Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến kinh tế

BẢO NGUYÊN| 24/10/2017 05:04

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIV sáng ngày 23/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tăng trưởng GDP 9 tháng của cả nước đạt 6,41% và cả năm ước đạt 6,7%.

Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến kinh tế

Theo Thủ tướng, kết quả này là nhờ vào sự tăng trưởng khá đồng đều ở cả ba khu vực. Cụ thể, nông nghiệp tăng 2,78%, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ 2016, trong đó, thủy sản tăng 5,42%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước cả năm đạt 35 tỷ USD, công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, trong đó ngành chế biến - chế tạo tăng 12,8%. Khu vực dịch vụ tăng 7,25%, cao nhất kể từ năm 2008, trong đó khách du lịch nước ngoài đạt 9,45 triệu lượt (ước cả năm 13 triệu lượt, tăng 30%) và khách trong nước đạt 57,9 triệu lượt (ước cả năm 75 triệu lượt, tăng 12%).

Báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 trước Quốc hội, Thủ tướng cho biết, tín dụng 9 tháng đầu năm nay tăng 12%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên, thanh khoản, an toàn hệ thống được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất giảm, trong đó các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, giá trị tiền đồng ổn định. Việc mua thêm hơn 6 tỷ USD đã nâng mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên trên 45 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, trong 9 tháng, xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giải ngân vốn FDI, hoạt động của thị trường chứng khoán, vấn đề phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại đều đạt được kết quả tích cực.

Trên cơ sở kết quả đạt được trong 9 tháng, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, dự báo 13 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đề ra cho cả năm 2017 sẽ đạt và vượt kế hoạch. Đây được xem là thành công trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển dịch vụ, du lịch.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018

GDP tăng 6,5 - 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1- 1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%, phấn đấu tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 88%...

Bên cạnh những kết quả tích cực, báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém như tăng trưởng chậm, năng suất lao động chưa cao, giải ngân vốn đầu tư công chậm, nợ công cao, xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đạt thấp, tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập chưa như kỳ vọng.

Vấn đề này cũng được thể hiện trong phần cáo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm mục tiêu tổng quát theo nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Song, việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, giải quyết yếu kém của một số doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện rõ nét, tăng xuất khẩu vẫn phụ thuộc phần lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thiếu tính bền vững.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mục tiêu tổng quát đặt ra là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược cũng như giải quyết những mặt còn hạn chế của nền kinh tế, cùng với đó là khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Dự kiến trong 26 ngày làm việc, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIV sẽ xem xét 27 dự án luật, nghị quyết, miễn nhiệm và phê chuẩn hai thành viên Chính phủ. Trong số các vấn đề thảo luận tại kỳ họp lần này, đáng chú ý có Luật Đơn vị hành chính đặc biệt (cơ chế cho đặc khu kinh tế), dự án Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

>>Kỳ họp cuối Quốc hội khóa XIII: Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO