Thu hồi 38 dự án thủy điện ở miền Trung

23/11/2010 02:50

Đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên trong phiên họp của Quốc hội hôm 22/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã “hạ nhiệt” những câu hỏi “nóng” bằng cách trả lời điềm tĩnh.

Thu hồi 38 dự án thủy điện ở miền Trung

Đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên trong phiên họp của Quốc hội hôm 22/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã “hạ nhiệt” những câu hỏi “nóng” bằng cách trả lời điềm tĩnh. Ông Hoàng khẳng định sẽ đề xuất phương án bồi thường cho người dân hạ lưu thủy điện bị lũ, cam kết rà soát quy hoạch thủy điện nhỏ...

Hai cửa van của thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ mở hết cỡ để “điều tiết nước” về hạ du ngày 16/11 - Ảnh: Đình Toàn

Thiếu điện do thiếu vốn

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) truy về bức xúc thiếu điện khi cho biết nhiều cử tri cho rằng nguyên nhân thiếu điện sâu xa là do quy hoạch, đầu tư không hợp lý. Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đề nghị bộ trưởng cho biết nguyên nhân chậm tiến độ các nhà máy nhiệt điện và nhấn mạnh “có nguyên nhân do chọn nhà thầu năng lực yếu không?”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định ngành điện đã thực hiện có hiệu quả quy hoạch nhưng còn hạn chế, lớn nhất là để thiếu điện trên diện rộng. Ông Hoàng cho biết theo mục tiêu trong tổng sơ đồ điện VI thì đến nay đã có thể nói là gần như... không thể thực hiện. “Đến hết năm 2010, dự kiến VN có công suất điện 20.900MW. Năm 2015, mục tiêu VN có năng lực cấp 50.000MW điện thì khả năng chỉ có thể đạt 80%”.

Lý do thiếu điện, theo ông Hoàng, chủ yếu là do thiếu vốn. Nhiều dự án điện chậm tiến độ, xong thì vận hành không ổn định cùng thiên tai, hạn hán kéo dài đã khiến điện thiếu...

Về chất vấn có phải do chọn nhà thầu kém chất lượng, nhiều nhà thầu Trung Quốc đem công nghệ lạc hậu vào VN, ông Hoàng khẳng định chưa có thông tin chính thức nào nói các nhà thầu đưa công nghệ lạc hậu vào VN.

Theo Bộ trưởng Hoàng, khi đấu thầu bao giờ cũng nêu yêu cầu về kỹ thuật, khi nhà thầu đáp ứng mới xem xét giá cả. Ông Hoàng chỉ cho rằng một số hạng mục nhà thầu làm có khiếm khuyết, nhưng phần nhiều là thiết bị phụ...

Trả lời chất vấn của một số đại biểu yêu cầu nêu rõ giải pháp chống thiếu điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đưa ra những giải pháp đã được nhắc đến nhiều lần, như: đẩy nhanh tiến độ các dự án chậm, vận hành ổn định các nhà máy đã hoàn thành...

Bổ sung phần trả lời về thiếu điện, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận trách nhiệm về thiếu điện trước Quốc hội, cử tri nhưng khẳng định thiếu điện không phải do quy hoạch kém mà chủ yếu do không có vốn để đầu tư.

Phó thủ tướng cho biết nếu thực hiện đúng quy hoạch thì VN cần phải có 6 tỉ USD/năm để đầu tư cho điện trong khi từ năm 2006 đến nay ngành điện đi vay với lãi suất 18-19%/năm cũng không có mà vay. Vay nước ngoài thì nhiều quốc gia cấm đầu tư lớn ra nước ngoài. Nhiều dự án đã ký nhưng không thể khởi công vì thiếu vốn, Chính phủ phải chỉ đạo cho vay nóng”.

Ngoài ra, theo Phó thủ tướng, thiếu điện còn một phần do giá điện VN thấp hơn nhiều nước trong khu vực. “Nếu ta không dám gỡ thì không cách gì đảm bảo đủ điện. Năm 2011, nếu thủy điện như hiện nay, sẽ thiếu 1,4 tỉ kWh điện”.

Miền Trung, Tây nguyên có 300 dự án thủy điện, như vậy có phải VN đang đánh cuộc với thiên nhiên? - ĐB đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận)

Thủy điện không thể vô can

Liên quan đến chuyện xả lũ của các hồ thủy điện, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) dẫn trả lời chất vấn bằng văn bản của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và cho biết rất “ngạc nhiên” với việc bộ trưởng trả lời thủy điện “vô can” trong các đợt mưa lũ vừa qua. “Miền Trung, Tây nguyên có 300 dự án thủy điện, như vậy có phải VN đang đánh cuộc với thiên nhiên?” - bà Hương hỏi.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định bản thân chưa từng bác bỏ sự liên quan của thủy điện nhỏ với lũ. Theo ông Hoàng, miền Trung, Tây nguyên mới triển khai khoảng 90 dự án thủy điện nhỏ, nhiều thủy điện nhỏ không có chức năng điều tiết lũ, nhưng Bộ Công thương đã bổ sung nhiệm vụ này cho thủy điện A Vương, Sông Ba Hạ...

Nhiệm vụ các thủy điện này khi có lũ, theo ông Hoàng, đầu tiên là phải đảm bảo an toàn công trình, thứ hai là tham gia cắt lũ, thứ ba mới là phát điện. Thủy điện Sông Ba Hạ vừa qua, ông Hoàng thừa nhận làm chưa đúng quy trình, chưa kịp thời báo cáo UBND tỉnh. Bộ Công thương đã yêu cầu EVN kiểm tra, xác định trách nhiệm, tùy sai phạm sẽ kiên quyết xử lý.

Đối với thủy điện Hố Hô, theo ông Hoàng, do đang xây dựng dở dang, chưa có máy phát điện dự phòng nên lũ về đã không mở kịp cửa xả lũ. Bộ trưởng Hoàng công nhận việc thực hiện quy hoạch thủy điện có bất cập và cho biết Bộ Công thương sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện nói chung và thủy điện nhỏ nói riêng, nếu hiệu quả thấp, ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy thì sẽ kiên quyết đề nghị dừng dự án.

“Vừa qua chúng ta đã không triển khai và thu hồi quyết định đối với 38 dự án thủy điện nhỏ ở chín tỉnh miền Trung và sẽ tiếp tục thu hồi tiếp nếu phát hiện thấy không phù hợp với quy hoạch” - ông Hoàng nói.

Tiếp phần chất vấn của mình, bà Hương đề nghị ông Hoàng cho biết chính kiến đối với việc hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng do thủy điện xả lũ. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng người dân cần được hỗ trợ.

Tuy nhiên, ông Hoàng chỉ nói thủy điện nhỏ nếu xác định lỗi mới có trách nhiệm đền bù. Như người dân hạ lưu thủy điện Hố Hô có đòi bồi thường, ông Hoàng cho biết thủy điện đang tiếp nhận xem xét.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cũng bày tỏ sự không hài lòng với việc bộ trưởng nói “sẽ đền bù nếu xác định được lỗi”. Ông Xuân cho rằng nếu nói như bộ trưởng thì không lấy cơ sở đâu để đề nghị bồi thường. Vì vậy, nếu chưa làm rõ trách nhiệm thủy điện thì phải tạm ngưng việc xây dựng.

Tôi sẽ kiên quyết rà soát để thủy điện trong quy hoạch thật sự hiệu quả - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Bôxit: “Phải vì lợi ích tổng thể”

Đề cập dự án khai thác bôxit, đại biểu Vũ Quang Hải cho rằng nhà máy chế biến bôxit chỉ hiệu quả khi xây ở nơi thừa nước, thừa điện nhưng VN lại đang làm ngược lại. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng không có mâu thuẫn trong việc chọn địa điểm vì “nếu thuần túy về hiệu quả kinh tế thì đúng là đặt nhà máy phía sát biển hiệu quả cao hơn ở Tây nguyên. Nhưng Chính phủ thấy phải vì lợi ích tổng thể”.

Ông Hoàng cho biết đã tính đủ nước cho hai nhà máy và cho dân địa phương, còn điện, theo ông Hoàng, “đúng là vấn đề khó khăn, sẽ tiếp tục xử lý”.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Nông) băn khoăn với việc hồ bùn đỏ ở trên cao, chỉ ngửi đã ung thư nên làm sao bảo đảm an toàn và bộ sẽ xử lý ra sao nếu có phá hoại.

Cho rằng có nhiều biện pháp kỹ thuật mà bản thân không rành lắm, Bộ trưởng Hoàng khẳng định hai nhà máy chế biến bôxit sẽ được xem là công trình quan trọng về an ninh quốc gia. Chắc chắn biện pháp đảm bảo an toàn nghiêm ngặt hơn.

Ông Hoàng tái khẳng định Bộ Công thương đã mời 18 chuyên gia thẩm định hiệu quả đầu tư nhà máy chế biến bôxit và kết quả là “có hiệu quả”.

Bộ trưởng tham mưu gì để giải quyết vùng hạ du thủy điện đang quá khốn khổ, chỉ gần hai tháng mà gần 100 người chết vì lũ? - Bà Trịnh Thị Nga (đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên - nơi người dân đang bức xúc thủy điện Sông Ba Hạ)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chính phủ nhận trách nhiệm về thiếu điện

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có công văn trả lời chất vấn của đại biểu Vũ Quang Hải (phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên) về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực điện lực.

Trong đó Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ nhận trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng thiếu điện vừa qua, bao gồm cả trách nhiệm của các bộ quản lý nhà nước trong việc chỉ đạo phát triển ngành điện. Tập đoàn Điện lực VN chịu trách nhiệm chủ đạo trong việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện của cả nước và trao đổi điện với các nước trong khu vực.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan thực hiện các biện pháp cấp bách và lâu dài để bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất và tiêu dùng trong thời gian tới. Một trong các giải pháp là hình thành thị trường điện theo lộ trình (thị trường điện cạnh tranh dự kiến bắt đầu thực hiện vào năm 2011), trong đó có việc thực hiện tổ chức lại ngành điện VN. Đồng thời Chính phủ sẽ sớm ban hành cơ chế giá điện theo thị trường.

Trong số các nguyên nhân chính của việc thiếu điện, có vấn đề tổng công suất đưa vào vận hành không đạt mục tiêu như quy hoạch điện VI đề ra (mục tiêu cho giai đoạn 2006-2010 là 14.580MW, nhưng đến cuối năm 2010 chỉ đạt 10.490MW, còn khoảng 4.100MW chuyển sang giai đoạn sau năm 2010).

Thêm nữa, các nhà máy nhiệt điện than khu vực miền Bắc mới đưa vào vận hành nhưng không ổn định, quá trình xử lý sự cố kéo dài (nhiệt điện Hải Phòng, Cẩm Phả, Sơn Động, Quảng Ninh). Công văn trả lời khẳng định rằng xảy ra tình trạng thiếu điện trong mùa khô năm 2010 không phải do quy hoạch và phát triển ngành thép, ngành ximăng, đóng tàu thiếu tính đồng bộ với quy hoạch phát triển điện.

* Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Giá thấp nên họ được chọn

Các nhà thầu, kể cả nhà thầu Trung Quốc, khi thực hiện các dự án về các nhà máy điện, họ đã qua được giai đoạn yêu cầu về kỹ thuật. Đến giai đoạn về giá, họ cạnh tranh hơn và theo quy định của Luật đấu thầu, người nào giá thấp hơn sẽ được lựa chọn để tham gia thầu.

* Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc: Trách nhiệm của chủ đầu tư

Chúng tôi cho rằng trong việc chọn nhà thầu của chúng ta chưa hợp lý. Ở đây không phải Luật đấu thầu mà là năng lực và trách nhiệm chủ đầu tư. Hồ sơ mời thầu là quyết định nhất thì chủ đầu tư chưa đủ trình độ đưa ra để chúng ta chọn được nhà thầu tốt nhất.

* Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên: Quy trình vận hành thủy điện có vấn đề

Theo tôi, quy trình vận hành các hồ thủy điện có vấn đề. Trước tháng 10/2008, trừ bốn công trình thủy điện lớn có quy trình vận hành, có đặt vấn đề đảm bảo hạ du, còn lại tất cả không có mà chỉ xả lũ, phát điện. Vì vậy, việc giám sát xả lũ phải có phối hợp bộ, ngành địa phương. Quy hoạch thủy điện nhỏ đang giao địa phương, nhưng cứ 2-5 thủy điện nhỏ bằng thủy điện vừa. Nếu phân cấp để địa phương làm mà không nhìn tổng thể thì dễ phá quy hoạch.

* Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội): “Chưa đi vào bản chất vấn đề”

Qua truyền hình trực tiếp, cử tri nhìn thấy đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) khẽ lắc đầu khi lắng nghe phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và mỉm cười khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc tham gia trả lời chất vấn về lĩnh vực điện lực. Vì sao đại biểu có những cảm xúc như vậy? Bà Phạm Thị Loan nói:

- Cảm xúc đó của tôi cho thấy những vấn đề mà Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chưa đi vào bản chất của vấn đề, còn chung chung và chưa rõ được giải pháp cụ thể. Khi Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trả lời thì đã nói lên được một phần nguyên nhân của vấn đề, tất nhiên chưa đề cập hết, nhưng dù sao cũng đã nhìn nhận thấy và đã nói lên được điểm yếu, thiếu sót.

* Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên): Bộ trưởng chưa đề cập đến sự độc quyền của EVN

- Khi tôi chất vấn thì đã nghiên cứu kỹ vấn đề, tôi rất lo tình trạng thiếu điện sẽ vẫn diễn ra trong một vài năm tới, bởi sự khắc phục đó không nhanh. Thiếu điện là một chuyện, nhưng việc gây bức xúc khác chính là công tác điều hành, tiết giảm điện chưa tốt, việc điều hòa sản lượng điện giữa sản xuất, sinh hoạt và thương mại chưa hợp lý.

Không nên ví giá điện của ta với các nước xung quanh để rồi cho rằng giá điện ở nước ta quá thấp. Nếu nói là thấp thì ở mức độ nào cần phải nghiên cứu đủ. Mặt khác, nói giá điện thấp chưa hấp dẫn nhà đầu tư, nhưng có một nguyên nhân mà Phó thủ tướng và các bộ trưởng chưa đề cập kỹ, đó là nếu cứ để độc quyền của EVN thì đàm phán giá điện giữa các nhà đầu tư và EVN vẫn sẽ khó khăn.

* Bà Trịnh Thị Nga (trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên): Nên dừng xây thêm những thủy điện vừa và nhỏ

Tôi không thỏa mãn với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng về thủy điện. Phú Yên là địa phương thời gian qua phải nhận hậu quả nặng nề do thủy điện xả lũ gây ra và cử tri rất bức xúc về vấn đề này.

Tôi đặt câu hỏi với bộ trưởng Bộ Công thương là có giải pháp gì đối với việc thủy điện xả lũ trong thời gian tới thì bộ trưởng lại không trả lời. Chắc chắn tôi sẽ tiếp tục đặt vấn đề thủy điện xả lũ khi chất vấn lãnh đạo các bộ ngành liên quan khác và Thủ tướng Chính phủ.

Tôi nghĩ nên rà soát, đánh giá lại quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ không chỉ ở Phú Yên mà ở khu vực miền Trung, thậm chí cả nước. Tốt hơn hết là nên dừng xây dựng các thủy điện nhỏ dự báo không mang lại lợi ích gì nhiều.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Thủy điện xả lũ không được làm chết dân

Bên lề phiên chất vấn chiều 22/11, trao đổi với báo chí xung quanh chuyện xả lũ của các hồ thủy điện, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói:

- Miền Trung có đặc thù khác miền Bắc là độ dốc cao, không có hồ lớn nên khả năng dung tích chống lũ, cấp nước không lớn so với miền Bắc.

Mỗi tỉnh trung bình có 150-300 hồ. Việc quan tâm đến các hồ chứa là vấn đề chung. Trước mùa lũ phải đi kiểm tra, đánh giá các hồ xem có bảo đảm chất lượng để tích nước không. Hồ nào không đảm bảo chất lượng thì không cho tích nước, nước về bao nhiêu xả bấy nhiêu. Bao giờ hồ tốt thì cho tích nước. Nếu không đảm bảo mà cho tích nước, vỡ đập là chết.

Hồ thủy điện hay thủy lợi đều phải quan tâm đến việc thực hiện đúng quy trình không. Quy trình hợp lý là vừa bảo đảm chống lũ, vừa bảo đảm cấp nước và bảo đảm sản xuất điện. Người vận hành chỉ được khuyến khích làm đúng quy trình, không khuyến khích sáng tạo bất cứ cái gì vì để thay đổi quy trình là cả một tính toán rất phức tạp.

Ví dụ quy định trên mức nước dâng bình thường là phải xả, ông vận hành bảo thôi, tôi thương dân lắm, dân ngập mất rồi, bây giờ xả nữa là chết nên tôi cứ giữ nước lại. Thế là vi phạm quy trình và khi vi phạm quy trình, vỡ hồ thì dân còn chết nữa. Ý tôi nói là phải làm đúng quy trình.

Quy trình còn quy định không được xả lũ cao hơn lưu lượng lũ về, ví dụ lũ về 3.000m3/giây mà ông xả 4.000m3/giây, tức là có chênh 1.000m3/giây đấy gọi là tạo ra lũ nhân tạo cho hạ du. Đây là điểm hết sức lưu ý mà các đoàn đi kiểm tra vừa rồi không thấy có chuyện đó. Vi phạm việc này trưởng ca mất chức ngay lập tức vì đó là vi phạm rất nguy hiểm.

* Như vậy nếu lũ về, không xả lũ thì có nguy cơ vỡ đập, còn xả lũ mà ngập úng hạ du thì phải chấp nhận?

- Nếu anh là người dưới hạ du thì anh chọn ngập thêm hay vỡ hồ? Phải chấp nhận xả bởi vì nó không tồi hơn mà. Không có hồ thì nước cũng về từng đấy. Nhưng cái chính trước khi xả thì phải thông báo cho tất cả các xã dọc sông, thông báo cho xã, cho huyện, cho ban chỉ huy phòng chống lụt bão để kịp sơ tán. Sơ tán dân phải là số một. Có thể ngập nhưng không được để chết dân. Đấy là hành động phải làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thu hồi 38 dự án thủy điện ở miền Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO