Đào tạo

Dự kiến từ năm học 2025 - 2026: Mở rộng đối tượng được miễn học phí

NH 10/04/2025 08:56

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang tiến hành lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách miễn học phí cho trẻ em và học sinh các cấp. Dự thảo lần này không chỉ tiếp tục duy trì chính sách “không phải đóng học phí” đối với học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập, mà còn đề xuất mở rộng đối tượng miễn học phí, nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Công văn số 13594-CV/VPTW ngày 01/3/2025.

Theo Luật Giáo dục năm 2019, đối tượng không phải đóng học phí hiện nay là học sinh tiểu học tại các cơ sở công lập; trong khi đó, đối tượng được miễn học phí bao gồm trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở.

Trên cơ sở rà soát các quy định hiện hành và triển khai Kết luận của Bộ Chính trị, Bộ GDĐT đề xuất bổ sung thêm hai nhóm đối tượng được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026 gồm trẻ em mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục và học sinh trung học phổ thông, bao gồm cả những em đang theo học chương trình văn hóa phổ thông tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Chính sách cũng hướng đến việc hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, nhằm đảm bảo tính công bằng, đồng bộ trong thực thi chính sách giáo dục theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

mien-hoc-phi.jpg

Tại dự thảo, Bộ GDĐT đề xuất chính sách miễn học phí cho toàn bộ học sinh từ mầm non đến THPT trong hệ thống giáo dục công lập, đồng thời duy trì việc “không thu học phí” đối với học sinh tiểu học.

Đáng chú ý, cách tiếp cận chính sách lần này tập trung vào sự thống nhất về bản chất, học sinh không phải đóng học phí đồng thời tinh giản thủ tục hành chính cho chính quyền địa phương. Khi thực hiện chính sách "không phải đóng học phí", các tỉnh, thành sẽ không cần ban hành thêm Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về xác định đối tượng miễn, mức cấp bù và quy trình phê duyệt đối tượng hưởng chính sách như trước.

Theo số liệu thống kê năm học 2023 - 2024, cả nước có 23,2 triệu học sinh, trong đó có 21,5 triệu học sinh đang học tại các cơ sở công lập (chiếm 93%) và 1,7 triệu học sinh theo học tại cơ sở ngoài công lập (chiếm 7%). Cụ thể: Mầm non: 4,8 triệu trẻ (3,8 triệu học tại công lập); Tiểu học: 8,8 triệu học sinh; THCS: 6,5 triệu học sinh; THPT: 2,99 triệu học sinh.

Căn cứ mức học phí tối thiểu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP, Bộ GDĐT ước tính tổng kinh phí ngân sách nhà nước cần để thực hiện chính sách này là khoảng 30 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tùy thuộc vào mức học phí cụ thể do Hội đồng nhân dân từng địa phương quyết định trong khung học phí quy định của Chính phủ.

Trong đó, ngân sách đã và đang chi để miễn học phí cho các đối tượng hiện hành là khoảng 22,5 nghìn tỷ đồng. Như vậy, phần ngân sách cần bổ sung khi thực hiện mở rộng chính sách này là 8,2 nghìn tỷ đồng.

Bộ GDĐT khẳng định rằng người dân là đối tượng thụ hưởng trực tiếp của chính sách, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Việc miễn học phí không chỉ giảm bớt áp lực tài chính cho hàng triệu hộ gia đình mà còn tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao tỷ lệ đến trường, nhất là ở bậc mầm non và THPT.

Bên cạnh đó, phần chi phí tiết kiệm từ học phí có thể được chuyển hóa thành nguồn tiêu dùng khác cho hàng hóa và dịch vụ trong xã hội, gián tiếp kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo thêm lòng tin của người dân vào chính sách an sinh của Đảng và Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dự kiến từ năm học 2025 - 2026: Mở rộng đối tượng được miễn học phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO