Kinh tế quý I có nhiều điểm sáng, như triển vọng phục hồi của doanh nghiệp (DN), của nhiều ngành kinh tế chủ chốt; xuất nhập khẩu hàng hóa phục hồi mạnh mẽ với 11 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu 2,03 tỷ USD; dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại.
Cạnh đó, số DN đăng ký thành lập mới trong quý I giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng vốn đăng ký tăng 27,5% do tăng số DN có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng và giảm số DN có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng.
Những yếu tố trên sẽ là động lực để kinh tế quý tiếp theo tăng tốc, nhất là khi Việt Nam đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa SARS-CoV-2.
Nhưng tăng trưởng kinh tế trong năm nay vẫn khó đoán định khi mà dịch Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn. Bà Vũ Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, nhận xét, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I chỉ tăng 0,29% - mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua, nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay không dễ. Giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng mạnh sau khi Mỹ và nhiều quốc gia tung ra các gói kích thích kinh tế rất lớn. Theo tính toán, nếu giá dầu thô trung bình khoảng 60 USD/thùng thì CPI năm 2021 sẽ tăng thêm 0,9%.
Theo bà Oanh, vẫn có những điểm cần lưu ý về kinh tế - xã hội trong quý I bởi vẫn xuất hiện những ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng; sản xuất công nghiệp chưa thể phục hồi bằng trước khi có dịch bệnh; ngành du lịch ,dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Một tin tốt đến trong quý I là các nền kinh tế lớn trên thế giới đang hồi phục, dự báo sẽ tăng trưởng dương và dịch Covid-19 rồi sẽ giảm mạnh giữa năm hoặc chậm nhất là cuối năm 2021. Các nước giàu và các nền kinh tế lớn có thể phân phối vaccine SARS-CoV-2 trong quý I/2021.Từ quý II, các nước đang phát triển sẽ tiếp cận với nhiều vaccine hơn để đại dịch có thể sớm được kiểm soát trên toàn cầu.
Theo giới phân tích, nền kinh tế đang đi theo hướng lạc quan, với 5 động lực tăng trưởng cơ bản, bao gồm: kinh tế vĩ mô ổn định, doanh nghiệp tư nhân phục hồi, đầu tư công cho cơ sở hạ tầng tăng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ nối lại, thị trường phục hồi sức mua, xuất nhập khẩu tăng trưởng. Việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh sẽ là yếu tố để đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu. Cạnh đó, Việt Nam phải chủ động làm việc với phía Mỹ để tránh nảy sinh căng thẳng thương mại song phương.
Các nền kinh tế của ASEAN đã bị suy giảm nghiêm trọng bởi đại dịch. Singapore, Thái Lan và Malaysia dù kiểm soát kinh tế tốt nhưng vẫn bị tác động do phụ thuộc nhiều vào dịch vụ, thương mại và du lịch. Indonesia và Philippines có thị trường nội địa lớn nhưng thất bại trong kiểm soát dịch. Nếu các nền kinh tế này phục hồi trong năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN sẽ tăng mạnh trở lại.
Tuy nhiên, nhìn vào từng chỉ số của kinh tế vĩ mô, có thể thấy số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng hơn 28%, DN hoàn tất thủ tục giải thể tăng 26,4%, vận tải hành khách giảm 11,8%; tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động còn cao. Cùng với đó, hiện tượng sốt đất diễn ra ở nhiều khu vực tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế... Vì thế, theo PGS-TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay là hết sức khó khăn.
Theo TS. Thế Anh, tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục dựa vào xuất khẩu trong những quý còn lại của năm 2021. Năm nay, các chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam sẽ đóng vai trò ít quan trọng hơn so với năm ngoái. Việt Nam đã ký hàng loạt FTA, đặc biệt là EVFTA sẽ phát huy hiệu quả trong năm nay. DN FDI vào Việt Nam cũng chỉ hướng đến xuất khẩu, những FTA là thế mạnh của Việt Nam và sẽ đóng góp chính vào tăng trưởng trong năm nay.