bước tiến mới so năm 2018, nhất là kiểm tra chuyên ngành còn bất cập, ảnh hưởng ảnh hưởng phát triển.

Những vấn đề tồn tại những vấn đề như dịch tả lợn châu Phi, cháy rừng, tai nạn giao thông… Thủ tướng cương quyết chỉ đạo: “Đối với từng vấn đề nêu trên, tôi yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành báo cáo ngắn gọn thực trạng và đề xuất giải pháp cụ thể để có thể khắc phục ngay, đồng thời, cần phải tập trung cao độ, triển khai quyết liệt để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 2019 của cả nước, từng bộ ngành, địa phương”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thủ tướng Chính phủ: Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa có bước tiến so với năm 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO