Tăng biên độ tỷ giá 2%: DN xuất khẩu được lợi ngay lập tức

12/08/2015 04:39

Các DN xuất khẩu ngay lập tức sẽ được hưởng lợi sau một giai đoạn dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi VND lên giá thực so với USD trong khi các DN nhập khẩu về tiêu thụ tại thị trường nội địa sẽ là đối tượng chịu thiệt hại.

Tăng biên độ tỷ giá 2%: DN xuất khẩu được lợi ngay lập tức

Đó là nhận định của TS. Phan Minh Ngọc về quyết định nới biên độ tỷ giá từ ngày 12/8 của NHNN. TS Ngọc cũng cho rằng đây là quyết định khá linh hoạt của NHNN, giúp cho tỷ giá theo sát diễn biến của thị trường.

Sáng 12/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bất ngờ tăng biên độ tỷ giá của đồng USD/VND từ +/-1% lên +/-2%, với lý do Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ có tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam do Trung Quốc là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của Việt Nam.

Sau quyết định của NHNN, các ngân hàng thương mại đã ngay lập tức “hưởng ứng” bằng việc đồng loạt đưa tỷ giá lên một mặt bằng mới, với giá bán ra quanh mức 22.100 đồng (sát mức trần) và giá mua vào cũng quanh 22.000 đồng, cao hơn trên 200 đồng mỗi USD so với trước đó.

Quyết định của NHNN đã nhận được nhiều nhận định của các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế. Để có thêm góc nhìn cho độc giả, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Minh Ngọc về vấn đề này.

* NHNN tuyên bố rằng sẽ duy trì tỷ giá biến động không quá 2% trong cả năm nay, và "room" này cũng đã được sử dụng triệt để trong nửa đầu năm. Tuy nhiên cơ quan quản lý lại vừa có quyết định khá lạ là bất ngờ điều chỉnh biên độ của tỷ giá VND/USD, từ mức +/-1% lên +/-2% - lần điều chỉnh đầu tiên kể từ tháng 2/2011. Vậy ông đánh giá thế nào về động thái này?

- Để điều chỉnh tỷ giá thì có hai cách, hoặc là điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng (tỷ giá tham chiếu), hoặc điều chỉnh biên độ biến động xung quanh tỷ giá liên ngân hàng.

Việc tăng tỷ giá liên ngân hàng hay nới rộng biên độ biến động từ 1% lên 2% đều mang đến một kết quả giống nhau là cho phép VND yếu đi so với USD.

Tuy nhiên, cách điều chỉnh biên độ biến động tạo ra sự linh hoạt hơn cho tỷ giá theo sát với diễn biến của thị trường so với cách điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng.

Cách này cũng tạo ra ít tác động về mặt tâm lý hơn so với cách thứ nhất, đặc biệt xét đến bối cảnh NHNN cương quyết “nói không” với việc phá giá VND quá 2 điểm phần trăm trong năm nay, mặc dù việc nới biên độ về bản chất cũng là sự chấp nhận chính thức phá giá VND.

*Việc điều chỉnh biên độ này sẽ có lợi hơn với nhóm doanh nghiệp nào thưa ông?

- Như đã được phân tích nhiều lần, các doanh nghiệp xuất khẩu ngay lập tức sẽ được hưởng lợi sau một giai đoạn dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi VND lên giá thực so với USD và so với phần lớn các đồng tiền của các nước trên thế giới.

Không chỉ vậy, hàng hóa sản xuất trong nước tiêu thụ trong nước cũng nhờ đó mà tăng được sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu, giúp cho doanh nghiệp sản xuất cho thị trường nội địa trụ vững hơn trên thị trường.

* Thế còn với các doanh nghiệp nhập khẩu thì sao?

Đối tượng bị thiệt hại là các doanh nghiệp nhập khẩu về tiêu thụ tại thị trường nội địa, nhưng điều này là tốt cho cả nền kinh tế vì nó giúp thúc đẩy sản xuất nội địa và xuất khẩu, giảm nhập siêu.

Nên nhớ, cho dù có một số tác hại nào đó cho một số đối tượng nào đó trong nền kinh tế, việc phá giá bản tệ luôn là một giải pháp hữu hiệu khi nền kinh tế đang phải đối mặt với nhập siêu, và/hoặc xuất khẩu, tăng trưởng GDP cũng như tăng trưởng việc làm cần một cú hích.

Điều này được chứng minh không thể rõ nét hơn qua việc Trung Quốc phải chấp nhận phá giá NDT trong 2 lần liên tiếp là ngày 11/8 và hôm nay 12/8.

* Nhiều ý kiến cho rằng, áp lực lên tỷ giá vẫn còn rất lớn, đặc biệt là khi Trung Quốc vẫn chưa có động thái nào cho thấy họ sẽ dừng lại việc phá giá đồng nội tệ, trong khi các đồng tiền khác trong khu vực cũng chịu ảnh hưởng. Theo ông thời gian tới, tỷ giá nên được điều hành theo hướng nào là hợp lý?

- Tôi cho rằng việc NHNN chấp nhận phá giá VND trong bối cảnh các nước trên thế giới thi nhau phá giá bản tệ là một bước đi bắt buộc và cần thiết.

Trong thời gian tới, việc điều hành tỷ giá VND nên tiếp tục theo hướng để tỷ giá VND biến động linh hoạt hơn theo diễn biến thị trường, cơ quan quản lý không nên tự làm khó mình bằng việc tuyên bố ngay từ đầu một con số cụ thể nào đó như thời gian qua.

* Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Doanh nghiệp nhập khẩu lo lắng

“Tỷ giá tăng rõ ràng là bất lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu chúng tôi. Nếu tỷ giá tăng thì chi phí nhập khẩu sẽ tăng.

Đơn cử như một kg thịt trị giá 2 USD cách đây 1 tuần, về Việt Nam chỉ khoảng 43.600 đồng, thì nay lên tới 44.200 đồng.

Đó là chưa kể, chi phí vận chuyển của các hãng tàu đều tính bằng USD, khi biên độ tỷ giá được nới lên, tức là tỷ giá cũng tăng theo, thì doanh nghiệp lại phải chịu chi phí đắt hơn, làm cho giá thành của sản phẩm gia tăng.

Chi phí sản phẩm tăng nhưng chúng tôi cũng không thể tăng giá sản phẩm một sớm một chiều. Việc tăng giá còn phải tùy thuộc vào sức mua của thị trường.

Nếu sức mua vẫn như vậy hoặc giảm sút, doanh nghiệp không thể tăng giá vì tăng sẽ không bán được hàng, không cạnh tranh được, thậm chí còn phải giảm giá và việc thua lỗ là điều khó tránh khỏi với các doanh nghiệp không tính toán kỹ lưỡng”.

Ông Nguyễn Văn Thưởng - Giám đốc một công ty nhập khẩu thực phẩm đông lạnh tại Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ.

>NHNN nâng biên độ tỷ giá lên 2%

>NHNN điều hành tỷ giá trong biên độ 2% năm 2015

>Tiếp tục cho vay ngoại tệ với DN xuất khẩu và xăng dầu

>Tăng mạnh thuế với hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng biên độ tỷ giá 2%: DN xuất khẩu được lợi ngay lập tức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO