Thắt chặt thêm chi tiêu

V.KIM - M.HÀO| 09/06/2009 06:43

Những bất ổn khó lường của tình hình kinh tế càng tác động đáng kể tới thói quen của người tiêu dùng VN: Thắt chặt chi tiêu...

Thắt chặt thêm chi tiêu

Những bất ổn khó lường của tình hình kinh tế càng tác động đáng kể tới thói quen của người tiêu dùng VN: Thắt chặt chi tiêu...

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 đã tăng 0,44% so với tháng 4. So với năm 2008, CPI của năm tháng đầu năm nay tăng 11,59%.

Cụ thể, mười nhóm dịch vụ, hàng hóa đều tăng giá: dịch vụ phương tiện đi lại và bưu chính viễn thông tăng cao nhất (1,8%), nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (0,18%), nhóm vật liệu xây dựng và nhà ở (0,97%), dược phẩm y tế (0,18%), nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,31%...

Các loại thực phẩm tươi sống tăng từ 10% - 30%, nhựa tăng từ 5% - 10%, điện gia dụng tăng từ 8% - 10%, nguyên liệu thép đã tăng 5% - 7%...

Thu nhập giảm sút trong khi giá liên tục tăng cao khiến người tiêu dùng phải tính toán lại chi tiêu. Theo công bố mới nhất của Công ty Tư vấn A.C. Nielsen Việt Nam, có đến 51% người tiêu dùng chọn mua sản phẩm giá rẻ và mua nhiều khi có khuyến mãi, thể hiện rõ xu hướng tiết kiệm trong tiêu dùng.

Ông Trần Hùng Thiện, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường Công ty Tư vấn A.C. Nielsen Việt Nam cũng cho rằng, người VN đang để tâm nhiều hơn đến giá cả và kiểm tra chặt chẽ hơn việc chi tiêu.

Theo nghiên cứu mới đây của công ty này thì có đến hơn phân nửa số người được khảo sát cho rằng họ đã thay đổi hành vi mua sắm nhằm tiết kiệm hơn nữa bằng cách cắt giảm chi phí cho việc mua sắm áo quần, chi phí giải trí, thậm chí chi phí cho gas và điện...

Số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường TNS Việt Nam cũng cho thấy, người tiêu dùng VN đang “thắt chặt” chi tiêu. Theo đó, 52% số người được hỏi cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu trong năm nay.Khoản bị cắt giảm hàng đầu là những hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống ở nhà hàng..., nên dự báo việc kinh doanh ở những nhóm ngành dịch vụ này sẽ bị ảnh hưởng mạnh.

Tiếp đó là các nhóm hàng điện tử gia dụng, thiết bị điện tử cá nhân, cước viễn thông, đi lại, chăm sóc cá nhân... Nhóm tiêu dùng duy trì được sự ổn định là các sản phẩm, dịch vụ y tế.

Bà Trương Thị Thanh Trúc, Giám đốc Công ty Đăng Trường, chủ nhãn hiệu Bánh xèo Ăn Là Ghiền cho biết, từ đầu năm đến nay, doanh thu của chuỗi nhà hàng Bánh xèo Ăn Là Ghiền giảm khoảng 10% so với năm 2008.

Tuy vậy, Đăng Trường vẫn quyết định mở rộng hệ thống phân phối, liên kết với nhiều đối tác để nhượng quyền thương hiệu. Không chỉ có các nhà hàng, khách sạn mà các công ty kinh doanh hàng thời trang cao cấp cũng bị giảm doanh thu.

Tại các cửa hàng kinh doanh thời trang trên đường Đồng Khởi hay các trung tâm thương mại lớn như Diamond, Parkson... TP.HCM, “người xem thì nhiều, người mua thì ít”. Trước thực tế đó, từ đầu năm đến nay, các hãng thời trang cao cấp như Roberto Cavalli, Lacoste, CK, Louis Vuitton, Bertoni, Guess, Giovanni, Clarks, Levi’s... đều phải giảm giá, tuy vậy, doanh số bán hàng cũng không tăng lên bao nhiêu.

Trong một cửa hàng thời trang - Ảnh: V.Kim

Một chuyên gia trong ngành may mặc thời trang cho rằng: Với tình hình kinh tế hiện nay, những người có tiền không còn “vung tay quá trán” với những chiếc kính thời trang hiệu D&G, Prada có giá từ 200 - 400USD, những chiếc đồng hồ có giá hàng ngàn USD hay những chiếc bút cả chục ngàn USD, mà họ tính toán hơn, chi li hơn trong việc mua sắm.

Mặc dù thu nhập giảm, mua sắm có tính toán hơn, nhưng tuyệt đại đa số người tiêu dùng đều khẳng định sẽ không cắt giảm chi tiêu cho lĩnh vực giáo dục, thậm chí còn tăng chi tiêu cho mảng dịch vụ này.

Còn theo điều tra của A.C. Nielsen Việt Nam, có đến 1/4 số người được hỏi cho rằng họ sẵn sàng chi tiền để mua thiết bị công nghệ cao. “Đó là nhờ biện pháp kích cầu của Chính phủ trong thời gian qua”, một đại diện của Công ty Tư vấn A.C Nielsen Việt Nam khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thắt chặt thêm chi tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO