Tăng nhập khẩu các loại thịt: Phải tính đến lợi ích của người chăn nuôi

Nguyễn Hoàng| 16/12/2019 06:00

Việc tăng nhập khẩu các loại thịt trong trung và dài hạn vẫn chưa thể đoán định, nhưng khi giá trị nhập khẩu tăng hơn 20% trong ngắn hạn, các chính sách nhập khẩu cũng rốt ráo điều chỉnh.

Tăng nhập khẩu các loại thịt: Phải tính đến lợi ích của người chăn nuôi

Các doanh nghiệp (DN) châu Âu đang bán thịt bò sang Việt Nam. Ông José Ramón Godoy - Trưởng Ban Quốc tế Tổ chức Liên hiệp nông nghiệp thực phẩm ngành công nghiệp thịt bò Tây Ban Nha (Provacuno), cho biết, đã có 4 DN của Tây Ban Nha được xuất khẩu thịt bò sang Việt Nam, trong khi 7 DN khác đang hoàn tất thủ tục cấp phép. Việt Nam đã có chính sách miễn thuế nhập khẩu trong ba năm cho thịt bò Tây Ban Nha. 

Các nhà xuất khẩu của Mỹ cũng muốn tăng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vào Việt Nam. Ủy ban Nông nghiệp Hoa Kỳ đã đề nghị Việt Nam giảm thuế nhập khẩu thịt gà mảnh và phụ phẩm xuống 14,5%. Mỹ cũng đề nghị Việt Nam giảm thuế đối với thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh, trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng từ 25% xuống 18,9% vào năm 2020 và 0% vào năm 2027. 

Trong khi đó, giá thịt lợn nhập tại Việt Nam đang tăng cao. Thị trường xuất hiện hiện tượng găm hàng để tăng giá và người chăn nuôi có xu hướng nuôi lợn lên đến 170-180kg/con thay vì 90-110kg/con như thông thường để chờ tăng giá. 

Link bài viết

Việt Nam phải tăng mạnh nhập khẩu để bù đắp nguồn cung thịt bị thiếu hụt do đợt dịch tả lợn châu Phi vừa rồi. Tháng 11/2019, giá trị thịt nhập khẩu đã tăng 20,3%, lên mức 321 triệu USD, theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng rốt ráo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Bộ Tài chính cũng dự kiến giảm thuế suất thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh, trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng từ 25% xuống 22%. Mức thuế suất này tiệm cận với mức thuế suất cắt giảm năm 2019 theo Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là 21,6%, do biểu thuế MFN (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường) không có mức thuế suất 21% nên quy định mức thuế suất 22%.

Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm mức thuế nhập khẩu một số loại thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh từ 20% xuống 18% (Mỹ đề nghị 14,5%). Trong khi đó, thuế suất một số loại thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng từ 25% xuống 22%. Theo công văn ngày 8/11/2019, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam kiến nghị giảm các loại thịt gà từ 20% xuống 14,5% trong năm 2020 và 0% vào năm 2028.

Trong các nhóm hàng nông nghiệp, nhóm thịt gà là nhóm Việt Nam bảo hộ cao, trong các hiệp định thuế quan hoặc trong quá trình đàm phán, không cam kết cắt giảm hoặc nếu buộc phải cắt giảm sẽ vào giai đoạn cuối cùng khi thực hiện cam kết.

Link bài viết

Do vậy, các biểu thuế hiện hành cũng cơ bản giữ mức trần cam kết khi chưa đến thời gian cắt giảm cuối cùng do thịt gà là nhóm hàng thực phẩm thiết yếu, kể cả theo thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam, đồng thời là mặt hàng mà nông dân có thể sản xuất tại nhà, qua đó góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Với mức thuế nhập khẩu 20% như hiện nay, giá gà nhập khẩu vẫn thấp hơn so với giá thành người dân sản xuất.

Trong trường hợp giảm thuế từ 20% xuống 18%, lấy theo kim ngạch nhập khẩu chịu thuế MFN năm 2018 thì dự kiến sẽ giảm thu khoảng 3 triệu USD, tương đương 69 tỷ đồng/năm. Bộ Tài chính dự kiến giảm mức thuế nhập khẩu các loại thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh từ 20% xuống 18%.

Mức thuế suất 18% tương ứng với mức cắt giảm năm thứ nhất trong CPTPP. Bên cạnh đó, với việc giảm thuế MFN, không chỉ Mỹ được hưởng mà thị trường Brazil, Ba Lan cũng được hưởng ưu đãi, và qua đó cũng có thể dẫn đến sự gia tăng hàng nhập khẩu từ các thị trường khác.

Dịch tả lợn châu Phi đã làm giảm 20% sản lượng thịt lợn trong nước, đặt ra những lo ngại về đảm bảo nguồn cung 600.000 tấn cho quý IV/2019, vốn là thời điểm tiêu dùng thịt tăng cao. Khi Việt Nam nhập khẩu nhiều sản phẩm chăn nuôi, người tiêu dùng sẽ được mua với giá tốt, có nhiều sự lựa chọn hơn, song người sản xuất sẽ thiệt thòi. Do đó, các nhà làm chính sách cần tính đến sự hài hòa lợi ích giữa các bên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng nhập khẩu các loại thịt: Phải tính đến lợi ích của người chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO