Thái Lan xả kho gạo khổng lồ: Hướng đi nào cho gạo Việt?

HẢI THUẬN| 10/05/2016 03:03

Việc Thái Lan công bố "tổng xả kho", bán ra hơn 11,4 triệu tấn gạo trong hai tháng tới (số lượng khổng lồ trong lịch sử thương mại lúa gạo toàn cầu), đã khiến gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó.

Thái Lan xả kho gạo khổng lồ: Hướng đi nào cho gạo Việt?

Việc Thái Lan công bố "tổng xả kho", bán ra hơn 11,4 triệu tấn gạo trong hai tháng tới (số lượng khổng lồ trong lịch sử thương mại lúa gạo toàn cầu), khiến gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó.  

Đọc E-paper

Trước tình hình này, Bộ Công Thương cho rằng, việc Thái Lan muốn bán ồ ạt 11,4 triệu tấn gạo tồn kho sẽ khiến gạo Việt Nam có thể bị cạnh tranh gay gắt. Sự cạnh tranh này không chỉ từ Thái Lan mà còn từ các đối thủ khác như Ấn Độ, Myanmar, Campuchia.

Trước lo ngại bạn hàng nước ngoài sẽ đổ xô mua gạo Thái Lan với giá rẻ, gây áp lực giảm giá lên gạo Việt Nam, người phát ngôn của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, hiện chưa biết giá cụ thể của gạo Thái Lan nhưng Việt Nam có thể tập trung vào những hợp đồng nhỏ hơn, những thị trường như Trung Cận Đông, châu Phi và tiếp tục xúc tiến quảng bá gạo Việt Nam.

Song, ở góc độ doanh nghiệp, ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) phân tích, châu Phi chỉ cần đảm bảo lương thực cho người dân nên cần gạo giá rẻ, số lượng lớn, chắc chắn họ sẽ tập trung mua gạo Thái Lan. Nếu muốn mua gạo Việt Nam, họ sẽ dựa vào việc Thái Lan "xả kho" để ép giá.

Đó là chưa nói đến yếu tố khách quan khác, nếu so với các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar và cả Campuchia, Việt Nam gặp bất lợi về vị trí địa lý khi xuất khẩu gạo vào châu Phi. Đường xa khiến chi phí vận chuyển, bảo quản gạo tăng cao, đến 20USD/tấn so với các nước ấy khi nhập khẩu vào châu Phi.

Việc xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam cũng không đơn giản nếu không nói là có phần "chậm chân". Bởi, ngay từ đầu năm 2016, Chính phủ Thái Lan đã hỗ trợ khu vực xuất khẩu tư nhân mở rộng thị trường, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại gạo chất lượng cao ở Hong Kong, Singapore, Trung Quốc và Mỹ.

Tháng trước, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã ký biên bản ghi nhớ với Hiệp hội các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong về việc cung ứng 150.000 tấn gạo (thông qua 7 công ty nhập khẩu gạo của Hong Kong). Bộ Thương mại Thái Lan còn đẩy mạnh mở rộng thị phần qua các hợp đồng chính phủ với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, đấu thầu bán gạo tồn kho giá rẻ cho các thương nhân xuất khẩu sang các nước châu Phi.

Theo đại diện Công ty Thịnh Phát, tính từ đầu năm đến nay, ngoại trừ hợp đồng xuất khẩu 300.000 tấn với Indonesia, chưa có thương nhân Việt Nam nào xuất khẩu được gạo thông dụng với giá tốt. Nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào châu Phi, Việt Nam phải giảm giá thêm 20USD/tấn may ra mới cạnh tranh được, nhưng nếu giảm thêm 20USD/tấn thì doanh nghiệp sẽ lỗ nặng.

Là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp, GS-TS. Võ Tòng Xuân nhìn nhận, việc ồ ạt tung ra thị trường hơn 11 triệu tấn gạo với giá rẻ của Thái Lan càng tạo sức ép cạnh tranh lên gạo Việt Nam lẫn thị trường xuất khẩu gạo trên thế giới. Nếu khách hàng đổ xô mua gạo Thái Lan, các nước xuất khẩu gạo khác có thể buộc phải giảm giá khi bán cho các thị trường như Indonesia, Philippines...

Tuy nhiên, GS-TS. Võ Tòng Xuân cũng đưa ra một "điểm sáng" cho gạo Việt Nam, đó là nguồn gạo tồn kho của Thái Lan bán ra phần lớn là gạo chất lượng thấp, gạo cũ nên chủ yếu dùng cho chế biến công nghiệp, không phải là đối tượng khách hàng mà Việt Nam đang trực tiếp cạnh tranh.

>Hạt gạo Việt giữa vòng quay hội nhập

>Gạo Việt Nam giảm sức cạnh tranh ở xuất khẩu lẫn nội địa

> Cần xây dựng thương hiệu đặc trưng cho gạo Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thái Lan xả kho gạo khổng lồ: Hướng đi nào cho gạo Việt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO