Thị trường nhiều giá, vì sao?

Nguồn SGTT| 19/12/2009 00:33

Ngân hàng Nhà nước đang chấn chỉnh các hành vi kinh doanh, mua bán ngoại tệ trái phép. Những hoạt động này khiến thị trường có nhiều tỷ giá khác nhau.

Thị trường nhiều giá, vì sao?

Ngân hàng Nhà nước đang chấn chỉnh các hành vi kinh doanh, mua bán ngoại tệ trái phép. Những hoạt động này khiến thị trường có nhiều tỷ giá khác nhau. Nhưng không chỉ có thị trường ngoại hối là có nhiều giá…

Gần đây, một số ngân hàng thương mại đã khẳng định, không hề có chuyện phải huy động của khách hàng quen với lãi suất 12%/năm. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật

Tình cờ ghi được mẩu đối thoại giữa doanh nghiệp và ngân hàng về tỷ giá ngoại tệ khi làm thủ tục giải ngân. Doanh nghiệp hỏi: “L/C đã mở rồi, vậy bây giờ chúng tôi phải tính tỷ giá USD bao nhiêu đây?”. Ngân hàng trả lời: “Chúng tôi sẽ có giá tốt nhất cho anh nhưng không phải là tỷ giá niêm yết, mà cao hơn 200 đồng/USD”.

Không minh bạch

Doanh nghiệp, không đồng ý với phần trả lời của ngân hàng vì cho rằng, các doanh nghiệp mua máy móc sản xuất được hỗ trợ nguồn đôla với tỷ giá chính thức. Đại diện ngân hàng giải thích: “Nguồn ngoại tệ của ngân hàng Nhà nước chỉ dành cho tám ngân hàng, trong đó có bốn ngân hàng quốc doanh và bốn ngân hàng thương mại. Những ngân hàng còn lại, trong đó có ngân hàng chúng tôi, không được nguồn ưu đãi này.

Doanh nghiệp muốn có ngoại tệ để trả cho khách hàng phải tự tìm kiếm hoặc phải chấp nhận giá thoả thuận do từng ngân hàng quy định. Chúng tôi muốn có đôla để thanh toán cũng phải vay lại từ nguồn đôla gởi của khách hàng. Phải thông báo cho khách hàng biết ngân hàng sẽ mượn số tiền này. Nguồn đôla mà ngân hàng đang trữ cũng phải mua từ nguồn bên ngoài”.

Dễ thấy, những lĩnh vực thị trường có nhiều giá là những lĩnh vực mà có sự tham gia chi phối, ấn định giá, điều tiết cung cầu của Nhà nước khiến thị trường không thể vận hành hoàn toàn theo cơ chế thị trường – giá cả do kẻ mua, người bán xác lập. Ở thị trường dịch vụ, dễ thấy nhất là lĩnh vực tín dụng. Lãi suất – giá của dịch vụ cũng tồn tại nhiều mức khác nhau: giá theo hợp đồng, và giá mà doanh nghiệp phải thực trả.

Điều đó diễn ra khi mà Nhà nước ấn định lãi suất trần, trong khi ngân hàng phải huy động lãi suất cao, doanh nghiệp (đôi khi) cũng sẵn sàng chấp nhận trả lãi suất cao. Hiện tại, lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn, ngoài lãi suất không kỳ hạn đều cao nhất ở mức 10,49%, do các ngân hàng ngại bị thanh tra nếu huy động lãi suất 10,5% trở lên. Diễn biến này chứng tỏ, lãi suất huy động chưa phản ánh đúng quan hệ cung cầu thị trường.

Có lẽ lĩnh vực có nhiều giá nhất là bất động sản. Ông Trần Kim Chung, trưởng ban nghiên cứu chính sách đầu tư viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận xét: “Đến nay, không một cơ quan nào nắm được giá cả chính xác là bao nhiêu”. Sở dĩ có tình trạng này, theo ông Chung, thị trường bất động sản Việt Nam rất khó tiếp cận, chi phí phi chính quy cao…

Mới đây, ông Hồ Hữu Hạnh, giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM dẫn lại lời nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường rằng, lĩnh vực bất động sản, có lúc lượng giao dịch không chính thức chiếm tới 80%. Chính các chi phí, giao dịch không chính thức này, cùng với các chính sách (thuế…) khác nhau với các đối tượng khác nhau đã dẫn đến việc thị trường bất động sản có rất nhiều giá: giá tính thuế, giá khai thuế, giá giao dịch thực tế, giá bán cho đối tượng tái định cư, giá thị trường…

Nhiều giá ở mọi ngóc ngách thị trường

Bà Hiền, có gần 30 năm buôn bán hàng thời trang nội và ngoại nhập ở chợ Bến Thành nói: “Ngày trước định giá bán dễ ợt, cứ lấy giá mua vào theo tiền Việt Nam, cộng thêm phần lãi 10 – 15% là xong. Còn bây giờ tính giá bán còn phải căn cứ vào diễn biến giá đôla hàng ngày, thậm chí hàng giờ”.

Với những mặt hàng cao cấp, giá hàng ngàn đôla, thì việc xác định giá bán trên thị trường hiện nay đa phần là theo kiểu thương lượng. Chủ tiệm kim hoàn trên đường Lê Thánh Tôn kể: “Món trang sức giá trên 10.000 USD, nếu khách thanh toán tiền mặt bằng USD thì quá tiện. Nhưng nếu họ thanh toán bằng thẻ Visa hay Master, lúc ấy phải xác định với họ tỷ giá thị trường tự do rồi mới quét thẻ. Vì nếu khách đòi tính theo tỷ giá ngân hàng, số tiền chênh lệch có thể lên đến 8 – 9 triệu đồng/món”. Nhiều khách đưa ra lý lẽ “đó là tỷ giá của ngân hàng Nhà nước quy định”, nên nhiều lúc phải chọn mức trung bình giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá chợ đen.

Ngay cả với những mặt hàng tưởng chừng không hề liên quan gì đến USD, cũng bị ảnh hưởng. Bà Khương, bán nhang, giấy tiền vàng bạc ở đường Trường Chinh, Tân Bình cũng điều chỉnh giá khi nghe nhang xuất khẩu tăng giá nhờ giá đôla tăng. Nhích tăng hay giảm, bà Khương đều theo tỷ giá chợ đen.

Nhiều giá không chỉ do sự can thiệp của Nhà nước, mà có khi là do thiếu vắng vai trò của hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường. Ở lĩnh vực hàng điện máy, từ nhiều năm nay, khi mua hàng, người tiêu dùng sẽ bị đòi thêm 10% nếu muốn có hoá đơn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường nhiều giá, vì sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO